Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 1

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                     -Quýdenver- 

1. Một thoáng ấu thơ

Mọi người trong làng đều gọi bác là “Phổ ngựa”, nhưng tôi lúc nào cũng gọi bác là bác Phổ. Bác Phổ thích ngựa, nuôi một con ngựa. Hầu hết người trong làng không thích ngựa nên cho bác là người gàn, dở hơi. Có người còn bĩu môi khinh thị, xì xào chê bai bác là nghèo rớt mồng tơi, miệng không đủ miếng ăn mà còn nuôi ngựa. Bác nghe thấy, chỉ cười, không nói gì.

Hồi đó tôi còn nhỏ, chưa có ý niệm rõ rệt về sự cách biệt giầu nghèo giữa người này người nọ. Trước mắt tôi, ngôi nhà tranh ba gian hai chái của bác Phổ chẳng khác ngôi nhà ngói, cũng ba gian hai chái, của bố mẹ tôi bao nhiêu. Duy cái sân trước nhà bác có hơi chật hẹp thật đấy, nhưng cũng chỉ tại bác ngăn hơn nửa khu đất để làm chuồng nuôi ngựa. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại bĩu môi khinh thị, xì xào chê bai cái thú nuôi ngựa của bác Phổ và cho bác là người gàn, dở hơi.

Mẹ tôi nói bác Phổ chỉ có 5 sào ruộng. Bác để 3 sào ruộng trên “cánh đồng trước” cho vợ chồng đứa con gái, cùng ở chung với bác, canh tác. Nhưng ruộng cao, xa mương ngòi, thiếu nước nên chỉ canh tác được một vụ lúa mùa. Gặp những năm hạn hán, ít mưa, số lúa gạo thu hoạch không đủ dùng, bác phải ăn độn thêm khoai sắn. Còn 2 sào ruộng ở lưng đồi trên “cánh đồng sau”, bác trồng dâu để nuôi tầm. Nuôi tầm ươm tơ là một nghề phụ trong làng đối với một ít gia đình vì không có đủ ruộng nương để canh tác và không muốn làm công cho những người có nhiều ruộng nhưng neo người. Thường thì, những gia đình neo người phải mướn thêm người giúp việc từ những làng kế cận, đặc biệt là trong mùa gặt hái. Tuy vậy, người dân trong làng lại thích “khoe” cái nghề nuôi tầm ươm tơ phụ này bởi làng quê nào mà chẳng làm ruộng và cái nghề phụ này đã khiến cho làng tôi không giống những làng khác ở chung quanh!

Bác Phổ không có họ hàng xa gần với ai trong làng. Bác chỉ có một đứa con gái. Vợ bác chết sớm vì bệnh, nhưng không ai rõ bệnh gì. Khi đưa đám vợ bác, tôi thấy mẹ tôi khóc. Bác không lấy vợ kế, ở vậy nuôi con. Sau khi vợ chết được 4 năm, bác gả đứa con gái cho một anh chăn ngựa bên ấp Cổ-Be cách xóm chùa cuối làng hơn nửa cây số. Ấp Cổ-Be là đồn điền của một ông Phú-lăng-xa có cái tên là Colbert mà người làng thường gọi ông là Cổ- Be.

Ông Cổ-Be cũng là người thích ngựa. Ông mướn hai người để chăn nuôi 11 con ngựa và đứa con rể bác Phổ là một trong hai người đó. Bác thương đứa con rể mồ côi từ tấm bé, xin ông Cổ-Be cho vợ chồng nó về ở chung với bác để bố con sớm hôm đỡ đần nhau. Lúc đầu ông Cổ-Be không chịu, nhưng sau thấy bác Phổ cũng là người đồng điệu nên bằng lòng. Vả chăng, bác Phổ có hứa với ông Cổ-Be là nếu lúc nào có chuyện cần bác sẽ cho đứa con rể sang giúp.

Ông Cổ-Be là người không cùng chủng tộc với dân làng, nhưng ông lại được dân làng mến chuộng. Ông thường giúp dân làng, bỏ tiền thuê người đắp lại một khúc đường lầy lội hoăc khơi lại một khúc mương tắc nghẽn. Mỗi khi ông sang làng bắn chim, trẻ con xúm quanh để xem ông cầm que sắt thọc vào nòng súng nhồi đạn. Nhiều người nói rằng người như ông Cổ-Be thật là hiếm có.

Bố tôi là người kín tiếng. Tôi không biết bố tôi nghĩ gì về cái thú nuôi ngựa của bác Phổ. Tuy nhiên, đôi khi tôi thấy bố tôi và bác Phổ đứng dưới gốc cây bưởi, nói chuyện với nhau lâu cả nửa buổi. Khi nói chuyện, thỉnh thoảng hai người đưa tay chỉ trỏ về phía chuồng ngựa bên nhà bác Phổ, và xem ra cũng có chiều tâm đầu hợp ý. Có lúc tôi thấy con ngựa của bác Phổ ngóc đầu, vểnh hai tai nhọn hoắt như để nghe ngóng. Có khi nó ngước mõm hý lên một tiếng thật dài.

Mẹ tôi nói bác Phổ là một người tốt, bác chẳng bao giờ nặng lời, lớn tiếng với ai. Vào đầu những mùa ngô khoai, mẹ tôi thường gọi bác sang nhà, mời ăn mấy củ khoai luộc hoặc vài bắp ngô nướng. Tôi để ý, khi ăn khoai luộc bác Phổ ít nói gì, nhưng khi đưa bắp ngô nướng lên miệng thì thế nào bác cũng nói một câu. Có lần tôi nghe bác nói: “Ngô bẻ vừa đúng lúc, nướng lại vừa chín, gậm long nguyên cả hột, dẻo và thơm quá”.

Nhà bác Phổ ở cạnh nhà bố mẹ tôi, phía mặt trời lặn. Nhà bố mẹ tôi trông về hướng bắc còn nhà bác quay về hướng tây, bố tôi nói vậy. Cứ đến xế chiều, khi tôi vừa ở trường học về thì bóng cây sấu đầu hiên nhà bác đổ dài, che kín một khúc tường hoa thấp ngang lưng và một khoảng sân sau nhà bố mẹ tôi. Khúc tường hoa rợp bóng mát này là nơi tôi thường ngồi cạnh bác, nghếch tai chăm chú nghe bác kể chuyện. Tôi thấy bác ít khi nói chuyện lâu với ai. Nếu có gập ai, bác chỉ chào hỏi, nói một vài câu qua loa rồi rảo chân bước đi. Họa hoằn lắm mới thấy bác đứng lại chuyện trò, nhưng cũng chỉ kéo dài dăm ba phút. Ấy vậy mà, khi nói chuyện với tôi thì bác nói say sưa, dứt không ra. Bác nói với tôi đủ thứ chuyện, nhưng tôi thích nhất là nghe bác kể chuyện về ngựa.

Bác kể về con ngựa gỗ ở mãi tận đâu đâu xa lắm, trong bụng ẩn núp cả một đạo quân với đầy đủ binh khí, được lập mưu đưa vào thành rồi đạo quân mở bụng ngựa xông ra, châm lửa đốt thành khiến thành bị thất thủ. Bác kể về con ngựa sắt của Đức Thánh Gióng nước ta, vó lấn sâu, in thành các ao nước hình tròn chạy dọc từ Bạch Hạcđến Yên Viên. Đức Thánh Gióng đã nhổ tre làm roi ngựa, một mình với ngựa ấy phá tan giặc Ân rồi sau đó cả người và ngựa đều bay về trời. Bác kể về con ngựa Xích Thố lông đỏ như lửa của Đổng Trác mang tặng Lữ Bố để dụ hàng, sau lọt vào tay Tào Tháo khi Lữ Bố bị họ Tào bắt giết. Ngựa Xích Thố lại được Tào Tháo tặng cho Quan Công để giữ chân, và sau cùng Quan Công mắc kế Lữ Mông để mất thành và bị chém chết. Ngựa Xích Thố lọt vào tay tướng Đông Ngô, nhớ chủ cũ, bỏ ăn mà chết. Bác kể về con ngựa Bảo Nguyệt Ô Chung lông đen như mực của Uất Trì Cung, về con ngựa Huỳnh Biêu lông vàng như nghệ của Tần Thúc Bảo, về con ngựa Kim Bông lông trắng như tuyết của La Thành... Bác Phổ còn giải thích cho tôi hiểu thế nào là ngựa đi nước kiệu, thế nào là ngựa phi và tiếng ngựa hý nó dũng mãnh ra sao. Có những con ngựa hay, khi ra trận, hý lên một tiếng là cả một đạo quân địch tán loạn, hoảng hốt bỏ chay!

Vào những buổi trưa hè nắng cháy cuối tuần, nếu không bận bịu với mấy nong tầm và nếu thấy tôi thơ thẩn có mặt ở nhà, không theo bạn bè đi thả diều, đuổi bướm hay bắn chim, là y rằng bác Phổ lại đưa tay lên môi khẽ huýt sáo, ra hiệu rủ tôi theo bác dắt ngựa đến khu đồi thấp trên “cánh đồng sau”. Ở đấy có những luống sắn cao hơn đầu người, những vườn dâu đốn thấp đang trồi lá, hai cây gạo đầy hoa đỏ ối, và thỉnh thoảng có đàn cò trắng bay ngang rợp trời, với những tiếng kêu gọi nhau rổn rảng, cả làng nghe thấy. Khu đồi nối liền với ấp Cổ-Be bằng một con đường thẳng tắp. Hai bên đường cỏ may mọc cao tới đầu gối và loáng thoáng đó đây, một vài bông hoa dại màu vàng hiện ra như những nét chấm phá thật bắt mắt nhưng cũng thật là lạc lõng. Trên con đường này, bác Phổ thường cưỡi ngựa, ghìm cương đi nước kiệu hoặc bế tôi đặt lên lưng ngựa rồi thủng thỉnh dắt ngựa đi. Rất ít khi bố mẹ tôi từ chối khi tôi xin phép đi với bác Phổ trong những dịp như thế này.

Có một buổi, bác Phổ vào nhà kho mang ra cái yên ngựa bằng gỗ do bác tự đóng lấy. Mặt dưới yên ngựa có nhiều lượt vải lấy từ quần áo cũ, may dán chằng chịt để khỏi sây trầy lưng ngựa. Sau khi đặt nhẹ cái yên lên lưng ngựa, bác luồn hai sợi giây thừng qua dưới bụng ngựa và buộc chặt yên vào lưng ngựa. Hai sợi giây thừng này cũng được quấn bên ngoài bằng nhiều lượt vải. Mỗi lần đóng yên ngựa như thế,bác Phổ lại thầm ước làm sao kiếm được ít tiền, mua cái yên ngựa chế bằng da thứ thiệt như cái yên ngựa của ông Cổ-Be. Nghe nói ông Cổ-Be còm-măng cái yên ngựa đó từ bên Tây. Hôm ấy, bác Phổ không cưỡi ngựa, ghìm cương đi nước kiệu và cũng không bế tôi đặt lên lưng ngựa rồi thủng thỉnh dắt ngựa đi như mọi lần trước. Bác kéo tôi leo lên ngọn đồi, buộc ngựa vào một gốc sắn dưới bóng mát cây gạo rồi ngồi xuống, tựa lưng vào gốc cây gạo, duỗi thẳng hai chân về phía trước, mơ màng lim dim đôi mắt như đang nghĩ một điều gì. Còn tôi thì tung tăng, lang thang giữa những luống dâu, rình bắt vài con cào cào. “Cào cào giã gạo tao xem. Tao may áo đỏ áo đen cho mày”.

Trời đã đứng bóng. Không khí oi nồng vì im gió. Một vài nương dâu xanh không đủ sức làm dịu bớt cái nắng chói chang của buổi trưa hè. Thình lình, một chùm hoa gạo rơi xuống, làm bung mấy sợi tóc đã bạc màu trên trán khiến bác Phổ chợt tỉnh. Bác giơ tay vẫy tôi lại gần, kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Bác đưa mắt nhìn con ngựa giậm hai chân sau xuống đất kêu bồm bộp, rồi nói nhỏ như nói riêng với bác, nhưng tôi cũng nghe thấy. Bác nói những lời mà hồi đó tôi không hiểu, cho rằng chẳng ăn nhập gì với cái thú nuôi ngựa của bác: “Nghĩ thật hay. Con ngựa có bốn chân, nhưng chỉ có thể đá hậu mà không đá trước, đá ngang được. Muốn tránh bị ngựa đá thì đừng đứng sau ngựa. Con người có hai chân, nhưng lại có thể đá cảtứ phía. Cho nên, người có thể bị người đá bất cứ phía nào, khó biết đâu mà tránh!”

Bác Phổ chĩa ngón tay vẽ xuống đất những đường nét mà tôi không nhận ra bác định vẽ cái gì, con gì. Thấy bác có vẻ buồn, không vui như thường ngày nên tôi không dám hỏi. Không khí như có vẻ nặng nề thêm. Hoa trên cây gạo như thắm đỏ hơn. Cái nắng trưa hè như chói chang hơn. Trời vẫn im gió. Con ngựa không giậm chân xuống đất nữa, vểnh tai, ngửng đầu, đưa mắt nhìn bác Phổ. Chưa bao giờ tôi trải qua những giây phút như thế. Tôi đưa tay nắm bàn tay gầy guộc của bác, kéo bác đứng dậy. Bác nắm chặt tay tôi. Với cái nhìn thật xa bác Phổ nói thêm, nhưng lần này hình như không phải bác chỉ nói riêng với bác mà là nói cả với tôi: “Ngựa và chó là hai con vật rất trung thành với chủ. Chẳng có con ngựa nào hất chủ ngã xuống đất. Chẳng có con chó nào cắn lại chủ. Thế mà, người đời thật bất công, gọi con ngựa, con chó là loài khuyển mã! Đã đành khuyển là chó, mã là ngựa, nhưng khi nói đến hai chữ khuyển mã có ai nghĩ đó là những từ ngữ ngụ ý tốt đâu. Tội nghiệp cho con khuyển, con mã. Lòng trung thành của chúng kể cả loài người đã có mấy ai sánh kịp!”

Nói xong, bác Phổ cởi dây dắt ngựa ra về. Tôi lầm lũi bước theo. Hai bác cháu tôi không nói thêm một lời nào cho đến khi về tới nhà.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 2 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                    -Quýdenver- 

2. Bên lề khu chiến


 Một-Chín-Bốn-Sáu. Cách mạng bùng lên rồi Thủ Đô kháng chiến. Gia đình tôi rời Hà nội về làng để thu xếp đáp chuyến tàu hỏa chót di cư lên mạn ngược, nhưng bác Phổ - một người hàng xóm thích nuôi ngựa - lại thích nói là chúng tôi lên khu chiến (Liên Khu 10). Bác đi theo chúng tôi trên quãng đường gần 3 cây số, đến tận ga Yên Viên để tiễn đưa và chúc chúng tôi lên khu chiến bình an. Bác bế tôi đặt lên bậc thang toa tàu, y như thể bác bế tôi đặt lên lưng ngựa khi trước.

Bác nói nhanh như sợ con tàu chuyển bánh, không nói kịp: “Chốc nữa, trên đường về, bác sẽ tạt qua dốc phố cầu Đuống, tìm gập ông chủ xe ngựa để giạm bán con ngựa của bác. Thầy mẹ cháu đi rồi, cháu đi rồi, còn ai để nói chuyện với bác về ngựa nữa. Nó là con chiến mã, cháu ạ. Tiếc rằng bác cháu mình không phải là những vị tướng tài để cưỡi nó, xông pha trận mac. Tội nghiệp cho con ngựa. Rốt cục rồi nó cũng chỉ là một con vật kéo xe!”

Bỗng con tàu như giận dữ hét lên một tiếng còi dài, rung mạnh rồi sình sịch chuyển bánh. Tôi chới với đưa tay nắm chặt cây cột sắt nơi cửa toa tàu, nhìn bác Phổ bị bỏ lại đằng sau, nhỏ dần, mờ dần, khuất lấp vào hàng cây soan tây hoa đỏ trước sân ga mà không biết nước mắt đã chan hòa trên môi trên má từ lúc nào.

Cuộc đời vốn là một chuỗi dài những cái bắt đầu không đứt quãng. Bắt đầu biết khóc biết cười, bắt đầu biết thương biết ghét… Tôi cũng có những cái bắt đầu: bắt đầu quen bác Phổ, bắt đầu xa bác Phổ, bắt đầu rời Hànội lên khu chiến, và ngày tháng trôi qua, bắt đầu say mê những bài ca mở đầu bằng những câu “Hướng về Thủ Đô nơi vang tiếng súng…, hoặc “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau...” .

Tôi bắt đầu tập làm thơ trong những giờ luận văn trong lớp:

Mẹ lạc bước bao ngày con đợi Mẹ
Mắt thơ ngây theo dõi lối xa xăm
Bụng oán cừu uất hận giống xâm lăng
Khóc thổn thức trong lòng, ngoài khóe mắt

Con lạc Mẹ mặt trời như muốn tắt
Tháng ngày trôi năng chĩu nỗi căm hờn
Sống âm thầm trong sông núi cô đơn
Nói nghẹn tiếng và cười ra nửa miệng…

Tôi bắt đầu làm quen với những bản tin chiến thắng qua những buổi phát thanh bằng loa hoặc viết bằng đủ các thứ màu trên những tờ bích báo dán treo nơi công cộng. Hình như, trận đánh nào quân ta cũng thắng, và tôi bắt đầu ngờ vực khi nghe quân ta chiến thắng liên miên. Tôi chợt nghĩ đến câu “Xích tử chi tâm” của cổ nhân, có lần bác Phổ kể tôi nghe mà thấy thương cho những trẻ ở lứa tuổi tôi. Tuy vậy, sự ngờ vực chỉ thoáng nhẹ trong khoảng khắc như làn mây mỏng chợt xuất hiện rồi tan nhanh theo gió chiều.

Tôi nghiệm thấy có nhiều điều thực dụng qua những câu kể chuyện của bác Phổ. Tôi không biết bác đã hấp thụ được những điều thực dụng đó ở đâu. Bố tôi nói bác bỏ ngang việc học hành từ khi còn tấm bé, không rõ lý do vì sao. Bác không bao giờ nói vói tôi về chuyện học hành của bác, nhưng nhìn vào cái kệ sách màu gỗ cũ kỹ nơi cuối gian giữa, trong căn nhà của bác tôi chắc bác đọc sách nhiều. Điều thực dụng bác kể tôi thích nhất là cách thức tránh máy bay địch bắn phá và tôi đã triệt để áp dụng trong suốt thời gian ở trên khu chiến. Dạo đó, tuần nào máy bay địch cũng kéo đến bắn phá ít ra là một lần. Mỗi lần 3 chiếc, chia nhau lộn lên nhào xuống bắn phá và kéo dài chừng nửa tiếng xong nhập chung thành một đoàn, bay mất hút về hướng nam. Dân chúng thường tránh máy bay bắn phá bằng cách chạy tủa ra đồng ruộng, tìm nấp sau những mô đất hoặc dưới lòng mương rãnh.

Bác kể rằng máy bay địch ít khi thả bom nơi đồng không mông quạnh, ít người tập trung mà thường chỉbắn súng liên thanh. Muốn bắn, máy bay phải chúi mũi xuống. Nếu thấy máy bay bay ngang bình thường thì không sợ. Khi bay như vậy người lái máy bay không nhìn thấy gì trên mặt đất phía dưới. Nếu thấy máy bay nghiêng cánh lượn thì phải coi chừng vì có thể đó là lúc máy bay kiếm mục tiêu để bắn. Nơi tránh máy bay bắn tốt nhất là bờ ruộng cao, chỗ 4 góc ruộng châu vào nhau. Hễ thấy máy bay chúi xuống từ hướng mặt trời mọc thì nhảy sang nằm góc bờ ruộng phía mặt trời lặn; hễ thấy máy bay chúi xuống từ hướng phải thì nhảy sang nằm góc bờ ruộng phía trái; và ngược lại. Khi nằm nên nằm ngửa để có thể theo dõi máy bay. Tôi nhớ, trong những lúc chạy máy bay như thế, người ta khám phá ra một thứ rau, ăn thử thấy được liền đặt tên là rau tàu bay. Lọai rau này về sau trở thành một loại thực phẩm khá thông dụng đối với những người dân quê nghèo đói miền bắc.

Mẹ tôi là vợ thứ của Bố tôi. Bà có 4 người con trai và tôi là người con thứ ba.

Anh cả tôi bỏ nhà, vừa bơi vừa lội gần 15 cây số trong trận lụt khiến cả triệu người chết đói, đến đồn điền Tam Lộng của ông Đỗ Đình Đạo thuộc tỉnh Vĩnh Yên, bí mật tìm bắt liên lạc với Vũ Hồng Khanh để được gửi sang Trung Quốc theo học Khóa 22 tại Lục Quân Quân Quản Học Hiệu, tức trường Hoàng Phố. Trong Khóa này có 20 khóa sinh Việt Nam (19 người Việt Nam, 1 người Tàu mang quốc tịch Việt Nam) và anh tôi là người học giỏi nhất đám. Trường Hoàng Phố khi ấy thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Tứ Xuyên xưa kia là Kinh Đô đất Thục, nơi lập nghiệp của Lưu Bị tức Lưu Huyền Đức.

Anh thứ hai tôi có khiếu về văn nghệ và hội họa. Anh chiếm nhiều giải nhất trong các cuộc thi viết bích báo nên được Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Tỉnh mời làm Trưởng Ban Thông Tin Tuyên Truyền khi anh mới 18 tuổi. Tôi rất hãnh diện nhìn anh trong bộ quần áo màu nâu, chân đi dép cao su màu trắng, trong túi áo bên trái có cái túi nhỏ màu đen đựng bút máy. Miệng túi đựng bút máy được kéo thắt lại bằng sợi giây nhỏ rồi cài vào một nút áo trước ngực. Sau lưng, anh đeo ba-lô bằng loại vải dày, cũng màu nâu, do bác phó may bên xóm Đoài may tặng. Một năm sau, anh được khuyến cáo phải gia nhập Đảng Cộng Sản, anh không chịu nên bị người ta để ý theo dõi. Linh cảm thấy có điều không lành, anh ngầm bảo tôi thu xếp hồi cư về Hà-nội càng sớm càng tốt.

Cùng khi ấy, tôi đậu bằng thành chung và làm đơn xin sang Tàu học lái máy bay nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi. Tôi không biết chương trình gửi thanh niên sang Tàu học lái máy bay khi ấy là một chương trình có thật hay chỉ là một cách tuyên truyền, cổ võ tinh thần “yêu nước” của những người trẻ tuổi như tôi. Nhưng tôi vẫn cứ nộp đơn. Tôi xin sang Tàu học lái máy bay vì sở thích cũng có nhưng đúng hơn vì cái ý nghĩ trẻ con ngây thơ là tìm gập ông anh cả lúc bấy giờ nghe tinđang lẩn quất trong đám tàn quân Quốc Dân Đảng của Quân Đoàn Lư Hán dọc biên giới Bắc Việt (cứ tưởng nước Tàu bằng nửa mảnh đất Việt Nam!)

Với Khu chiến, trước sau tôi vẫn chỉ là một kẻ bên lề.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 3

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                    -Quýdenver- 

3. Qui hồi cố thành

Một-Chín-Bốn-Chín. Sau khi Bố tôi cùng với một đứa cháu bị Tây bắn chết trong cuộc hành quân càn quét vào cuối năm, người anh thứ hai của tôi bỏ sở làm trốn về nhà để cùng tôi đưa gia đình hồi cư về Hà-nội. Gia đình tôi lúc đó gồm có 6 người: Mẹ tôi, người anh thứ hai với người vợ và đứa con gái 11 tháng, tôi và đứa em trai út. Giữa đường, anh tôi bị nhiễm thương hàn, không có thuốc chữa trị, chết đúng 10 ngày sau khi Bố tôi bị Tây bắn chết. Tôi đã tự tay bới đất vùi nông thân xác anh tại một góc ruộng mà bây giờ không nhớ thuộc nơi chốn nào. 10 ngày, 3 người thân trong gia đình bị định mệnh cướp giật đi. “Đó là cái giá chúng ta phải trả, con ạ”, Mẹ tôi nói, “trả cho những cái ngoài tầm tay mình!” Tôi không dám hỏi thêm Mẹ tôi, nhưng nếu đấy là cái gíá chúng tôi phải trả cho mấy chữ Dân chủ - Tự Do - Hạnh Phúc thì quả thật là quá đắt. Đối vớí tôi, mấy chữ mà người ta rêu rao ấy đã sớm hiện hình thành cái bánh vẽ, và tôi đang trên đường từ bỏ cái bánh vẽ ấy!

Ngày nghỉ đêm đi vì sợ bị lộ, ròng rã gần nửa tháng trời chúng tôi mới qua hết quãng đường chỉ dài hơn 70 cây số để về tới làng xưa xóm cũ bên này bờ sông Đuống.

Tình nghĩa xóm làng bao giờ cũng dễ khiến cho tôi xúc động. Tiếng lành đồn nhanh, tiếng dữ đồn nhanh. Chỉ vài giờ sau khi gia đình tôi về đến nhà, bà con lối xóm đã kéo đến chật nhà mừng mừng tủi tủi. Bác Phổ cũng đến, nhưng bác đứng từ đằng xa, yên lặng đưa mắt quan sát. Một chặp sau, như linh cảm thấy có chuyện không lành, bác nhẩy bổ tới ôm chầm lấy tôi, khóc thành tiếng: “Ông đâu? Ông đâu? Ông nhà đâu?” Tôi gục mặt vào ngực bác, khóc theo, không nói được lời nào. Mẹ tôi bước đến gỡ đầu tôi ra khỏi ngực bác Phổ, vắn tắt kể tự sự bác nghe rồi nói nhẹ như một hơi thở: “Thôi thì…, cũng là do định mệnh cả, bác ạ.” Bác Phổ đưa tay gạt nước mắt, bước về phía cây bưởi, nơi bác vẫn thường đứng nói chuyện với Bố tôi 4 năm về trước. Tựa lưng vào gốc bưởi, hướng về phía chuông ngựa cũ, bác đưa mắt nhìn sâu vào khoảng không. Tôi không biết bác Phổ đứng như thế bao lâu. Lúc ấy thời gian đã chẳng còn mang đến cho tôi một ý niệm rõ rệt nào. Trời vẫn còn trưa hay đã ngả về chiều?

Chiều hôm sau, bác Phổ vẫy tôi đến gần nhưng không kéo tôi ngồi xuống bên cạnh bức tường hoa rợp bóng mát cây sấu, nơi đầu hiên nhà bác để kể chuyện tôi nghe như ngày trước. Bác dẫn tôi đến chuồng ngựa, cúi xuống nâng và mở rộng cánh cổng chuồng ngựa làm bằng mấy cây gỗ to bằng cổ tay, ràng buộc ngang dọc lại với nhau. Bác dắt tôi đi lại nhiều lần trong chuồng ngưa. “Đã gần 4 năm, bác không mở cái cổng này”, bác Phổ nói. Tôi đưa mắt nhìn quanh: mái tranh thấp để ngựa tránh nắng mưa vẫn đấy tuy có xiêu vẹo đi một tí; máng nước cho ngựa uống vẫn đấy nhưng cạn khô với một vết nứt ngang; cây cột buôc ngựa nhẵn thín nơi góc chuồng ngựa, hơi nghiêng vế phiá nhà Bố Mẹ tôi, vẫn đấy…; mươi lăm đống phân ngựa cũng vẫn đấy nhưng đã đổi sang màu vàng nhạt, mỏng manh, ròn tan khi tôi bước dẫm lên. Hình như bác tránh, không muốn nói về ngựa nữa, nên tôi cũng không nhắc đến.

“Tuần nào chúng cũng kéo nhau về làng, khi thì vài ba đứa, khi thì dăm bảy đứa”, bác Phổ nói. “Chúng kéo về, bắt tay với lũ thanh niên nằm vùng, hoạnh họe dân làng đủ thứ, bắt dân làng phục vụ cơm nước, bắt dân làng đóng góp tiền nong, bắt dân làng xé thẻ căn cước để phản đối ‘tề’… Chúng bắt dân làng xé thẻ căn cước nhưng chúng giấu nhẹm thẻ căn cước của chúng, không xé. Ngày hôm sau, lính Tây về quây, cứ nhè người không có thẻ căn cước mà bắt nhốt, còn chúng vì còn thẻ căn cước nên chẳng thằng Tây nào nó đụng đến. Thật là khổ trăm bề. Phe người quốc gia mình kém quá!”

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe mấy tiếng ‘người quốc gia’. Tôi gượng gạo phản ứng: “Họ chống thực dân Pháp để dành độc lập mà!”.

“Chúng là cộng sản đấy. Cộng sản còn xấu xa hơn cả thực dân Pháp nữa. Trong 2 cái xấu, mình phải tạm chọn cái xấu ít chứ chẳng còn cách nào hơn…”, bác nói rồi hình như chợt nghĩ sao bác lảng sang chuyện khác. Tôi đoán, có thể bác cho là tôi còn quá trẻ để nghe những câu chuyện như thế.

Tôi đưa tay giúp bác Phổ nâng, đẩy cổng chuồng ngưa đóng lại, chào bác để trở về nhà. Bỗng bác đưa 2 tay nắm 2 vai tôi, lắc mạnh: “Bác đã nói với mẹ cháu. Cháu nên bàn lại với mẹ cháu dọn ra Hànội mà ở”. Tôi chưa kịp hỏi bác lý do vì sao thì bác đã khua tay quay lưng bước nhanh vào nhà.

Một-Chín-Năm-Không. Anh cả tôi từ bên Tàu trở về Việt Nam và Mẹ tôi quyết định dọn nhà ra Hànội. Nhân dịp, tôi hỏi Mẹ tôi bác Phổ đã nói gì với Mẹ về việc dọn nhà ra Hànội. Mẹ tôi nói: “Bác Phổ nói với mẹ rằng ở làng có nhiều chuyện xảy ra rất là khó chịu. Tính con cương trực dễ tạo nên những đụng chạm có hại cho cuộc sống và có thể cả tính mạng nữa”. Tôi cúi đầu nhủ thầm: “Thì ra như vậy, ai là người hiểu tôi hơn bác Phổ?”

Ra Hà-nội, tôi tiếp tục học được ít năm. Trong thời gian này, tôi có 3 người bạn thân, coi nhau như ruột thịt. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những ngày tháng tuyệt vời của Hànội. Tôi thực không ngờ, đó lại là những tháng ngày cuối cùng của tôi ở Hànội. Chúng tôi hẹn nhau đến Văn Miếu để ôn bài, đến bến Nghi Tàm, Rặng Ổi để dìm nhau xuống nước. Chúng tôi kéo nhau đến bờ hồ để uống nước dừa, ăn bánh tôm. Chúng tôi đèo nhau trên xe đạp về làng để thả diều, cưỡi trâu, bắt châu chấu, đuổi bướm, bắn chim, hay ngồi hóng gió dưới bóng cây đề và nghe bác Phổ kể chuyện… Cả 3 người bạn đó, những người đã mang đến cho tôi cái ý nghĩa tuyệt vời của cuộc sống, đã bỏ tôi, vĩnh viễn ra đi. Hôm nay, tôi viết tên 3 người bạn thân thương đó nơi đây như là thắp lên một nén hương tưởng nhớ: Trần Thế Thảo, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Thị Minh Thuý.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 4 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenver- 

4. Quân hành lỗi nhịp

Một-Chín-Năm-Ba. Tôi thi trượt tú tài 2, bị động viên vào Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nhưng tôi đến Bộ Chỉ Huy Quân Khu 3, làm đơn xin Tướng Vận can thiệp cho tôi theo học Khóa 10 Võ Bị Đà-lạt cũng sắp khai giảng vào dịp đó. Vì tôi có bằng Tú Tài 1, không phải qua cuộc thi tuyển nên đơn xin của tôi được chấp thuận. Tôi không nhớ ông Tướng Vận họ gì, hình như họ Nguyễn, Nguyễn Văn Vận thì phải.

Mãn khóa vào tháng 6 năm sau, tôi được phép trở về Bắc để đưa gia đình vào Nam.

Tôi về làng tử giã bác Phổ. Bác dơ tay chào và gọi tôi là Thiếu úy. Tôi quỳ xuống ôm chân bác, xin bác cứ gọi tôi bằng tiếng cháu như khi xưa. “Cháu đã từng đi khu chiến, và ở khu chiến về. Bây giờ cháu vào Nam, có thể miền Nam sẽ cũng là một khu chiến khác đấy!” Câu nói của bác khiến tôi liên tưởng đến 2 chữ “trí thức”.

Đối với tôi, bác là một người trí thức tuy bác bỏ ngang việc học hành từ tấm bé. Tôi suy nghiệm thấy những người học ít không nhất thiết đều không phải là người trí thức, và những người học nhiều chưa hẳn đã là người trí thức! Bác Phổ theo tôi đến tận bến xe để tiễn tôi trở về Hànội. Tôi bước nhanh lên chiếc xe hàng đã chật người, gục mặt vào thành xe, không dám quay nhìn bác: “Bác Phổ ơi, cháu xin vĩnh biệt bác. Bố cháu đã mất, Mẹ cháu quê mùa, rồi đây ai sẽ là người hướng dẫn cháu trên bước đường thiên lý trước mặt?”.

Gia đình tôi đáp chiếc tàu há mồm chật ních ngưòi, vào Nam. Khi tình trạng gia đình tạm ổn định, tôi xin chuyển sang Không Quân và được chấp thuận. Đây là khúc quanh gắn chặt tôi với cá tính con người tôi, và cá tính con người tôi đã tạo nên định mệnh của tôi.

Ngày 7 tháng 9, 2001
Anh Ng. thân kính,

Summer is fading into fall...

Vâng, ở đây hạ đang tan nhòa vào thu, nhưng hôm nay tôi viết gửi anh thư này không phải để kể anh nghe chuyện thu mà là để đền đáp trong muôn một những ý tình gói ghém trong câu viết của anh ngày 28 tháng 8, 2001. Anh viết: “Quý ơi, không gần làm sao hiểu nhau, để kính rồi thương mến nhau. Xưa kia tôi với anh chỉ thấy nhau, biết nhau mà chẳng có dịp gần nhau để thân thương từ độ đó. Có lẽ vì ngành nghiệp cách trở, nhà không chung ngõ nên ít giao tiếp thành tôi suýt mất một bạn hiền nhiều tài ba đáng nể.”

Câu viết của anh đã khiến tôi vô cùng xúc động. Mãi đến hôm nay tôi mới lấy lại được chút bình tĩnh để nói với anh vài lời về thằng bạn mà anh suýt mất, hay là về cái “ta” của thằng tôi. Cái “ta” mà thằng Tây nó chúa ghét nhưng nếu không có nó là không xong ấy. Ôi cái “ta”, nó vĩ đại lắm, nó kinh khủng lắm, choảng nhau bể đầu biêu trán cũng vì nó đấy!

Thú thật với anh, khi nói đến cái “ta” thì cái “ta” của thằng tôi này cũng vĩ đại, cũng kinh khủng như cái “ta” của bất cứ người nào trên cõi đời này. Gần trọn đời, tôi đã cố kìm giữ nó, không cho nó bung ra, vùng lên. Nhưng hôm nay thì nó vùng lên, bung ra... Có lẽ vì cố kìm giữ nó mà tôi đã trở thành một người cô đơn ngay từ thuở mới tập tễnh bước chân vào đời chăng? Anh ít có dịp gần tôi nên “không gần làm sao hiểu nhau” là điều dĩ nhiên. Nhiều người gần tôi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mà cũng chẳng thấy có tôi nữa cơ, anh Ngọc ạ. Có thể cũng là do “ngành nghiệp cách trở” một phần.

Khúc quanh gắn chặt tôi với cá tính con người tôi, nói cách khác, tạo nên cá tính con người tôi là những chuỗi ngày đầu tiên của tôi trong KQ. Tôi được lệnh về trình diện Trung Tá Trần Văn Hổ, Phụ Tá KQ tại đường Testard, để khám sức khỏe sang Tây học lái máy bay. Một thời gian chờ đợi khá dài sau khi khám sức khỏe xong, tôi được biết là tất cả các khóa du học bên Tây đều được hủy bỏ, và tôi sẽ được gửi sang Mỹ thụ huấn nhưng không phải để học lái máy bay mà là học về bảo trì phi cơ. Đến khi nhận cái ITO để lên đường đi du học thì tôi lại đọc thấy là tôi sẽ đến Lowry AFB, Denver, Colorado để học về vũ khí.

Tôi không rõ tại sao lại có chuyện từ đi học lái máy bay chuyển sang đi học về bảo trì, rồi sau cùng là đi học về vũ khí. Đi Mỹ là mộng ước của tôi lúc đó nên tôi cũng không thắc mắc nhiều. Nhưng Papa Sai thì sì-nẹc khi nghe tôi kể lại, mặc dù ông không hề quen biết tôi trước đó. Ông tự động lên Bộ Tổng Tham Mưu để tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện xem sao và biết được rằng một áp lực nào đó đã đẩy tôi từ học lái máy bay sang học về bảo trì, rồi một áp lực thứ hai lại đẩy tôi từ học về bảo trì sang học về vũ khí. Cái áp lực thứ hai này là TDTh., anh ruột Trần Doãn Hoành, lúc bấy giờ làm Trưởng Phòng Quân Huấn tại Bộ Tổng Tham Mưu. TDTh. đã hoán đổi cương vị của tôi và Trần Doãn Hoành bởi vì trong KQ cái nghề vũ khí khó mà thăng quan tiến chức được! Papa Sai nói với tôi: “Chúng nó bắt ép em, để qua đưa em lên gặp ông Tỵ” (Papa Sai trước đó là lính Tây cùng thời và là bạn với Tướng Tỵ). Tôi không đồng ý vì tôi quen biết Trần Doãn Hoành và thấy mọi chuyện cũng đã đâu vào đấy rồi. Từ đó Papa Sai thương tôi như một đứa em.

Sau này tôi cũng nhận thấy “cái nghề vũ khí khó mà thăng quan tiến chức được” quả là một chân lý. Phan Đàm Liệu bỏ ngành vũ khí, làm Chánh Văn Phòng cho Tướng râu kẽm và chắc là có nhiều bổng lộc. Nguyễn Khoa Điềm bỏ ngành vũ khí, chạy sang chuyển vận và đã được thăng quan tiến chức. Nguyễn Tấn Thọ cũng bỏ ngành vũ khí, dọt sang yểm cứ và cũng được thăng quan tiến chức.

Năm 1956 tôi được thuyên chuyển về Căn Cứ Trơ Lực KQ Biên Hòa trong kế hoạch tiếp nhận Phi Đoàn 1 Khu Trục (Bearcat) do Tây chuyển giao. Ngoài thành phần hoa tiêu, thành phần kỹ thuật của Phi Đoàn gồm có: Quản Đức Phết, Trung úy, Sĩ quan Tiếp liệu; Bùi Hoàng Khải, Chuẩn úy, Sĩ quan Phi trang; Trần Minh Tiên, Thiếu úy, Sĩ quan Vô tuyến Điện tử; Nguyễn Văn Trung, Thiếu úy, Sĩ quan Bảo trì; Từ Văn Bê, Thiếu úy, Trưởng Ban Kỹ thuật; và tôi, Trung úy, Sĩ quan Vũ khí (sau này tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh và Nhan Văn Thành thay tôi). Hình như có cả Trần Doãn Hoành, Trung úy, và Bồ Đại Kỳ nhưng nếu có thì tôi không nhớ Hoành giữ chức vụ gì và cũng không nhớ rõ cấp bậc cũng như chức vụ của Kỳ. Cái trớ trêu ở đây là Từ Văn Bê, người được chỉ định cầm đầu ngành kỹ thuật trong Phi Đoàn, lại mang cấp bậc thấp hơn Quản Đức Phết và tôi. Để giải quyết vấn đề này, người ta đặc cách thăng cấp Trung úy nhiệm chức cho Từ Văn Bê cái rụp.

Trong đầu óc trong trắng của tôi lúc bấy giờ bất chợt nhen nhúm lên một cái gì hơi chua chát và nhận thấy cái giá trị của đôi lon Trung úy mang trên vai chẳng có nghĩa gì. Người ta có thể ban phát cho bất cứ ai nếu người ta muốn. Tôi cũng manh nha thấy rằng hình như điều kiện “cần và đủ” trong cuộc sống, trong KQ nói riêng, là phải xoay xở, chạy chọt. Không xoay xở, không chạy chọt thì không thể thành công được. Tôi bắt đầu hiểu tại sao Bố tôi lại chỉ trang bị cho tôi một gói hành trang duy nhất để bườc chân vào đời là câu căn dặn: “Tịch Bất Chính Bất Tọa” hay là “Chiếu Không Ngay Không Ngồi”. Hơn bao giờ hết, tôi đã sớm lãnh hội được cái ý nghĩa sâu xa của lời căn dặn và lời căn dặn này đã trở thành chiếc kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi. Tôi tự nguyện với mình: “Thà phải chơi một mình chứ nhất định không ngồi vào những chiếc chiếu lệch lạc, dù đó là chiếc chiếu cạp điều”.

Từ đó, tôi chỉ chú tâm vào việc hoàn thành một cách tốt đẹp những công việc nhỏ nhặt thường ngày, trong sở, ngoài đời, trong gia đình, và coi đó là một sứ mạng cao cả của mình. Con đường thăng quan tiến chức hình như chẳng có gì liên quan đến tôi và hai chữ danh vọng chẳng mảy may làm tôi bận tâm. Tôi nhớ, sau lần thăng cấp đợt một, năm 1974, ông xếp trực tiếp của tôi vỗ vai tôi ra cái chiều an ủi (!): “Kỳ tới moa sẽ ‘chạy’ cho toa”. Tôi cười thầm trong bụng khi tìm ra cái chân lý: Muốn được thăng quan tiến chức thì phải "chạy" mà tôi lại chỉ muốn "đi" chứ không muốn "chạy"!

Có lẽ vì cái quan niệm hơi tiêu cực không giống ai nói trên mà trong KQ, ngoài tình đồng đội, tôi chỉ có “bạn mã-tước, xập-xám, tứ-sắc, xì-phé...” chứ ít có “bạn hữu”. Nói đúng hơn, tôi có bạn lính chứ không có bạn quan. Người chỉ huy trực tiếp xưa kia của tôi, đã nói một câu khá chí lý: “Thằng Quý chẳng chịu chơi với ai, nó chỉ chơi với lính”. Ý ông nói tôi không chịu chơi với quan mà chỉ chơi với lính, chơi với lính nó mất tư cách đi! Thực ra, tôi cũng chơi với quan đấy chứ, ít ra là hai người, hai người ấy vừa là hai người anh vừa là hai người bạn, đó là Papa Sai và Tướng Loan. Papa Sai thì như tôi đã nói ở trên còn Tướng Loan thì xin kể anh nghe một câu chuyện như sau:

Vào khoảng giữa năm 1974, một vài thằng lính vũ khí bị Thiếu Tá Liệu, Trưởng Phòng An Ninh SĐ5KQ bắt bỏ tù vì tội đã lấy 7 cái thùng gỗ đựng đạn đem bán được hơn 100 đồng rồi chia nhau. Tôi điện thoại xin tha cho chúng, không được. Tôi nhờ xếp can thiệp, xếp ngại ngùng. Thấy gần một tuần mà chúng chưa được thả về với vợ con, tôi sốt ruột đến nhà riêng Tướng Loan để xin can thiệp.

- Xin Tướng ra lệnh thả chúng về với vợ con. Tội nghiệp, chúng đói quá làm liều, chỉ mong cho nồi cháo đặc thêm chút ít mà thôi. Nếu Tướng muốn tóm hạm thứ bự tôi xin trình lên Tướng ngay. Trong KQ chúng ta chẳng thiếu gì.

- Mày nói thế không sợ tao bỏ tù à?
- Tôi không làm gì bậy cả. Tướng không nỡ bỏ tù tôi đâu.

Tướng Loan nắm tay tôi, nói như đuổi tôi ra cửa:

- Mày là thằng hiểu tao, Quý ơi. Tao thương mày. Tao không thể bỏ tù mày được. Về bảo thằng Liệu thả chúng ra ngay, đó là lệnh của tao, nghe chưa?

Cái tình Tướng Loan dành cho tôi là như vậy. Tôi trân quý nó như trân quý cái tình mà Papa Sai đã dành cho tôi. Chưa bao giờ Tướng Loan gọi tôi bằng bất cứ tiếng gọi nào khác ngoài tiếng “mày” kể từ ngày tôi quen biết ông khi phục vụ tại Phi Đoàn 1 Khu Trục cùng với một số người khác như Huỳnh Hữu Hiền, Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Quang Tri, Huỳng Bá Tính, Khánh heo, Khánh khỉ…, và một số anh em thuộc khóa 13 hoa tiêu khu trục đầu tiên thụ huấn bên Pháp…

Các bạn lính của tôi thì vô số kể. Tôi thương chúng như thương chính mình, nhất là những thằng lính vũ khí, suốt ngày ngoài sân để chất xếp hàng chục tấn bom đạn lên phi cơ, đến nỗi có đứa về nhà tay sưng húp, bưng không nổi bát cháo. Có những cái Tết, nhà tôi và tôi kéo nhau đi chợ mua lá, mua gạo, mua thịt, mua đỗ, mua củi... rồi gọi một số lính tới nhà gói, luộc bánh chưng thâu đêm suốt sáng. Nhà tôi và tôi đã sung sướng nhìn những nét mặt đầy hân hoan khi được chia tặng mỗi đứa vài cặp bánh mang về cho lũ con nheo nhóc đang chờ quà Tết ở nhà. Có lúc sợ qua đêm không gói, luộc xong để rồi sáng hôm sau lại phải vào sở làm việc sớm, tôi đã hét lên như trong một... cuộc điều quân ngoài trận tuyến: “Nhanh tay lên. Nóng thì cởi trần ra. Nếu có vài giọt mồ hôi rơi xuống gạo xuống thịt thì bánh càng ngon, càng quý!” Có đứa không hiểu ý tôi nói, cười rộ lên khiến tôi phải giải thích mình có tự đổ mồ hôi cho miếng cơm manh áo của mình thì manh áo đó mới quý, miếng cơm ấy mới ngon. Nếu nghĩ rằng chơi với lính như thế là thiếu tư cách thì quả thật tôi không hiểu cái tư cách người ta muốn nói đến là tư cách gì!

Còn về các bạn mã-tước, xập-xám, tứ-sắc, xì-phé..? Đủ cỡ, không thể nhớ hết được. Nếu nhớ viết ra thì sẽ đầy cả trang giấy.

KQ đối với tôi là vậy. 21 năm trong KQ, hình như tôi chẳng tìm được cái gì là của mình, từ những buổi họp hành quân, những buổi họp bàn thăng cấp đến các buổi tiếp tân liên hoan... Đối với tôi, chỉ có những cánh chim tung hoành trên bầu trời, những ngôi sao sáng chói phút chốc rơi rụng vào lòng đất để rồi vĩnh viễn không trở về là đáng kể; chỉ có những bàn tay sưng húp, những bàn chân nóng bỏng trên phi đạo là đáng kể; chỉ có những con người lặng lẽ hoàn tất trách vụ của mình trong những căn phòng khiêm nhượng, những đôi mắt thiếu ngủ vẫn chăm chú canh phòng ngoài hàng rào phòng thủ là đáng kể. Và chỉ có những cái đáng kể ấy mới là chất xúc tác khơi nguồn cho những giây phút rung động trong tôi về hai chữ KQ.

Thực ra, cũng có lúc tôi tưởng KQ là của mình:

“Trong Không Quân, tôi không phải là một phần tử được ưu đãi. Ngành chuyên môn tôi phục vụ là một ngành không kém phần quan trọng, ít ra thì cũng theo ý nghĩ của tôi, nhưng lại bị xem thường coi nhẹ. Đường tiến thủ của tôi cũng chỉ là một ngõ cụt chật hẹp, chẳng sáng sủa gì. Đó là chưa kể nỗi chua cay mà, ít nhiều, Không Quân đã đóng dấu lên đầu môi cuối mắt tôi như một vết chàm khô trong những ngày chót cùng của một cuộc chiến, đau đớn thay, đã kết thúc trong thê thảm ê chề!

“Thế nhưng, cho mãi đến bây giờ (và còn đến bao giờ nữa?), cứ mỗi lần nghe ai nói đến hai chữ Không Quân là mỗi lần tôi lại cảm thấy bồi hồi xao xuyến, tưởng chừng như người ta đang nói đến chính mình. Hình như, Không Quân vẫn còn chiếm lĩnh một khoảng trời của tôi, một khoảng đất của tôi và một khoảng tâm hồn tôi, dù trong lúc tôi đang cam go phấn đấu với cuộc sống, hay trong khi tôi đang thảnh thơi nhìn ngắm rừng thu trút lá muôn mầu. Có thể đó chỉ là một ảo tưởng, nhưng lại là thứ ảo tưởng hiển hiện trước mắt. Có thể đó chỉ là một giấc mơ, nhưng lại là giấc mơ tuyệt vời!....” (Không Quân và Tôi, 1996).

Thân kính,
Nguyễn Văn Quý

Tôi đã bắt đầu những bước quân hành nhưng lại là những bước quân hành… lỗi nhịp!

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 5

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenver- 

5. Tháng tư bát nháo

Một-Chín-Bảy-Lăm. Trong cái bát nháo của tuần đầu tháng tư năm đó, tôi nghe tin KQ có một chương trình đưa vợ con hoa tiêu F-5 đến một nơi an toàn, nếu có chuyện gì xảy ra, để các hoa tiêu này yên tâm chiến đấu (sic). Vài ngày sau, tôi lại nghe tin KQ có một chương trình tương tự cho các Sĩ quan giữ chức vụ quan trọng. Tôi không biết chức vụ của tôi khi ấy có được người ta coi là quan trọng không. Thực tình, tôi chẳng bao giờ thắc mắc về điều này, nhưng hình như đã có lần tôi văng tục: “Nếu không có vũ khí thì KQ chỉ là KQ giấy!”. (Trách vụ của tôi là lo về vũ khí, bom đạn cho KQ).Nghe nói có chương trình này chương trình nọ, tôi cũng hơi chao đảo. Tôi hỏi mấy ông mà tôi nghĩ đang phụ trách chương trình trong phần sở tôi phục vụ là NKĐ, ĐKQ, NKTh, NT, NVL thì có ông nói mập mờ rằng không rõ, có ông đoan chắc chức vụ của tôi quan trọng chứ sao lại không! Do vậy, tôi có phần hơi yên tâm.

Một ngày đầu tuần thứ hai, Tướng Tư Lệnh KQ Trần Văn Minh gọi tôi lên văn phòng, bảo tôi lau chùi và chỉ cho ông cách xử dụng khẩu súng cổ do Đức chế tạo một người quen mới tặng ông. Có tiếng điện thoại reo, ông nhắc điện thọai, nói mấy câu rồi quay lại cho tôi biết ông có chuyện phải đi. Ông chỉ một ngăn kéo và bảo tôi bỏ khẩu súng vào đó sau khi lau chùi xong. Một bất ngờ: Trong ngăn kéo tôi thấy một danh sách dài hơn 2 trang, ghi những người giữ chức vụ quan trọng, trong đó có đầy đủ mấy ông tôi nói trên, nhưng không có tên tôi! Tôi không ngạc nhiên, bởi vì tôi đã hiểu một cách tường tận cái chân lý là làm gì thì cũng phải “chạy”, chịu khó “chạy” thì không quan trọng cũng trở thành quan trọng, mà không “chạy” thì dù có quan trọng đến mấy cũng thành không quan trọng! Dẫu sao, cái danh sách những người giữ “chức vụ quan trọng” nói trên cũng cho tôi thêm một bài học nữa mà tôi phải chiêm nghiệm: Có nhiều việc ngoài tầm tay mình nhưng chẳng lẽ cứ “nằm há miệng chờ sung rụng!...”

Vâng, chẳng lẽ tôi lại không dự một phần nhỏ nào trong việc định đoạt số phận của chính tôi, của vợ con tôi? Chiều hôm sau, tôi ghé nhà Trung tá NVTh, người có một thời làm phó cho tôi. Tôi nói mà như không nói với vợ chồng NVTh: “Chúng nó chỉ lo cho vợ con chúng nó, chúng nó bỏ rơi anh em mình rồi!” Chị NVTh hiểu ý, trấn an tôi: “Anh yên tâm, trong trường hợp phải đi, tôi đoan chắc với anh nếu gia đình tôi đi được thì gia đình anh cũng đi được. Đây là lúc tôi trả ơn công lao anh đã dành cho nhà tôi.” Tôi xúc động, ôm NVTh. NVTh là người từng bị cả cái KQ “hào hoa-phong nhã” coi rẻ, ghen ghét. Nhưng tôi thì nhận thấy cái KQ tự cho mình là “hào hoa-phong nhã” ấy bất công đối với anh. Tôi nhớ đã có lúc mang cả danh dự cá nhân của mình ra bảo đảm cho anh. Cám ơn Trời Phật, cám ơn vợ chồng NVTh, tôi đã không lầm, tôi đã nhận được một sự đền bù thật xứng đáng.

Hai ngày sau, chị NVTh giới thiệu tôi với một Đại tá người Mỹ bên DAO mà tôi tạm gọi là Đại tá X. Ông đưa tôi một tờ giấy, cho phép tôi được ghi 21 người để đưa sang Mỹ trong chuyến máy bay dự trù vào cuối tuấn. Ông còn đưa tôi số điện thọai riêng và căn dặn nếu cần gì cứ điện thọai cho ông. Tôi điền tên chị của chị NVTh, tên chị NVTh và 5 đứa con, tên vợ tôi và 5 đứa con, tất cà là 13 người. Có lúc tôi định điền tên Mẹ tôi vào nhưng rồi lại thôi vì tôi đã chót nói với Đại tá X là chỉ lo cho vợ và con. Sau này, tôi hối hận về quyết định ấy. Mẹ tôi ở lại Việt Nam và khi nhắm mắt ra đi không có một người con nào bên cạnh vuốt mắt cho Bà.

Một ngày cuối tuần thứ ba, một chiếc xe của DAO vào phi trường TSN đón gia đình tôi và gia đình NVTh sang DAO để đi Mỹ. Khi xe đi ngang qua nhà Thiếu tá NVĐ, NVĐ chạy ra hỏi tôi đi đâu, tôi nói thẳng với NVĐ là sang DAO để đi Mỹ. NVĐ hỏi tôi có cách nào cho vợ con anh ta đi với không? Môt ý nghĩ bất chợt nẩy ra trong đầu: tôi cần một món tiền để trả ơn vợ chồng NVTh. Gia tài của tôi lúc ấy chỉ có 2 lượng vàng, vợ chồng tôi chia nhau mỗi người giữ một lượng. Tôi nói với NVĐ: “Tao nói thật, tao cần một món tiền. Mày lo được bao nhiêu?”. “10 lượng được không?”, NVĐ trả lời không suy nghĩ. Tôi đưa mắt nhìn NVTh, NVTh không nói gì nhưng tôi đồng ý. Tôi điền thêm vào danh sách tên vợ NVĐ và 3 đứa con. Trong đời, đây là lần đầu tiên tôi làm cái việc mà người ta thường gọi là làm áp-phe! Vâng, tôi đã làm áp-phe để kiếm món tiền nhỏ trả ơn ân nhân của gia đình tôi. Tôi mong anh NVĐ đang ở góc biển chân trời nào đó sẽ thông cảm cho tôi khi phải kể ra sự thật này.

Khi sang DAO, 2 bà Mỹ mang nước đến chào đón 3 gia đình chúng tôi. Một bà ghé tai tôi nói nhỏ: “Why don’t you take your badge off and join them?” Tôi lắc đầu, cám ơn bởi chúng tôi đã đồng ý với nhau là chỉ đưa vợ con đi còn chúng tôi sẽ ở lại tiếp tục… chiến đấu. Đây cũng là một quyết định mà suýt nữa tôi phải trả giá bằng chính mạng sống của tôi!

Tôi trở về phòng làm việc, nói với nhân viên thuộc quyền là Mỹ sẽ bỏ Việt Nam trong vài ngày tới, quân ta sẽ tan rã, ai muốn đi Mỹ thì lo thu xếp mà đi, vợ con tôi đã đi rồi. Tôi cũng nói rõ với anh em rằng ai muốn báo cáo với an ninh KQ về những lời tôi nói với anh em hôm nay thì xin cứ tự nhiên. Phần tôi, tôi không thể bỏ anh em mà không nói với anh em đôi lời. Chắc tôi khỏi cần viết ra đây những chuyện gì đã xảy ra sau đó: Mọi người nhìn nhau mắt đỏ hoe và chẳng có ai đi báo cáo với an ninh cả. Có lẽ, nhờ mấy câu nói của tôi, Trung tá LVS, người cùng làm với tôi đã thoát được sang Mỹ và anh đã dành cho tôi sự tiếp đón thật nồng hậu khi tôi gặp lại anh trên đất Mỹ.

Khi được Đại tá X cho biết vợ con tôi đã đến Guam bình an, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, nghĩ rằng tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với những người quanh tôi. Còn trách nhiệm to lớn khác? Tôi cũng đã cố gắng, nhưng đó là vấn đề nằm ngoài tầm tay của tôi.

Một ngày đầu tuần thứ tư, nói đúng ra là trưa ngày 26, Đại tá X điện thoại bảo tôi nên tìm cách rời khỏi Việt Nam ngay. Rời Việt Nam bằng cách nào bây giờ? Tôi đã có dịp rời Việt Nam một cách thật dễ dàng khi đưa vợ con sang DAO trước đây mấy hôm, mà tôi không làm. Liệu tôi còn cơ hội nữa không? Đang lúc phân vân thì tôi lại nhân được điện thoại của Đại tá X. Lần này ông cho biết đêm nay sẽ có 2 chiếc C-130 của 2 ông Tướng KQ, cất cánh sang Thái Lan để trốn sang Mỹ. Ông còn cho biết số đuôi của 2 chiếc máy bay và hiện máy bay đang nằm ở ụ nào. “Cố mà tìm cách theo mấy ông Tướng ấy. Ngày mai, khi hay tin người ta sẽ tranh nhau lấy máy bay để đi, ông không phải là nhân viên phi hành nên khó lòng đi thoát được”, ông góp ý rồi cúp điện thoại.

Tôi mượn xe của xếp, viện cớ sang SĐ5KQ để kiểm sóat phân tán máy bay vì có tin đêm nay địch sẽ pháo kích. Tôi kiểm chứng, thấy những chi tiết Đại tá X nói với tôi đều đúng cả. Tôi ghé qua phòng kiểm soát bảo trì thì ngạc nhiên thấy 2 chiếc máy bay ấy được ghi là “bất khả dụng”. Tôi điện thoại cho Đại tá X. Ông cười, cho tôi là thằng ngớ ngẩn và nói như thét: “Đó chỉ là tình trạng trên bảng kiểm soát!” Tôi thật sự cảm thấy lo sợ và điện thoại báo tin này cho NVTh và NVĐ. NVĐ đồng ý sẽ cùng tôi liều theo mấy ông Tướng và hẹn gập tôi ở Câu lạc bộ Mây Bốn Phương để theo dõi và tuỳ nghi định liệu, còn NVTh thì không dám. Tôi nhớ đến câu nói của Mẹ tôi với bác Phổ ngày xưa: “Thôi thì…, cũng là do số mệnh cả!”

Trời tối đã lâu, tôi loay hoay, chạy đi chạy lại như gà mắc đẻ. Ngó trước ngó sau, thấy Trung tá LNS và Trung tá NQD đang ba hoa tán phét, tôi bèn nẩy ra ý nghĩ rủ LNS và NQD xuống Mây Bốn Phương uống cà phê. Vợ con LNS và NQD cũng đã đến Mỹ an toàn, nếu LNS và NQD gặp cơ hội theo 2 ông Tướng thì cũng là chuyện tốt thôi. LNS và NQD bằng lòng. Tôi mừng vì không phải đi một mình.

Xuống đến Mây Bốn Phương thì trời đã khá khuya. Tôi không thấy NVĐ và nghĩ chắc NVĐ cũng đang ở đâu đó. Trong lúc LNS và NQD chuyện trò trong Câu lạc bộ thì tôi lẻn ra cửa Câu lạc bộ để nghe ngóng. Thình lình, một chiếc pick-up chạy qua và khựng lại trước mặt tôi. Tôi thấy trên pick-up có nhiếu chiếc va-li lớn, trong khoang ghế ngồi có Đại tá ĐVĐ và một người nữa tôi không nhìn rõ. ĐVĐ hỏi nhanh tôi: “Toa đi máy bay nào?” Tôi đoán, ĐVĐ ngừng xe hỏi tôi vì tưởng tôi là người cùng nhóm đi trốn vì thấy tôi có mặt vào giờ ấy, ngoài ra, ĐVĐ cũng thường thấy tôi xoa mạt chược và đánh tennis với ông Tướng. Còn tôi, tôi nghĩ tôi không phải là người cùng nhóm đi trốn, rất có thể sẽ bị ăn đạn nếu họ thấy tôi bén mảng quanh đấy, nhưng tôi đã kịp lanh trí, tương kế tựu kế, làm như người trong nhóm đi trốn, trả lời ĐVĐ thật mạnh bạo: “Toa đi đi, moa đi máy bay của ông Tướng!”.

Xe ĐVĐ chạy được chừng mươi thước thì bị một quân cảnh chặn lại. Tôi thấy người ngồi trên xe với ĐVĐ ban nãy, nhảy xuống quật ngã anh quân cảnh khiến chiếc Motorola của anh quân cảnh văng xa chừng 5 thước. Anh nhoài người tới, cướp lấy chiếc Motorola, đưa lên miệng rồi la lớn báo động. Tiếp theo là những tiếng còi hụ inh ỏi. Thế là chương trình ra đi của 2 ông Tướng bị bại lộ, tôi quay vào Câu lạc bộ rủ LNS và NQD trở về sở. Bỗng như có cái gì lành lạnh sau gáy. Tôi ngoảnh cổ, thấy ông Đại tá Tư Lệnh Phó SĐ5KQ Đinh Thạch On, chĩa súng vào gáy tôi, ra lệnh: “Đưa súng đây. Tôi được lệnh tước vũ khí anh. Nếu anh chống cự, tôi bắn!” Ông giao tôi cho Đại úy Đông (tôi không nhớ họ là gì), người mà sau này tôi được biết là nội tuyến của cộng sản. Đông đẩy tôi vào một nhà giam trước đó dùng để giam những quân nhân phạm quân kỷ. Tôi thấy có 4 người cùng bị giam chung với tôi: LNS, NQD, NVĐ và một người nữa tôi không quen và không biết tên.

Ngày hôm sau, tôi nghe tin đến sáng ngày 28 người ta sẽ mang tôi ra trước sân cờ để tước lon và xử bắn vì đã bắt được tôi đang ngồi trên cóc-pít C-130 ngoài đầu phi đạo, định cất cánh bay trốn sang Mỹ! Mặc dù trước mạng sống mong manh như sợi tóc, tôi vẫn không thể nhịn được cười một cách thích thú: một người như tôi, chưa học qua một phút lái máy bay C-130 thế mà nay ngồi trên cóc-pít C-130, định cất cánh bay trốn sang Mỹ! Tôi cũng là "something" đấy chứ! Một hiện tượng không thể giải thích được là nói như vậy mà người ta vẫn tin. Nhưng nghĩ cho cùng, không tin cũng không được!

Tôi chờ… Sáng ngày 28 không thấy ai đến mang tôi ra trước sân cờ để tước lon và xử bắn. Đến chiều lại có người xuống mở nhà giam thả tôi ra. Tôi ngơ ngẩn chưa kịp hiểu sao thì có người nói với tôi rằng ông Tướng Kỳ “ra lệnh” thả. Tướng Kỳ nói: “Đại Tướng đi rồi, thả chúng nó ra. Nếu chúng nó có tội thì chỉ là tội đi sớm hơn ông Đại tướng vài ngày!” Sau này, gặp Tướng Kỳ trên đất Mỹ, tôi ngỏ lời cám ơn ông, ông cười và nói khi ấy ông đâu có quyền hành gì mà “ra lệnh”, vả lại nếu có “ra lệnh” như vậy thì ông cũng không nhớ.

Đầu năm 1977, nhân cái Tết lưu vong thứ hai, Cựu Tưóng Tư Lệnh KQ Trần Văn Minh điện thọai hỏi thăm tôi: “Quý ơi, thấy toa tới được Mỹ bình an moa mừng lắm. Bây giờ anh em mình đều đã thóat nạn, moa mong toa quên những chuyện cũ đi.” Tôi đã xúc động nói với ông: “Tướng nói thế thì từ nay Tướng vẫn là vị Cựu Tư lệnh của tôi.” Tôi thông cảm tâm trạng của ông cũng như hoàn cảnh khi xưa của ông và hứa sẽ quên chuyện này. Nhưng, đầu tháng tư 1997, một nhóm người ở đây, nơi có người đã khôi hài gọi là Cò-Ló-Ra-Đó (Colorado), đưa chuyện này ra, rồi bịa đặt, mập mờ đánh lận con đen, chụp cái mũ to tướng lên đầu tôi là tôi đánh cắp máy bay trốn ra Bắc, và nay được công trưòng 7 cộng sản gài sang Mỹ để phá rối cộng đồng! Do vậy, tôi đã muốn quên mà không xong, lại phải điện thọai phiền ông lên tiêng, và ông đã lên tiếng. Khi viết những dòng này, tôi mong hương hồn Tướng Minh nếu linh thiêng xin hiểu cho lòng tôi. Đã 30 năm rồi, tôi chỉ muốn nói lên vài ba sự thật.

Còn người Mỹ ân nhân của gia đình tôi, Đại tá X? Lần sau cùng tôi được tiếp chuyện với ông là từ trong trại tỵ nạn Fort Chaffee. Vợ chồng tôi cùng vợ chồng NVTh rủ nhau đến một điện thoại công cộng để gọi cám ơn ông. Ông cho biết rất mừng đã hoàn tất việc cứu giúp 2 gia đình chúng tôi và chúc 2 gia đình chúng tôi gập nhiều may mắn trên đất Mỹ. Sau bữa đó, chúng tôi bặt tin ông, không còn liên lạc được với ông nữa.

Tháng Tư hình như có nhiều duyên nợ đối với tôi. Tôi sinh ra trong tháng Tư, tháng Tư đen, tháng Tư trắng, tháng Tư hạnh phúc, tháng Tư chia lìa!....

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 6 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenve
r- 

6. Lại một bắt đầu

Cuộc đời là gì nếu không phải là những chưỗi dài những cái bắt đầu... bắt đầu cho một khổ đau, bắt đầu cho một hạnh phúc, bắt đầu cho một nỗi buồn, niềm vui...

Đại tá X, người đã lo cho vợ con tôi an toàn đến Mỹ trước đây, có lần nói với tôi cuộc sống tại Mỹ rất khó khăn đối với những người không có một nghề nào trong tay như tôi, trong khi lại phải lo cho một người vợ không biết tiếng Mỹ với 5 đứa con còn nhỏ tuổi. Đó cũng là điều tôi thật sự lo lắng, nhất định phải kiếm một việc làm trong thời gian sớm nhất. It ra, đã hơn một lần tôi nói với người vợ không biết tiếng Mỹ và 2 đứa con trai lớn, còn ở tuổi vị thành niên: “Nên nhớ, chúng ta chạy sang Mỹ vì tự do chứ không phải vì miếng cơm manh áo!”

Khi còn bên Việt Nam, tôi có một chiếc xe hơi nhỏ, hiệu Saab do Thụy Điển chế tạo, mua lại của nữ ca sĩ Minh Hiếu. Hình như Viêt Nam chỉ nhập cảng có 2 chiếc xe hiệu đó rồi thôi. Để giữ cho chiếc xe có thể chạy được, tôi đã phải sửa chữa, đôi khi còn phải tìm cách chế biến, những bộ phân hư hỏng, vì không thể mua những bộ phận này ngoài thị trường để thay thế. Do vậy, tôi có được một sự hiểu biết tường tận về công dụng và sự vận hành từng bộ phận của một bộ máy xe hơi căn bản. Tôi biết, cấp bậc, chức vụ cũng như ngành nghề của tôi trong KQ không thể trở thành cái nghề nuôi sống tôi ngoài dân sự dù là ở Việt Nam hay Mỹ. 

Suy đi tính lại, tôi thấy việc tôi có thể làm được ở Mỹ là thợ sửa xe hơi. Tôi lợi dụng thời gian rảnh rỗi chờ ngày xuất trại tỵ nạn, tìm kiếm sách vở để nghiên cứu, học hỏi thêm. Tôi thấy xe Mỹ rất tối tân so với chiếc xe Saab cũ kỹ lạc hậu của tôi, nhưng tôi vẫn thường có một niềm tin mãnh liệt ở khả năng của tôi: khi tôi quyết tâm làm việc gì thì tôi có thể làm được. Tôi mạnh dạn nói với những người bảo trợ là tôi biết sửa xe hơi và yêu cầu họ kiếm cho tôi một việc làm ngay khi gia đình chúng tôi đến nơi định cư.

Thứ Năm, 17 tháng 7 năm 1975, gia đình tôi được đưa đến định cư tại thành phố Arvada, một thành phố nhỏ, rất bảo thủ ở phía bắc Denver, thủ phủ của tiểu bang Colorado. Thứ Bảy, 19 tháng 7 năm 1975, tức là 2 ngày sau, tôi được đưa đến găp ông Harry Linch để xin việc và được nhận làm việc tại một tiệm sửa xe hơi của ông. Thứ Hai, 21 tháng 7 năm 1975, tôi đi làm, bắt đầu cuộc sống mới…

“Chao Mung” and Quy family adjusts to “being born again”

By Florence Moore
The Arvada Citizen Sentinel, Wed., July 23, 1975

“Chao Mung”
“Chao Mung”
“Is that the right way to say it?”

The parking lot at King of Glory Lutheran Church in Arvada sounded like an exotic foreign outpost. But it was just the welcoming committee practicing “Welcome” in Vietnamese. They were getting ready to greet Nguyen Van Quy, his wife, Do Thi Dai, and their five children.

Pastor Tom Guinn and a young intern, Rick Eisenlord, joined the ladies. Pastor Guinn was carrying a huge bag of toys he had picked up at K-Mart for the kids. The women loaded assorted goodies, including two teapots and a cake, into their cars and 10 eager welcomers took off for Stapleton Airport to meet the 2:25 p.m. Frontier flight from Texas. Mrs. Lonnie Kelsay was probably the most exited woman in the whole crew. She was the chairwoman of the King of Glory committee appointed to sponsor the Vietnamese family. She had spent countless hours working on the project since it was approved by the Church Council early in June.

Others on the committee were almost as exited now that they were finally going to meet the family they had been so busy preparing for. On hand for the excursion to the airport were Mrs. Ruth Smith, Mrs. Judy Schirazi, Mrs. Mary Lou Perkins, Mrs. Mary Beuthel and a youth member of the committee, Cindy Johannsen, 15. Mrs. Virginia Swenson was going directly to the apartment the committee had found for the Quy family to make sure every last detail was ready.

On the way to the airport, Mrs. Kelsay explained that sponsors of Vietnamese families who work through the Lutheran Immigration Refugee Society must find a job for the father, a place for them to live and must guarantee the family’s financial support for two months. Most important, the sponsors have to assure the family “community acceptance and moral support”, Mrs. Kelsay said. She was already planning to invite the Quy family to a King of Glory picnic on Sunday. Since the family is Buddhist they would not be urged to attend church services at King of Glory. Quy would be invited to attend services organization meetings.

Mrs.Kelsay was most concerned about Quy’s wife. Dai or Mrs. Quy, unlike her husband and oldest son, knew no English. Lonnie was hoping to help her adjust to life in the States by taking her to the adult tutorial program classes in English she and Mrs. Beuthel teach at St. Elizabeth’s church in Denver. She was sure the rest of the children would pick up English and make friends easily as soon as they enter school in the fall. Two women on the committee, both teachers, have offered to help them enroll and make sure they get into classes they can handle.

The committee looked long and hard before picking a new home for Quy and his family. They found a three-bedroom government subsidized apartment near West Ralston Creek at W. 59th Ave. and Pierce Street. Then they conducted a church wide drive to furnish it. They had spent all day Wednesday arranging furniture, stocking the pantry and making beds. One volunteer call it “early King of Glory” decor but the results were so comfortable and pleasant the committee was absolutely delighted. Mrs. Beuthel said she was amazed that all the donations fit together so well and that there was practically no duplication. When the Quys walked in they would find everything from rice to pots and pans, from a portable television set to a four-slice toaster. Colorful quilts and spreads brightened every bedroom and vases of flowers added more color.

The committee had also lined up a job for Quy. He would start to work the following Monday at Harry Linch’s Standard Station at Wadsworth Bypass and Grandview Ave. as an auto mechanic. Mrs. Kelsay said Linch’s response when asked if he could furnish a job was, “If I don’t have a job, I’ll make one.” “That dear man”, she said, “He’s just been beautiful.”

Besides Miss Johannsen and a reporter from the Arvada Citizen Sentinel, Mrs. Kelsay had one more passenger in her car. She was a charming 20-year Vietnamese girl who is a student in Mrs. Kelsay’s English class at St. Elizabeth’s. The young woman picked up the English language amazingly well in only two months. She cleared up some of the confusion over Vietnamese names. Her name is Quy too, but it is not the same as the male Quy. The difference lies in the inflection rather than the spelling. The entire language depends to a large degree on inflection. It is not an ancient language. Until the 19th century, Chinese was spoken in Vietnam.

Vietnamese families use their last names first. Nguyen Van Quy would translate something like Smith, Ed Joe. You don’t say Mr. Nguyen because the name is so common no one would know who you meant. You say “Mr. Quy,” because the last name is the one that counts. Married women keep their own names. Quy’s wife is called Dai but if addressed as the wife of her husband, she would be called Mrs. Quy.

Finally the entire group assembled in the waiting area and waited on pins and needles. Two Frontier planes taxied on past the window but finally a two-propeller plane stopped just outside the window. People started to emerge and just as it seemed the small plane could not have held one more passenger and the Quy family must have gotten lost, someone squealed, “There they are. It has to be them.”

Quy, 42, was slim, short by American standards, and erect. He wore a business suit. His slender wife, 39, wore a long print sheath, with slits, over a pair of black trousers. The two boys wore neat shirts and slacks and looked like smaller versions of their father. The three little girls wore identical pink dresses that set off their black hair and dark eyes.

Once inside the airport, the family was enveloped in a throng of smiling, handshaking Arvadans who repeated, “Chao mung” over and over. Cameras flashed and the delighted welcoming committee steered their guests toward the exit. Rev. Guinn was the epitome of western hospitality. His friendly manner seemed to put Quy family at ease immediately. Politely and firm, Mrs. Quy rejected all offers to carry her youngest daughter, a darling little girl who was just as determined to hold onto her mother.

The next stop was the baggage counter where Quy identified five pieces of luggage – a medium-size suitcase, a heavy cardboard carton and three small satchels, one no larger than a lady’s handbag. This was the sum total of the material possessions the family owned.

The five children, shining clean, were obviously worn out from their travels. Later the committee learned they had all been airsick when the plan hit choppy weather between Pueblo and Denver. Quan, 14, had the same quiet dignity and pleasant smile his dad displayed. As the group waited for their drivers to bring their cars to the door, Quan patiently repeated his brother’s and three small sisters’ names as Rick Eisenlord attempted to get them down pat. Quan studied English in high school in Vietnam. The list of names sounded something like a Latin conjugation and Quan had to smile as Rick struggled with Quynh - 12, Quyen - 9, Que - 6 and Quang - 2.


On the way back to Arvada, Quy said he spent 11 months at Lowry Air Force Base in Denver in 1956. Concerning his new job as an auto mechanic, he is must more accustomed to the small foreign cars common in Vietnam but he is sure he can quickly apply his technical knowledge to American cars. In Vietnam, he mentioned, mechanics were used to repairing car parts - not ordering new ones.


He is obviously concerned about his wife’s happiness in her new home and commented, “In our country, according to our custom, the wife doses not go out too often. When she marries, she stays home.” He said his children adapted quickly to American food but that his wife is having a hard time getting used to it.

On the way home, Mrs. Beuthel and Mrs. Schrazi pointed out the service station where Quy will be working. His children will attend East Arvada Junior High and Foster Elementary Schools, also close to his new home.

When the group finally reached the apartment in Arvada it was obvious that the Quy family was delighted, grateful, but near collapse. Mr. Quy said he did not know how to thank his benefactors. The committee tried to tell him how much pleasure they derived from being allowed to help him. They knew he must be sad to leave his country and his friends for a strange new land. Quy obviously is not a man given to feeling sorry for himself. He does not expect to return to his homeland. “We feel we cannot,” he said, “I tell my family, we are being born again,”

The congregation of King of Glory Lutheran Church is determined to make the Quy family as happy as possible in Arvada. Hopefully the entire city also will open its heart to this charming family from a different world.

Cuộc đời là gì nếu không phải là những chưỗi dài những cái bắt đầu... bắt đầu cho một khổ đau, bắt đầu cho một hạnh phúc, bắt đầu cho một nỗi buồn, niềm vui...

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 7

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                    -Quýdenver- 

7. Nhớ về cuộc chiến

Khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường tại Hà nội, tôi có 3 người bạn thân cùng lớp tuy có một người khác trường: Nguyễn Tất Đạt, Trần Thế Thảo(*) và Nguyễn Thị Minh Thúy(*). Năm 53, Đạt vào Không Quân, được gửi sang Pháp học vô tuyến, sau biệt phái làm giáo sư tại trường trung học Quốc gia Nghĩa tử; tôi gia nhập trường Võ Bị Đalạt, thuyên chuyển sang Không Quân sau khi ra trường một thời gian. Năm 54, đất nước chia đôi, tôi và Đạt vào Nam theo nghề nghiệp mình đã lựa chọn; Thảo và Thúy ở lại Hà nội bởi vì “dẫu sao thì mình cũng là người Hà nội, Hà nội là của mình nên không thể bỏ”.

Hơn 20 năm sống trong Nam, gia đình tôi và gia đình Đạt đều cư ngụ tại Saigon, đi lại gập gỡ nhau hàng tuần, còn Thảo và Thúy thì tuyệt nhiên không có tin tức gì. Tháng 4/75, tôi bỏ nước sang Mỹ, Đạt kẹt lại Saigon và chúng tôi mất liên lạc với nhau.

Đầu năm 89, tôi bất ngờ nhận được một thư từ Saigon và vô cùng sửng sốt khi đọc thấy tên người gửi là Thảo và Thúy. Tôi bối rối không dám mở ngay vì không biết Thảo và Thúy nói gì trong thư. Tôi và Đạt hơn 20 năm quốc gia, Thảo và Thúy hơn 20 năm cộng sản, liệu chúng tôi còn đồng điệu là những người bạn thân thương như xưa? Nhưng rồi tôi cũng mở thư, để lại vô cùng sửng sốt, nhưng lần này thì pha lẫn một niềm vui với một nỗi xúc động. “Chẳng có chủ nghĩa nào, chẳng có chế độ nào có thể làm phai mờ được tình bạn giữa chúng ta”. Đó là lời Thảo và Thúy viết trong thư. Thư viết thêm “…ban ngày làm nghĩa vụ nhưng đêm nào tụi này cũng mở radio nghe ca sĩ Lệ Thu và Khánh Ly hát.” Lá thư do Thảo và Thúy viết chung, thay nhau viết mỗi người một đoạn, dài gần 5 trang giấy học trò.

Thảo và Thúy cho biết hai người đã trở thành vợ chồng cuối nam 57. Ở lại miền bắc, Thảo trở thành một cán bộ cao cấp với quân hàm Thượng tá. Cuối năm 75, Thảo được gửi vào Nam tiếp thu Saigon, mang theo vợ và đứa con gái 15 tuổi: Trần Thị Minh Thư. Ngòai những kể lể buồn vui lẫn lộn, trong thư của Thảo và Thúy có những đọan nguyên văn như sau:

“Một ngày cuối đông năm ngoái, trong lúc xuống xe vào một tiệm tạp hóa gần nhà thờ Tân Định, đường Hai Bà Trưng, Thảo tình cờ trông thấy Đạt. Mặc dầu xa cách đã hơn 20 năm nhưng khi trông thấy Đạt, Thảo vẫn nhận ra ngay. Thảo mừng rỡ, chạy đến định ôm lấy Đạt nhưng Đạt chỉ đưa mắt nhìn ngơ ngác như không hề quen biết rồi lẩn vào một đám đông. Thảo chợt nghĩ đến bộ quân phục và đôi lon Thượng tá của mình, cho rằng có lẽ vì vậy mà Đạt e ngại nên lẩn tránh. Tương kế tựu kế, Thảo chạy xông tới trước mặt Đạt, ra lệnh: ‘Anh tên gì, ở đâu? Đưa giấy tờ tôi xem!’ Đạt sợ hãi, móc túi đưa giấy tờ, không dám ngước mắt nhìn Thảo…”

“Quý có biết không? Ngay tối hôm đó, tụi này kéo nhau đến nhà Đạt. Thảo mặc áo trắng cũ màu cháo lòng, quần màu cứt ngựa. Thúy mặc áo cánh trắng, quần đen. Không cần nói chắc Quý cũng rõ đó là những y phục thân quen của chúng mình khi trước. Sau vài phút ngỡ ngàng, tụi này và Đạt lấy lại được sự tự nhiên và mối thân tình còn thắm đậm hơn xưa nữa. Vợ Đạt là người mừng vui nhất trong đám. Ngân, đứa con gái thứ hai của Đạt, cũng vui không kém. ‘Nếu không có cuộc chiến thắng tháng tư của các ông thì nó là đứa con dâu của ông bà Trung tá Không Quân Nguyễn Văn Quý đấy!’ Vợ Đạt chỉ Ngân và nói với tụi này như vậy….”

“Vợ Đạt và mấy đứa con nhất định giữ tụi này ở lại ăn cơm. Tội nghiệp, gia đình ông giáo sư Đạt của chúng ta nghèo quá. Bữa cơm tối đó chỉ có một đĩa rau xào mỡ, mươi cái đầu tôm rang mặn và bát canh cà chua loãng, nhưng mọi người đều thấy ngon miệng….”

“Bây giờ, sau hơn một năm, nhờ chút quyền lực trong tay, tụi này đã giúp mua cho Đạt một tiệm tạp hóa nhỏ tạm đủ cho gia đình Đạt kiếm sống qua ngày, và tụi này cũng lấy đó làm một niềm vui.... Thư sau sẽ cho biết làm cách nào tụi này có được địa chỉ của Quý ở Mỹ…”

Kể từ ngày đó, bốn đứa chúng tôi liên lạc với nhau rất thường xuyên, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Chúng tôi nói với nhau về những ngày cuối tuần xa xưa khi còn ở Hà nội: rủ nhau đến Văn Miếu để ôn bài, đến bến Nghi Tàm, Rặng Ổi để dìm nhau xuống nước; kéo nhau đến bờ hồ ăn bánh tôm, uống nước dừa; đèo nhau trên xe đạp về làng để thả diều, cưỡi trâu, bắt châu chấu, đuổi bướm, bắn chim, hay ngồi hóng gió dưới bóng cây đề và nghe một ông bác kể chuyện… Chúng tôi diễu nhau về chủ nghĩa này chủ nghĩa khác, chế độ nọ chế độ kia. Chúng tôi gọi nhau là Thượng tá, Trung tá mà thấy thích thú, chẳng sợ đứa nào buồn đứa nào. Đối với chúng tôi, chủ nghĩa gì, chế độ gì cũng chỉ là cái lăng nhăng; Thượng tá, Trung tá chỉ là đồ vứt bỏ. Chúng tôi hãnh diện, tự hào trong niềm hãnh diện, tự hào đơn sơ mộc mạc là thằng Quý thằng Đạt quốc gia, là thằng Thảo con Thúy cộng sản!

Nhưng, hình như trong gập gỡ vốn đã có sẵn mầm mống cũa chia phôi, và chia phôi đã đến. Giữa năm 93, Thảo và Thúy báo tin vợ Đạt bị tai nạn xe chết giữa đường lên Đalạt. Coi mấy tấm hình chôn cất vợ Đạt, vợ tôi và tôi đã bật khóc thành tiếng, nức nở. Chưa đầy một năm sau, Thảo và Thúy lại báo tin Đạt chết ngày 21 tháng 4, 94 vì bệnh tim, đồng thời cho biết sẽ trở về Hà nội và có thể ở lại Hà nội, không vào Nam nữa.

Thế rồi, Thảo và Thúy bặt tin, không liên lạc gì với tôi, và thư tôi gửi đi thì không thấy hồi âm. Cả thế giới như sụp đổ trước mặt tôi. Tôi đi tìm bạn mới trong cái thế giới tỵ nạn quanh tôi, nhưng ai là bạn mà tìm, tìm được ai là bạn? Tôi làm thơ, tôi sọan nhạc, nhưng thơ thì dở dang, nhạc thì lỗi nhịp .

Cho mãi đến ngày 24 tháng 4, 97, ngày sinh nhật của tôi, tôi nhận được bức điện tín của hãng Western Union chuyển tiếp tin đánh đi từ Hà nội với nội dung như sau: “Kính thưa bác Quý - stop - Ba cháu mất ngày 20/4/96 sau gần một năm bán thân bất tọai - stop - Mẹ cháu mất ngày 25/4/97 - stop - Ngày 25 tại VN tức 24 tại Mỹ đúng ngày sinh nhật của bác - stop - Mẹ cháu nói vậy trước khi người nhắm mắt ra đi - stop & Fin.”

Sau khi đọc bức điện tín trên, tôi thấy lòng bình thản một cách kỳ lạ, nhưng có những đêm khi thức dậy thấy gối ướt dầm dề để rồi sau đó nghe vợ tôi an ủi: “Thấy anh trằn trọc, em biết anh nghĩ gì.” Đạt đã ra đi, Thảo và Thúy đã ra đi, không điếu văn, không phủ cờ. Một ngày nào đó, rồi cũng sẽ đến lượt tôi. Tôi cũng đã viết chúc thư: không điếu văn, không phủ cờ, chỉ có những giọt thầm trong tâm, giản dị tự nhiên như ngày tôi ra đời.

Một điều thật kỳ lạ là cả 3 người bạn thân thương của tôi đều hẹn nhau bỏ tôi vĩnh viễn ra đi vào những ngày kế cận sinh nhật của tôi. Kể từ năm 97 ấy, đã nhiều năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, tôi lại không thể không nghĩ đến 3 người bạn thân thương suốt chiều dài một đời người đó. Tôi nẩy ra một ý nghĩ, tôi sẽ cố tìm cho đươc một câu chuyện đẹp, kể cho vài người bạn thân nghe và cũng là để tưởng niệm đến 3 người bạn thân thương của tôi.

Lại một tháng tư nữa…

Không phải đợi đến ngày Tướng Nguyễn Cao Kỳ về thăm Việt Nam, tôi mới nghĩ tới cuộc chiến cách nay 30 năm để nhận thấy rằng đúng ra cuộc chiến đã không nên có. Cuộc chiến thần thánh chống thực dân Pháp trước đó đã được những tên phù thủy chính trị phù phép biến hóa thành một cuộc nội chiến phi dân tộc, kéo dài mấy chục năm, mà cả hai bên đều trông nhờ vào thế lực, tiền tài, súng ống của ngoại bang. Một cuộc chiến như thế thì sự kết thúc của nó cũng chẳng có gì gọi là vinh cho kẻ thắng và nhục cho người thua. Có chăng, người thua cũng như kẻ thắng nên ý thức rõ thân phận nhược tiểu của mình mà quên đi những sai lầm trong quá khứ, tìm cách nắm tay nhau, làm những việc khác hơn là tiếp tục say sưa trong men chiến thắng hoặc khư khư ôm lấy mối hận thua cuộc. Bài học thực tế và đau đớn của nước Mỹ - nhận thức sự sai lầm của cuộc chiến - đã khiến cho những ai còn lưu tâm đến vấn đề đất nước phải suy nghĩ không ít. Trong bối cảnh đó, nếu có người nói "cuộc chiến bẩn thỉu" thì cũng chỉ là điều khiến sự suy nghĩ của mình càng thêm thấm thía mà thôi.

Tôi liên tưởng đến cuộc tiếp xúc giữa bà Oriana Fallaci, một tên tuổi lớn trong làng báo chí thế giới, với Tướng Nguyễn Ngọc Loan, một ông tướng đã làm nhiều ông tướng khác run sợ, tại bệnh viện Grall, nơi tướng Loan nằm điều trị vết thương bị đạn gẫy chân. Trong cuộc tiếp xúc này, Tướng Loan đã nhắc lại lời nói của ông với bà Oriana Fallaci ("Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi…" do Lê Minh Đức dịch, Hồng Lĩnh xuất bản):

“- Hôm đó, tôi đã nói với bà, chắc bà còn nhớ: Tôi sinh ra không phải để làm lính, làm cảnh sát, tôi không thích chiến tranh. Đúng vậy. Một số người thấy được kích thích trong chiến tranh, họ thấy thích đánh nhau, nhưng tôi thì không. Trong chiến đấu tôi chỉ thấy sợ hãi, sợ trước trận đánh, sợ sau trận đánh… Tôi chán ghét nghề của tôi, tôi luôn chán ghét nó, thật kinh khủng khi phải làm cái nghề mình không thich, cứ mơ ước được mặc quần áo dân thường, xa cái nghề này hàng ngàn cây số… Tôi căm ghét những bộ quân phục. Tôi căm ghét cả tấm chăn đắp này! (tấm chăn quân sự).”

“- Tôi vào quân đội ngòai ý muốn: tôi là một người yếu đuối, tôi không dám từ chối với bạn bè. Đã nhiều lần tôi muốn chốn đi. Đi xa… Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, bất kỳ đâu người ta chịu tiếp nhận tôi cư trú. Nhưng sau đó thì tôi tự bảo không, tôi không thể làm như vậy, tôi không được làm như vậy. Tôi đã dính líu quá nhiều vào cuộc chiến này. Tôi đã bắt buộc ở lại đây, bằng mọi giá. Tôi không bao giờ còn có thể trốn đến một nơi yên tĩnh, với âm nhạc, với thơ, với hoa hồng của tôi nữa rồi… Tôi bây giờ không còn đáng kể gì nữa rồi, tôi không còn quyền lực gì nữa, nhưng tôi muốn nói với tướng Giáp, tôi muốn nói với ông Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau đi.”

Cuộc chiến nào thì cũng dễ khiến cho con người trở nên độc ác. Đã có bao nhiêu người trong chúng ta muốn nói như tướng Loan? Đã có bao nhiêu người trong chúng ta bị xô đẩy vào một cuộc chiến mà đúng ra không nên để xảy ra?

“...Con người đang nằm trước mặt tôi hôm nay”, bà Oriana Fallaci viết thêm về Tướng Loan, “là một con người khác, khác đến nỗi tôi không còn thấy xấu xí nữa. Và có lúc, tôi còn thấy đẹp là khác.”

Tôi không có khiếu thẩm mỹ, tôi cũng không phải là người có khả năng nhận xét sự việc một cách sâu sắc nên không dám khen đẹp chê xấu. Tôi chỉ thấy lòng mình dâng lên một nỗi xúc động thật mãnh liệt khi viết lại những dòng chữ này.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 8 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenver- 

8. Nghĩ về tình người

Anh LĐTh và tôi cùng theo học Khóa 10 Võ Bị Dalat. Trong giai đoạn thực tập tại Đồ Sơn ngoài Bắc trước khi mãn khóa, anh và tôi được thu xếp thực tập chung trong một trung đội vũ khí nặng. Lần đầu tiên tôi gặp lại anh kể từ sau ngày mãn khóa và được biết chị là tại Denver, Colorado khi anh cùng chị đến tạm định cư tại đây mươi năm về trước. Tôi nói tạm định cư vì anh chị cho biết sẽ chỉ ở đây ít năm rồi xuống Texas hay sang California. Anh chị và vợ chồng tôi trở thành những người bạn thân thiết, thường gập gỡ chuyện vãn về mọi thứ chuyện lỉnh kỉnh. Trong lúc chuyện trò như thế, tôi cảm thấy như có cái gì hơi mâu thuẫn ở anh chị: Anh chị rất mộ đạo Phật và là 2 Phật tử thuận thành. Anh chị cho biết tối nào cũng tụng kinh và cầu an cho vợ chồng tôi, nhưng đồng thời cũng thường tỏ lộ mối thù hận tột độ còn giữ trong lòng. Nhân khi chị gửi cho tôi một số thơ văn, tôi đánh liều viết một thư dài hồi âm anh chị.

Ngày 6 tháng 5, 2000
Anh chị Th. thân mến,

Tôi đã nhận được thư chị, nhận được những món quà “Một trái tim của Bích Khê Thôn”, “Gói quà năm 77”, “Chuyện ngày xưa”, “Khó quên” và nhận được cả “Vậy mà phùng mang!” Tôi nhận được những món quà trên hôm thứ ba, 2 tháng 5 năm 2000. Vì bận phải thu xếp một vài việc quá gấp, tôi mới chỉ đọc qua một lần rồi tạm cất đi, không cả kịp cho nhà tôi biết. Hôm nay đọc lại, tôi thấy món quà nào của chị cũng mang đến cho tôi nỗi xao xuyến, bồi hồi khó tả, nên muốn dành nguyện vẹn cuối tuần này để hồi âm anh chị. Nếu sự chia sẻ là một hạnh phúc hay ít ra cũng là một niềm an ủi đối với một người bạn thì đó là tất cả những gì tôi có thể làm và gửi đến anh chị.

Trước hết, tôi xin chia sẻ cùng anh chị nỗi nhục nhằn, cay đắng anh chị đã trải qua trong mấy chục năm trường. Tôi không dám cầu mong anh chị quên đi những điều không thể quên, mà cầu mong nỗi cay đắng, nhục nhằn đó sẽ chỉ còn là những kỷ niệm tô điểm cho cuộc đời thêm phong phú. Nếu không trải qua những đau khổ xa xưa đó thì làm sao có thể nhận thức được chân giá trị của hạnh phúc hôm nay?

Liền nhanh tay đổi ngược
Bỏ xuống gói áo quần
Đưa lên bao thực phẩm
Lâm râm miệng khấn thầm…

Đọc mấy câu thơ này, tôi không sao ngăn được mối thương cảm dâng lên trong lòng. Tôi hình dung thấy một người thiếu phụ đầy thương tội, mặt mày hốc hác, thân xác tiêu điều, nhìn ngang liếc dọc, chỉ sợ người khác bắt gặp mình tráo đổi món quà gửi cho người chồng đang khốn khổ trong trại tù đày. Chẳng qua cũng chỉ vì “Đói lấy gì cầm hơi” mà thôi! Bất giác, tôi nghĩ nhiều đến lòng thương yêu của con người. Hình như, khi có được lòng thương yêu thì người ta làm gì cũng được.

Chị làm thơ 5 chữ rất hay. Tôi thấy thơ 5 chữ khó làm vì số chữ bị giới hạn nên sự diễn tả cần phải cô đọng. Tôi rất thích 4 đoạn thơ chót trong bài “Vậy mà phùng mang”. Việc lập đi lập lại nhiều lần cái tên “Hồ Văn Tín” đã làm cho cái phùng mang càng phùng to lên, cái lố bịch càng lố bịch hơn, và cái bẽ bàng càng bẽ bàng thêm:

Một người tù đứng dậy:
‘Cán bộ cho tôi xem
Không phải Hồ Văn Tín
Chữ này Họ và Tên!’

Thì ra thế! Có ai đọc qua mà không cảm thấy thích thú?

Từ đó vắng anh con thiếu cha
Vai em không gánh nổi sơn hà…

Có phải đây chỉ là một lời nói khiêm nhường? Cái sơn hà chị gánh vác vẫn còn đó, vũng mạnh hơn bao giờ, tuy đã có lúc ngả nghiêng, xiêu vẹo. Cái nghị lực vô biên của người vợ Việt Nam thương chồng , một người mẹ Việt Nam thương con chẳng gì có thể so sánh được! Cho nên, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nói lên lòng ngưỡng mộ của mình đối với những người vợ, người mẹ Việt Nam mà không cho rằng lời nói mang tích chất cường điệu.

Trên tất cả vẫn là “Chuyện ngày xưa”. Vói tôi, “Chuyện ngày xưa” là một làn gió nhẹ, một thoáng mát. Cũng có thể là một buổi sớm sương mờ bâng khuâng, một buổi chiều mưa nắng ngập ngừng. Giá cuộc đời chỉ có những làn gió như thế, những thoáng mát như thế! Giá tháng năm chỉ có những buổi sớm như thế, những buổi chiều như thế! Tìm đâu, biềt tìm đâu bây giờ? Phải chăng ngày tháng đã già nua và lòng mình cũng già nua nên không còn nhận thức được, không còn tìm thấy nữa? Hay phải chăng con người đã quên mất những làn gió ấy, những thoáng mát ấy, những buổi sớm ấy, những buổi chiều ấy như đã quên mất tình mình, tình người?

Lời văn của chị trong “Một trái tim của Bích Khê Thôn” cũng thật là mượt mà, chân thật. Cái mượt mà, chân thật có sức quyến rũ người đọc, ít ra là đối với một người đọc như tôi. Kể ra thì lời nói, câu viết của ai về người mẹ mà lại không mượt mà? Chỉ một tiếng Mẹ thôi cũng đủ là một bài thơ hay, một bài văn tuyệt vời rồi. Chỉ một tiếng Mẹ thôi cũng đã là cả một bầu trời bao la thăm thẳm, môt biển rộng mênh mông rồi. Điều đáng nói thêm ở đây là cái chân thật trong lời nói, trong câu viết của chị. Thiếu chân thật thì tất cả những lời nói, những câu viết đều trở thành tẻ nhạt, ngây ngô, trống rỗng.

Đến đây, tôi bỗng nhớ đến một cái gì rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ nét, rất gần gũi mà như rất xa xôi. Tôi loay hoay chạy ra chay vô, chạy lên chạy xuống… Sau cùng, tôi chạy đến nhìn giây lát vào đôi mắt Mẹ tôi trong bức hình trên bàn thờ, rồi đến tủ sách, mở ngăn kéo lục tìm tờ điện tín. Đó là tờ điện tín của đứa em dâu có người chồng lúc đó đang bị tù đày gần biên giới Tàu-Việt, từ Việt Nam gửi sang, tuy cũ nhưng vẫn không nhầu nét: “Mẹ mất lúc 16:15 ngày 28-06 Tân Dậu. Kỳ Trân.” Mắt tôi mờ đi, nhớ về một buổi chiều 19 năm trước, một buổi chiều năm Tân Dậu, một buổi chiều 1981, một buổi chiều không giống bất cứ buổi chiều nào trong suốt cuộc đời tôi:

“Lạy Mẹ, 17 ngày đã trôi qua kể từ ngày Mẹ nằm xuống. Hôm nay, 7 đứa con cháu của Mẹ xin cùng nhau quỳ lạy Mẹ……”

Mẹ tôi có 4 người con trai nhưng không có người nào có mặt bên cạnh để vuốt mắt Người. Mẹ tôi chết cũng không được yên. Mồ mả ở Vĩnh Long được lệnh phải rời đi nơi khác, mấy năm mà không thu xếp xong. Vừa tìm mua được đất, định rời đến thì lại có lệnh không được dùng khu đất ấy nữa. Mãi tới tháng Tư năm 1998 mới đưa được hài cốt Người về nghĩa trang liên xã Gò Dưa ở Thủ Đức. Tháng Tư, vâng, tháng Tư vẫn là tháng có nhiều duyên nợ đối với tôi. Tôi sinh ra trong tháng Tư, tháng Tư đen, tháng Tư trắng, tháng Tư hạnh phúc, tháng Tư chia lìa…

Sau cùng, tôi xin chia sẻ cùng anh chị mối hận thù anh chị không thể quên đối với những người đã mang tai họa đến anh chị. Người ta mang tai họa đến mình thì mình phải hận thù. Đó là một thái độ bình thường, chẳng có gì lạ. Tuy nhiên, tôi đã suýt mất một người em ruột thương yêu cũng vì vấn đề này, nên chỉ xin được chia sẻ cùng anh chị thôi. Nhân nói đến hai chữ hận thù, tôi xin kể anh chị nghe câu chuyện tôi đã đọc thấy ở đâu đó. Thú thực với anh chị, cứ mỗi lần bắt gặp một câu chuyện tương tự, dù xuất phát từ đâu, từ phía nào, tôi lại không cầm được nỗi xúc động trong lòng:

"Ông Richard Luttrell, 51 tuổi, nhân viên Sở Cựu chiến binh Tiểu bang Illinois, đã bị dằn vặt suốt 33 năm trời vì một tấm hình. Đó là tấm hình chụp một em gái đứng cạnh người cha, một lính Bắc Việt, mà ông đã bắn chết năm 1967 trong cuộc tuần tiễu tại một vùng rừng núi Việt Nam. Lúc đó, ông Luttrell chỉ là một binh nhì Lục quân Mỹ, 18 tuổi. Ông nghĩ, khi một người cha mang theo ra trận tấm hình đứa con, ắt hẳn người cha đó phải thương yêu đứa con của mình nhiều lắm. Bây giờ người cha đã bị ông bắn chết, ai là người sẽ chăm nom nuôi nấng đứa con?

Ông Luttrell giữ tấm hình suốt 22 năm cho đến năm 1989, ông để tấm hình trong khe một tảng đá tại Đài Kỷ niệm Cựu chiến binh Mỹ trong trận chiến Việt Nam tại Washington DC, với lời xin lỗi người lính đã bị ông bắn chết. Năm 1996, một người bạn là Dân biểu Tiểu bang, Ron Stephens, bất ngờ thấy tấm hình trong một tập sách liệt kê những vật dụng bỏ ở Đài Kỷ niệm và nói cho ông Luttrell hay. Ông Luttrell lấy lại tấm hình, định bụng sẽ tìm kiếm đứa em gái trong tấm hình để đích thân xin lỗi.

Tin tức được loan truyền đến Việt Nam và người ta đã tìm ra đứa em gái đó, bây giờ là người đàn bà 42 tuổi tên Nguyễn Thị Lan. Bà Lan đã có 2 người con. Ngày 4 tháng 3 năm 2000, ông Luttrell đã cùng vợ mang tấm hình sang Việt Nam để gặp bà Nguyễn Thị Lan. Trong cuộc gặp gỡ, bà Lan cho biết bà đã đau khổ biết bao khi cha bà bị bắn chết, bà đã trải qua những ngày tháng nhục nhằn biết chừng nào vì thiếu người chăm sóc, nhưng bà không hề thù hận ông Luttrell, người đã bắn chết cha bà. Tất cả cũng chỉ là do định mệnh. Tất cả cũng chỉ là do những cái ngoài tầm tay mình."

Trước đây vài ba năm, ngay tại Colorado này, tôi bị một số người, từng có lúc coi nhau là bạn, chụp mũ là định ăn cắp máy bay trốn ra Bắc và được Công trường 7 công sản gài sang Mỹ để phá rối cộng đồng. Tôi ghê tởm họ, thương hại họ, xa lánh họ nhưng tuyệt nhiên không thù hận họ. Từ lâu, ngay cả từ khi còn nhỏ, điều tôi sợ nhất là sự hận thù. Thù thì phải trả và khi trả thù người ta có thể làm bất cứ cái gì kể cả những cái không thuộc về con người. Còn nếu không trả thù thì lại sợ mang tiếng hèn nhát. Rút cục, vì cái mặc cảm sợ mang tiếng hèn nhát mà người ta cứ nhìn quanh xem ai có chút sơ hở là chụp mũ, dẫu cho người đó có lúc là bạn mình. Dám chụp mũ mới là người có khí phách, mới là người anh hùng, mới là người không hèn nhát, mới là người… quốc gia chân chính! Nghĩ cho cùng, nếu không làm cái trò chụp mũ vừa dễ dãi, vừa rẻ tiền đó thì những người này còn biết làm cái gì nữa!

Đáng lý, tôi không nên làm bận tâm anh chị với những điều vừa kể bởi vì anh chị có thể mắng tôi là đã trốn chạy sớm, có bị tù đày nhục nhằn đâu mà hiểu được mối hận thù của anh chị. Rất có thể, trước mắt anh chị tôi còn là một tên “giao lưu văn hóa”, “hòa hợp hòa giải”, và rơi vào “vòng tay nới rộng” nữa cũng nên. Nhiều lúc, tôi cứ thắc mắc tại sao những từ ngữ đẹp đẽ lại chỉ phát xuất từ phía bên kia? Tại sao phía mình lại phải tránh né và chỉ dùng toàn những từ ngữ đầy hận thù sắt máu? Tại sao phía mình lại không có cái đảm nói thẳng rằng giao lưu văn hóa, tốt lắm; hòa hợp hòa giải, tốt lắm; nới vòng tay rộng, tốt lắm, nhưng giao lưu văn hóa như thế nào, hòa hợp hòa giải như thế nào, nới vòng tay rộng như thế nào mới được chứ! Phải chăng cũng lại chỉ vì cái mặc cảm thua kém, không dám đối đầu?

Riêng tôi, tôi có một niềm tin sắt đá là sớm muộn gì công sản cũng sẽ tiêu tan, dưới một hình thức nào đó, chứ nhất định không phải tiêu tan vì sự hận thù của những người bên này.

Đã là người thì ai cũng có lúc đau khổ, khác chăng là mỗi người có cái đau khổ riêng mà không thể nói cái đau khổ nào đau khổ hơn cái đau khổ nào. Dẫu sao, nỗi đau khổ của chúng ta cũng đã qua, vơi nhẹ nhiều rồi. Ngay bây giờ, hôm nay, bên cạnh chúng ta, ở Colorado này, vẫn có những ngưòi đang đau khổ chẳng kém gì cái đau khổ trước kia của chúng ta. Trước sự quay lưng ngoảnh mặt của người đời, trước nỗi đau khổ vô cùng tận, có người đã muốn buông xuôi, tuyệt vọng. Trong cái nhỏ bé của mình, trong cái bất lực của mình, trong nỗi cô đơn của mình, tôi có thể làm được gì cho họ đây? Thôi thì, chỉ còn biết dành ít thì giờ chia sẻ với họ, an ủi vỗ về họ mà không màng đến lời dị nghị của những người chung quanh. Tất cả cũng chỉ do mấy con ngáo ộp, trợn mắt phùng mang; những con ngáo ộp trong nước mà chị đã nghe, những con ngáo ộp hải ngoại mà tôi đã thấy, trong bản chất, nào khác gì nhau đâu!

Thư đã dài. 25 năm nay tôi chưa hề viềt cho một người nào lá thư dài như thế này. Mai đây anh chị đi xa, ít nhiều cũng “xa mặt cách lòng”, không biết tình mình, ý mính còn có đậm đà? Như anh đã nói: “hãy nói với nhau khi còn nói được, nghe được” nên tôi dành trọn cuối tuần viết thư này gửi anh chị. Tôi có tật xấu là khi nói hay nói dai, nhất là đối với những người đáng nói tôi hằng qúy mến. Với người đáng nói mà không nói là bỏ mất người. Với người không đáng nói mà nói là phí lời. Tôi sợ mất anh chị nên tôi nói, nhưng liệu tôi nói thì cũng có giữ được anh chị không?

Sau khi bỏ nước ra đi, cuộc sống của tôi chỉ còn thu gọn vào 2 chữ tình nghĩa. Tình cha mẹ con cái, tình anh em chị em, tình vợ chồng, tình bằng hữu, tình giữa người với người… Tôi nghĩ, bây giờ chỉ có cái tình đối với nhau là cứu rỗi được chúng ta mà thôi.

Kể từ ngày gặp lại anh và quen biết chị, tôi ngưỡng mộ cái tình cái nghĩa trong cuộc sống lứa đôi của anh chị, lúc nào cũng như đôi chim bồ câu. Nhà tôi thì chất phác hiền hòa, chỉ biết lo cho chồng con miếng cơm manh áo. Đó là cái diễm phúc tôi có. Mỗi khi thay bộ quần áo mới thấy thơm tho, tôi hiểu mùi thơm đó là do nhà tôi chắt chiu gìn giữ cho tôi. Mỗi khi ăn miếng cơm thấy ngon, tôi biết trong miếng ngon đó có cả một tấm lòng ân cần, vun quén của nhà tôi.

Anh chị Th. thân mến,

Qua những sự việc xảy ra hàng ngày, trước mắt, sau lưng, bên phải, bên trái, phía trên, phía dưới, tôi đâm ra nghi ngờ đủ thứ. Tôi nghi ngờ không biết anh chị có đủ kiên nhẫn đọc hết thư này? không biết anh chị có đọc thư này với một tấm lòng rộng lượng? Có người cho là ly nước nửa vơi, có người cho là ly nước nửa đầy, nhưng cũng có người cho là chẳng phải vơi hay đầy mà là cái ly quá lớn. Nếu anh chị đọc thư này trong cái ý nghĩa đó thì tôi sẽ an tâm và sung sướng vô vàn. Bằng không, xin anh chị thứ lỗi cho.

Tôi tạm dấu, không cho nhà tôi biết nội dung thư này, bởi tôi biết có nhiều đoạn trong thư nhà tôi không muốn tôi viết. Còn tôi, tôi lại không thể dối lòng đối với những người tôi coi là bạn. Nói hay không nói chứ không muốn thốt ra những lời chỉ có tính cách vuốt ve, khách sáo. Thực tình, tôi thấy có bổn phận phải đáp lại mối chân tình anh chị đã dành cho chúng tôi qua những thư từ liên lạc mới đây. Tôi vốn là người lười viết thư vì không biết viết gì, thế mà khi viết cho anh chị thì ý tưởng cứ theo nhau tuôn trào.

Cả đời, tôi không dấu nhà tôi bất cứ chuyện gì. Vài tuần sau tôi cũng sẽ nói cho nhà tôi biết về những điều tôi viết gửi anh chị hôm nay để rồi nghe nhà tôi nói một câu vừa như trách móc vừa như thông cảm: “Thế mà anh không cho em hay!”

Sau hết, xin cám ơn anh chị đã mang đến cho tôi một cơ hội để tưởng nhớ về người Mẹ yếu dấu của tôi.

Với tất cả lòng thương quý của tôi và nhà tôi.
Nguyễn Văn Quý

Đã 30 năm, không, đã 50 năm và nhiều hơn nữa! 

Việt Nam tuy đã thống nhất nhưng nhân dân vẫn lầm than do những sai lầm trầm trọng trong việc trị nước của những người chỉ biết “làm tình với thây ma chiến thắng” (ngôn từ Dương Thu Hương) để vơ vét cho đầy túi tham. Trong khi ấy, những người Việt tại hải ngoại thì lại kèn cựa chống đối nhau hơn là ngồi lại với nhau để tìm phương cách cứu dân cứu nước.

Lòng người vẫn trai đá, đầu óc vẫn đóng sạn, tư duy vẫn quánh đặc, hận thù vẫn triền miên. Biết bao giờ, biết đến bao giờ?...

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *
Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 9 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
        -quýdenver múa bút-

9 - Một chặng đường “xế-nhờ” (senior)


Kể từ ngày gọi là bắt đầu cuộc sống “xế- nhờ”, giữa vợ chồng hắn có thêm nhiều lủng củng. Nói là “thêm nhiều” bởi vì trước kia vợ chồng hắn vốn đã có những lủng củng rồi. Chỉ cái cụm từ “quýdenver múa bút” (dù là không viết hoa) mà vợ chồng hắn cũng lủng củng với nhau suốt cả một buổi chiều.

- Tại sao lại “múa bút”? Anh viết như thế không sợ người ta chê là kênh kiệu à?”

- Mình không phải là người viết văn/làm thơ, nói chung, không phải là người cầm bút, không biết cầm bút... Không phải là người cầm bút, không biết cầm bút thì chỉ còn là người “múa bút” chứ biết gọi là gì nữa.

Vợ hắn có cái tính rất dễ ghét mà cũng rất dễ thương là nghe hắn nói gì, thấy hắn làm gì cũng phản đối cái đã, nhưng rồi sau cùng cũng chiều hắn, mọi chuyện đâu lại vào đó.

Không phải chỉ một lần, mà lần nào đến ông bác sĩ già chưa ra già, trẻ không hẳn trẻ ấy để khám bệnh, hắn cũng được ông khuyên là phải “jogging”.

- Jogging tốt lắm ông ạ. Mỗi ngày chỉ cần jogging chừng nửa tiếng đồng hồ thôi. Nếu ông chịu khó tiếp tục đều như vậy thì chỉ trong vòng nửa tháng ông sẽ cảm thấy tâm trí thoải mái hơn, trí tuệ minh mẫn hơn, ăn uống ngon miệng hơn, đêm ngủ yên giấc hơn, chân tay co duỗi dễ dàng hơn, và… nếu ông kéo thêm được bà xã đi theo để thủ thỉ chuyện này chuyện nọ thì chẳng còn gì tuyệt bằng.

Nghe ông bác sĩ khuyên, hắn khoái, muốn bật cười thành tiếng nhưng nhớ đến câu nói của vợ, hắn lại thôi:

- Em thấy có lúc anh cười mà như không phải cười, miệng cứ méo xẹo, trông thật tội nghiệp.

Phải nói ngay để tránh hiểu lầm (cụm từ “tránh hiểu lầm” được dùng đến khá nhiều nhưng hình như hiểu lầm vẫn không tránh được !) rằng cái ông bác sĩ ấy đối với hắn là chỗ quen biết từ lâu, tuy không phải là đôi bạn thân thiết nhưng cũng đủ thân để có thể nói với nhau đôi câu đùa cợt mà không sợ làm phiền lòng nhau. Vì là chỗ quen biết nên mỗi khi khuyên hắn điều gì ông bác sĩ thường tế nhị, pha thêm tí đùa cợt có lẽ là để cho người chỉ có tú tài 1 như hắn được thoải mái - một điều mà nhiều người có bằng cấp đầy mình khác không học được, hay đã học nhưng lại quên mất. “Bằng cấp là tất cả những gì còn lại sau khi đã quên hết những gì học được ở nhà trường!”. Đã chẳng có người nói như vậy đấy sao.

Hắn vốn hay đa nghi, không phải do tính bẩm sinh từ khi lọt lòng mẹ mà là khởi đi từ những điều mắt thấy tai nghe xẩy ra hàng ngày trong cái gọi là cộng đồng tỵ nạn nơi xứ lạ quê người này. Có người thêm vào 2 tiếng “chính trị” - tỵ nạn chính trị - cho nó oai phong, hoành tráng thêm một tí. Cái tính đa nghi ấy đã khiến hắn chần chừ mãi, nhưng rồi suy đi tính lại: là con bệnh hắn không nghe bác sĩ thì nghe ai?

Thế là hắn dắt vợ đi shopping, sắm giầy, sắm quần, sắm áo. Đến chỗ trưng bày quần áo jogging của phụ nữ, hắn lựa một bộ rồi đưa cho vợ:

- Anh thấy bộ này màu trang nhã, em mang vào fitting room đề thử xem sao.

- Cái gì? Ai mà mua mấy cái của khỉ ấy, mua để làm gì? Em không thử đâu.

- Em cứ lẫn lộn giữa người với khỉ, nhìn đâu cũng thấy khỉ. Cái này đâu phải là của khỉ mà là của người đấy. Thế em không nghe ông bác sĩ khuyên anh phải jogging và nếu kéo được em đi theo thì chẳng còn gì tuyệt bằng đấy sao?

Thì đã bảo, vợ hắn có cái tính rất dễ ghét mà cũng rất dễ thương là nghe hắn nói gì, thấy hắn làm gì cũng phản đối cái đã, nhưng rồi sau cùng cũng chiều hắn, mọi chuyện đâu lại vào đó.

Thế rồi, cuộc đời vợ chồng hắn lững lờ trôi chảy với nhũng buổi sớm “jogging”, với những câu chuyện thủ thỉ. Cũng có nhiều bữa đực bữa cái với những câu chuyện thủ thỉ ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai, nhưng hắn cho đó là chuyện nhỏ. Thực ra, vợ chồng hắn cũng chẳng có chuyện gì nhớn để thủ thỉ với nhau, hay nếu có thì những chuyện nhớn bây giờ của vợ chồng hắn cũng không ngoài việc hỏi han nhắc nhở nhau mấy câu lỉnh cà lỉnh kỉnh: “ngủ được không, uống thuốc chưa, chân còn đau không, hết sổ mũi chưa?”….

Từ ngày bắt đầu cuộc sống “xế-nhờ” vợ chồng hắn đến thăm bác sĩ nhiều hơn và thuốc mua về cũng nhiều hơn. Mỗi lần nghe vợ nhắc nhở uống thuốc hắn lại đến tủ thuốc (nói là tủ thuốc cho nó sang nhưng thực ra chỉ là cái bàn ngủ kê bên cạnh đầu giường), mở ngăn kéo, bới đống chai lọ ngổn ngang rồi loạng quạng tìm cặp kính, mở chai này, đóng lọ kia…

- Anh ơi, cái cặp kính ở ngay trước mặt kia kìa, chai thuốc xanh chứ đâu phải lọ thuốc vàng.

Hắn có một trí nhớ rất kém, chẳng bao giờ nhớ được tên thuốc. Cũng may là những thuốc bác sĩ kê cho hắn đều có những hình dạng, màu sắc khác nhau. Thôi thì, cứ gọi là thuốc xanh, thuốc vàng, thuốc tròn, thuốc vuông cho nó tiện.

Hắn với tách nước trà vợ hắn vẫn thường pha cho hắn mỗi buổi sáng, đưa thuốc vào mồm uống rồi tháo gỡ cặp kính. Chưa kịp đặt xuống thì vợ hắn nhắc:

- Đừng để đấy rồi lại đi tìm, anh ơi.

Vợ hắn vẫn gọi hắn bằng tiếng anh. Chính tiếng anh này đã khiến hắn không bao giờ giận vợ được lâu thảng có điều gì làm hắn giận vợ. Hắn cất cặp kính vào chỗ, nghĩ đến câu chuyện đọc thấy ở đâu đó kể rằng có một anh chàng nọ vừa cận vừa viễn, đã phải xắm tới 3 cặp kính cho chắc ăn: một cặp kính nhìn gần, một cặp kính nhìn xa, và một cặp kính để phân biệt cặp kính nào nhìn gần, cặp kính nào nhìn xa. Hắn cũng vừa cận vừa viễn và hắn chỉ có một cặp kính. Giá có được 3 cặp kính như cái anh chàng kể trên thì chắc là bớt loạng quạng. Ước ao vậy, hắn định cười nhưng lại thôi.

Thấm thoắt đã được đúng một năm kể từ mùa hạ năm ngoái, khi vợ chồng hắn rời bỏ cái xứ “Mù cơn gió núi lùa ngang phố / Lu ngọn đèn đường lẩn dưới mây” đề di chuyển sang Cali xa lạ này. Với hắn, Cali luôn luôn là một nơi chốn xa lạ, chẳng bao giờ có thể trở thành thân quen:

Ôi, những buổi chiều Cali cuối hạ
Ngần ngật hơi người sao thấy bơ vơ
Giữa tiếng nói cười mà lòng cứ ngẩn ngơ
Lúc đến lúc đi vẫn quên đường lạc phố…

Sau vài tháng tá túc tại nhà vợ chồng một người cháu, vợ chồng hắn lang thang đi kiếm nhà để mướn. Ghé chỗ nào cũng chỉ là để ghi tên vào waiting list. Những nơi có thể mướn được ngay thì lại quá cái túi tiền của vợ chồng hắn.

- Sorry, chúng tôi không còn căn nào trống, waiting list chúng tôi hiện đang có là 480 người.

- Xin cho tôi được là ngươi thứ 481 trong waiting list.

Hắn mở bút ghi tên, lòng dửng dưng, không buồn không vui.

Một hôm, đúng ra là ngày thứ năm, 31 tháng 5, hắn tình cờ thấy một building mới cất, có cái bảng đề là Senior Center với 4 quả bóng hơi xanh đỏ bay trên đầu những sợi giây gắn trước cổng. Vợ hắn thúc hắn vào coi xem sao, may ra…, “nếu hết chỗ thì người ta treo bong bóng làm gì...”

Hắn tìm chỗ đậu xe, bước vào văn phòng. Một bà Mỹ vừa giải thích vừa chuyển giấy tờ cho một cặp vợ chồng người Á Đông để ký, vui vẻ chào hắn‎.

- “Chào buổi chiều !”. Ông muốn mướn nhà? Xin ông chờ vài phút.

- Vâng, cám ơn bà.

Hắn trả lời rồi kéo vợ ngồi xuống. Ngước mắt nhìn lên tấm bảng đen thấy ghi hàng chữ only 3 available, hắn bấm tay vợ thì thầm: “may quá, em ạ.”.

Vợ chồng người Á Đông đã ký‎ xong giấy tờ, bà Mỹ đứng lên, với chùm thìa khóa:

- Mời ông bà theo tôi lên coi nhà. Chúng tôi chỉ còn 3 căn trống. Một căn đã có người đặt cọc, hôm nay họ phải đến nhưng chưa thấy họ đến. Chúng tôi tạm dành cho họ tới ngày mai. Như vậy là chỉ còn 2 căn. Nếu ông bà muốn thì phải mướn ngay ngày hôm nay. Ngày mai chắc là không còn.

Vợ chồng hắn líu ríu theo bà Mỹ, mừng quá, không biết nói gì.

Ngôi building có 4 tầng, 2 căn còn trống đều ở trên tầng 4. Hắn bàn với vợ xem chọn căn nào. Vợ hắn chọn căn góc vì có tới 3 cửa sổ cho nó thoáng. Ít ra thì vợ chồng hắn cũng vẫn còn có được một sự lựa chon.

- Ông bà muốn căn nào?

- Căn ở góc building.

- Tiền đặt cọc là $700.00, tiền mướn nhà là $974.00 mỗi tháng. Tiền đặt cọc có thể trả bằng ngân phiếu cá nhân, nhưng tiền mướn nhà tháng đầu phải trả bằng money order. Nếu ông bà trả tiền mướn nhà ngày hôm nay thì được bớt $300.00 cho tháng đầu, tức là chỉ phải trả $674.00. Ngày mai sang tháng mới trả thì không được bớt nữa.

Bớt $300.00, dễ gì kiếm được $300.00! Hắn nhìn vợ mừng rỡ, nhưng vợ chồng hắn chỉ mang theo ít tiền mặt và ngân phiếu cá nhân mà không có đủ tiền mặt để mua money order. Hắn bàn với vợ:

- $300.00 cũng to đấy nhưng chỉ còn hơn nửa giờ là hết giờ làm việc, làm sao mà đến nhà băng mua money order cho kịp. Hôm nay mình đành ký‎ ngân phiếu đặt cọc, mai mua money order đến trả tiền nhà vậy. Mướn được căn nhà này là phúc lắm rồi.

- Anh thử điện thoại cho anh chị Thung xem anh chị ấy có giúp được gì không. Nhà anh chị ấy ở gần đây mà.

Hắn thò túi móc cái điện thoại cầm tay và không ngạc nhiên khi được vợ chồng người bạn giúp giải quyết mọi chuyện kịp thời và xuông xả.

Đêm hôm ấy hắn không ngủ được. Hắn nhớ đến mấy câu thơ tiễn đưa vợ chồng người bạn chuyển đổi sang Cali, bỏ vợ chồng hắn ở lại Denver khoảng mươi năm trước:

Thung Yến đi rồi, đi thật rồi
Denver còn lại một mình tôi
Ngày lên không thấy vàng trong nắng
Chiều xuống loanh quanh đứng lại ngồi

Bây giờ vợ chồng hắn cũng sang Cali và trong cái đến cái đi... hắn cảm thấy hạnh phúc vẫn có được một con đường không lạc, một căn phố không quên.

Với căn nhà mới mướn này, chặng đường “xế-nhờ” của vợ chồng hắn mới thực sự bắt đầu và đúng nghĩa. Hắn nhớ, ngày xưa khi còn là một học sinh ở Hànội, có một thời hắn ở chung với một người bạn trên một căn gác nhỏ chênh vênh ở phố Hàng Đường xế chợ Đồng Xuân mà hắn thường gọi đùa là cái chuồng chim. Căn nhà vợ chồng hắn mướn hiện nay ở mãi góc trên cùng phía tây bắc của một cái building cao ngất, và theo một cách nghĩ, cũng chênh vênh như cái chuồng chim. Nghĩ thế, hắn khoái, định cười nhưng rồi lại thôi.

Ngôi building Senior Center này có gần một trăm gia đình. Nói là gia đình nhưng hầu hết mỗi gia đình thường chỉ có một hoặc 2 người. Có khoảng một nửa gia đình là người Việt, nửa còn lại là gia đình người Hàn, người Mỹ và người các nước linh tinh khác. Hầu hết những gia đình cư ngụ trong building đều có voucher housing nên chi phải trả một số tiền mướn nhà rất nhỏ. Còn hắn thì phải trả full price. Đó là chưa muốn nói đến cái notice hắn mới nhận, thông báo cho hắn biết tiền mướn nhà sẽ tăng lên tới $1,046.00 kể từ tháng tới.

Vợ chồng hắn mới đến ở có hơn một tháng mà building đã có 3 lần báo động hỏa hoạn. Mọi người tua tủa chạy ra khỏi building. Hắn cũng kéo vợ tuột ba bốn chục bậc thang, chạy ra khỏi building bởi những lúc như thế thì “for your safety” xin dùng đường thang bộ và chớ dùng thang máy. Xe cảnh sát, xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi chạy tới. Giữa đám người “di tản” khỏi building với đủ các sắc da màu tóc, hắn chỉ nghe thấy những tiếng “cái gì thế” chứ tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng “what” nào cả. Hắn chợt nghiệm ra một chân lý: người Mỹ to con nhưng mồm nhỏ, người Việt nhỏ con nhưng mồm to, còn người Hàn thì hắn không nghe thấy nói gì, và nếu họ có nói thì hắn cũng cóc hiểu.

Hắn nhận thấy người Mỹ rất tế nhị. Họ chỉ cho biết lý do mấy cái smoke detector dở chứng mà không cho biết ai đã làm cho chúng dở chứng. Cáí l‎ý do khiến mấy cái smoke detector dở chứng là khói bốc lên vì nấu nướng, nói đúng ra là do rán cá chiên tôm với chút ít mắm muối cho đậm đà. Theo sự suy luận của hắn thì người Mỹ nhất định không chiên tôm rán cá ở nhà. Vậy chuyện rán cá chiên tôm là do ai, chẳng nói thì ai cũng biết.

Hắn nhớ, lần báo động hỏa hoạn thứ 3 hắn không rảo bước, cứ thùng thà thủng thỉnh dắt tay vợ như chẳng có sự gì xảy ra, nhưng bà manager lưu ý hắn là dù với lý do gì chăng nữa thì cũng phải rời khỏi building càng nhanh càng tốt, just in case.

Những tháng sau này hắn không thấy mấy cái smoke detector dở chứng nữa. Chắc cũng là do cái thông cáo dán ở mọi nơi mọi nẻo trong building: “Nếu ai làm cho mấy cái smoke detector dở chứng vì sự bất cẩn trong việc nấu nướng thì sẽ bị phạt $250.00”.

Những lúc rảnh rỗi hắn thường ngồi bên cửa sồ quan sát và nghiệm ra rằng khi gặp người nào mà thấy lơ đi hay quay đi phía khác thì hắn biết đó là người Việt, gặp người nào thấy nói Hello thì hắn biết đó là người Mỹ, găp người nào cúi đầu thì hắn biết đó là người Hàn. Lẽ dĩ nhiên, hắn cũng biết nhập gia thì phải tùy tục. Ai lơ đi, quay đi thì hắn cũng lơ đi, quay đi, ai nói Hello thì hắn cũng nói Hello và ai cúi đầu thì hắn cũng cúi đầu.

Một lần, đọc quảng cáo thấy chợ Value Plus cách nhà hai quãng phố có cam rất ngon ngọt và giảm giá, (10 lb mà chỉ có 99 xu), vợ hắn bắt hắn lái xe đến để mua. “Mua cam để ăn trừ cơm cũng được”, vợ hắn giải thích. Vợ chồng hắn xách 4 túi nylon đầy cam ra quầy hàng trả tiền thấy tổng số tiền trả là $5.16 thì hắn biết ngay là 4 cái túi cam đó nặng hơn 50 lb. Về đến nhà, hắn mở cóp xe sau, san sẻ 4 túi cam thành 2 túi nặng, 2 túi nhẹ. Hắn đưa 2 túi nhẹ cho vợ xách và hắn xách 2 túi nặng. Vừa đi hết nửa sân đậu xe, sắp tới cửa building hắn bỗng gặp một người cúi thấp đầu chào rất lịch sự, hắn cũng cúi thấp đầu rất lịch sự nhưng khi đứng người lên để đi thì thấy vợ hắn chạy đến đỡ giùm hắn 2 túi cam và mặt hắn tái mét. Thì ra cái cúi đầu của hắn đã khiến cho 2 túi cam như nặng thêm đến cả chục lb. Nghĩ đến cái cúi đầu nhiều khi hắn cũng định cười nhưng rồi lại thôi.

Một lần khác, từ trên cửa sổ nhìn xuống thiên hạ phía dưới, hắn thấy một ông già người Á Đông, chạc tuổi hắn, lau đi chùi lại chiếc xe cũng màu đen như xe của hắn, mà chẳng để tâm đến dáng trời đổi màu với những dấu hiệu báo trời sắp mưa. Lau chùi xong, ông quay bước đi rồi ngoảnh lại, quay đi rồi ngỏanh lại nhiều lần như thế, và sau cùng, chừng như có điều gì chưa vừa‎ ý, ông quay lại mở cóp xe sau, lấy rẻ ra lau chùi nữa. Hắn gọi vợ tới ngồi bên cạnh để cùng quan sát thì vợ hắn mỉm cười, vỗ nhẹ vào vai hắn:

- Đó là hình ảnh của anh đấy. Đừng cười, anh ơi. Khi rảnh rỗi thì người ta moi chuyện ra để làm dù cho những chuyện làm đó đôi lúc chẳng ăn nhập vào đâu, huống hồ việc lau xe cũng là một việc thể thao, giải trí chứ đâu phải một chuyện chẳng ăn nhập vào đâu.

- Anh cũng nghĩ đó có thể là hình ảnh của anh nên gọi em lại cùng coi chứ anh đâu dám cười.

Hắn ở Mỹ đã khá lâu, hơn 30 năm chứ nào có ít. Ấy vậy mà hắn vẫn chưa quen với thang máy. Thực tình thì hắn không thích dùng thang máy. Tuy có nhanh hơn, tiện hơn, và đỡ mỏi chân hơn nhưng bước vào hộp thang máy với 4 bức tường kín mít, chẳng biết đi đâu vẫn thường mang đến trong đầu óc hắn cái ý nghĩa mơ hồ, mù mịt. Bấm vào cái nút rồi chờ, chẳng biết nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Không may, nó dở chứng giữa đường, không thèm leo lên hay tụt xuống thì tình thế lại càng mù mịt hơn.

Ở đời, có những cái mình không thích nhưng rồi có ngày cũng phải thích. Việc không thích nhưng vẫn phải thích dùng thang máy của hắn là một thí dụ.

Trong những ngày đầu hắn không dùng thang máy mà chỉ dùng đường thang bộ. Mỗi tầng có 16 bậc thang, như vậy là hắn phải bước 48 bậc thang để lên đến tầng 4. Vợ hắn thì lại thích dùng thang máy và mỗi lần đi đâu về vợ hắn thường vào nhà trước. Hắn không quan tâm đến chuyện trước sau này. Mỗi lần như thế hắn có vẻ khoái trí, nói với vợ:

- Anh thấy cũng như là jogging mà thôi. Bác sĩ đã chẳng khuyên mình nên jogging đấy sao!

- Cũng tốt thôi. Anh cố gắng đi. Chỉ sợ không được một tháng.

Khoảng một tháng sau, sau khi ra phố trở về nhà, thấy hắn bước vào thang máy chứ không đi bằng đường thang bộ, vợ hắn khúc khích cười nhưng không nói gi. Hắn cũng không nói gì. Thang máy vừa chuyển dịch được một tý thì ngưng, cửa mở, một người bườc vào và hắn bước ra. Vợ hắn chạy ra kéo hắn lại nhưng không kịp, thang máy đã đóng cửa và tiếp tục di chuyển.

- Anh ơi, đây mới là tầng 2, mình ở trên tầng 4 cơ mà.

- Thế à, lôi thôi nhỉ.

Vợ hắn quay lại bấm số gọi thang máy. Chờ mãi không thấy cửa thang máy mở, hắn sốt ruột:

- Sao lâu thế?

- Nó đang trên đường lên tầng 4 rồi mới trở xuống, nên hơi lâu đấy mà.

Thì ra thế! Kể từ đó, hắn bắt đầu thích dùng thang máy.

Cứ thế, một chặng đường “xế-nhờ” của hắn theo ngày tháng trôi qua, thản nhiên, không vui không buồn. Mọi chuyện lâu rồi cũng quen. Những chuyện không thích rồi cũng có ngày biến thành thích. Cũng như trường hợp của hắn: bây giờ thì hắn bắt đầu thích dùng thang máy.

Vùng đất lạ, cận tháng tư 2008

* * *