Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 9 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
        -quýdenver múa bút-

9 - Một chặng đường “xế-nhờ” (senior)


Kể từ ngày gọi là bắt đầu cuộc sống “xế- nhờ”, giữa vợ chồng hắn có thêm nhiều lủng củng. Nói là “thêm nhiều” bởi vì trước kia vợ chồng hắn vốn đã có những lủng củng rồi. Chỉ cái cụm từ “quýdenver múa bút” (dù là không viết hoa) mà vợ chồng hắn cũng lủng củng với nhau suốt cả một buổi chiều.

- Tại sao lại “múa bút”? Anh viết như thế không sợ người ta chê là kênh kiệu à?”

- Mình không phải là người viết văn/làm thơ, nói chung, không phải là người cầm bút, không biết cầm bút... Không phải là người cầm bút, không biết cầm bút thì chỉ còn là người “múa bút” chứ biết gọi là gì nữa.

Vợ hắn có cái tính rất dễ ghét mà cũng rất dễ thương là nghe hắn nói gì, thấy hắn làm gì cũng phản đối cái đã, nhưng rồi sau cùng cũng chiều hắn, mọi chuyện đâu lại vào đó.

Không phải chỉ một lần, mà lần nào đến ông bác sĩ già chưa ra già, trẻ không hẳn trẻ ấy để khám bệnh, hắn cũng được ông khuyên là phải “jogging”.

- Jogging tốt lắm ông ạ. Mỗi ngày chỉ cần jogging chừng nửa tiếng đồng hồ thôi. Nếu ông chịu khó tiếp tục đều như vậy thì chỉ trong vòng nửa tháng ông sẽ cảm thấy tâm trí thoải mái hơn, trí tuệ minh mẫn hơn, ăn uống ngon miệng hơn, đêm ngủ yên giấc hơn, chân tay co duỗi dễ dàng hơn, và… nếu ông kéo thêm được bà xã đi theo để thủ thỉ chuyện này chuyện nọ thì chẳng còn gì tuyệt bằng.

Nghe ông bác sĩ khuyên, hắn khoái, muốn bật cười thành tiếng nhưng nhớ đến câu nói của vợ, hắn lại thôi:

- Em thấy có lúc anh cười mà như không phải cười, miệng cứ méo xẹo, trông thật tội nghiệp.

Phải nói ngay để tránh hiểu lầm (cụm từ “tránh hiểu lầm” được dùng đến khá nhiều nhưng hình như hiểu lầm vẫn không tránh được !) rằng cái ông bác sĩ ấy đối với hắn là chỗ quen biết từ lâu, tuy không phải là đôi bạn thân thiết nhưng cũng đủ thân để có thể nói với nhau đôi câu đùa cợt mà không sợ làm phiền lòng nhau. Vì là chỗ quen biết nên mỗi khi khuyên hắn điều gì ông bác sĩ thường tế nhị, pha thêm tí đùa cợt có lẽ là để cho người chỉ có tú tài 1 như hắn được thoải mái - một điều mà nhiều người có bằng cấp đầy mình khác không học được, hay đã học nhưng lại quên mất. “Bằng cấp là tất cả những gì còn lại sau khi đã quên hết những gì học được ở nhà trường!”. Đã chẳng có người nói như vậy đấy sao.

Hắn vốn hay đa nghi, không phải do tính bẩm sinh từ khi lọt lòng mẹ mà là khởi đi từ những điều mắt thấy tai nghe xẩy ra hàng ngày trong cái gọi là cộng đồng tỵ nạn nơi xứ lạ quê người này. Có người thêm vào 2 tiếng “chính trị” - tỵ nạn chính trị - cho nó oai phong, hoành tráng thêm một tí. Cái tính đa nghi ấy đã khiến hắn chần chừ mãi, nhưng rồi suy đi tính lại: là con bệnh hắn không nghe bác sĩ thì nghe ai?

Thế là hắn dắt vợ đi shopping, sắm giầy, sắm quần, sắm áo. Đến chỗ trưng bày quần áo jogging của phụ nữ, hắn lựa một bộ rồi đưa cho vợ:

- Anh thấy bộ này màu trang nhã, em mang vào fitting room đề thử xem sao.

- Cái gì? Ai mà mua mấy cái của khỉ ấy, mua để làm gì? Em không thử đâu.

- Em cứ lẫn lộn giữa người với khỉ, nhìn đâu cũng thấy khỉ. Cái này đâu phải là của khỉ mà là của người đấy. Thế em không nghe ông bác sĩ khuyên anh phải jogging và nếu kéo được em đi theo thì chẳng còn gì tuyệt bằng đấy sao?

Thì đã bảo, vợ hắn có cái tính rất dễ ghét mà cũng rất dễ thương là nghe hắn nói gì, thấy hắn làm gì cũng phản đối cái đã, nhưng rồi sau cùng cũng chiều hắn, mọi chuyện đâu lại vào đó.

Thế rồi, cuộc đời vợ chồng hắn lững lờ trôi chảy với nhũng buổi sớm “jogging”, với những câu chuyện thủ thỉ. Cũng có nhiều bữa đực bữa cái với những câu chuyện thủ thỉ ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai, nhưng hắn cho đó là chuyện nhỏ. Thực ra, vợ chồng hắn cũng chẳng có chuyện gì nhớn để thủ thỉ với nhau, hay nếu có thì những chuyện nhớn bây giờ của vợ chồng hắn cũng không ngoài việc hỏi han nhắc nhở nhau mấy câu lỉnh cà lỉnh kỉnh: “ngủ được không, uống thuốc chưa, chân còn đau không, hết sổ mũi chưa?”….

Từ ngày bắt đầu cuộc sống “xế-nhờ” vợ chồng hắn đến thăm bác sĩ nhiều hơn và thuốc mua về cũng nhiều hơn. Mỗi lần nghe vợ nhắc nhở uống thuốc hắn lại đến tủ thuốc (nói là tủ thuốc cho nó sang nhưng thực ra chỉ là cái bàn ngủ kê bên cạnh đầu giường), mở ngăn kéo, bới đống chai lọ ngổn ngang rồi loạng quạng tìm cặp kính, mở chai này, đóng lọ kia…

- Anh ơi, cái cặp kính ở ngay trước mặt kia kìa, chai thuốc xanh chứ đâu phải lọ thuốc vàng.

Hắn có một trí nhớ rất kém, chẳng bao giờ nhớ được tên thuốc. Cũng may là những thuốc bác sĩ kê cho hắn đều có những hình dạng, màu sắc khác nhau. Thôi thì, cứ gọi là thuốc xanh, thuốc vàng, thuốc tròn, thuốc vuông cho nó tiện.

Hắn với tách nước trà vợ hắn vẫn thường pha cho hắn mỗi buổi sáng, đưa thuốc vào mồm uống rồi tháo gỡ cặp kính. Chưa kịp đặt xuống thì vợ hắn nhắc:

- Đừng để đấy rồi lại đi tìm, anh ơi.

Vợ hắn vẫn gọi hắn bằng tiếng anh. Chính tiếng anh này đã khiến hắn không bao giờ giận vợ được lâu thảng có điều gì làm hắn giận vợ. Hắn cất cặp kính vào chỗ, nghĩ đến câu chuyện đọc thấy ở đâu đó kể rằng có một anh chàng nọ vừa cận vừa viễn, đã phải xắm tới 3 cặp kính cho chắc ăn: một cặp kính nhìn gần, một cặp kính nhìn xa, và một cặp kính để phân biệt cặp kính nào nhìn gần, cặp kính nào nhìn xa. Hắn cũng vừa cận vừa viễn và hắn chỉ có một cặp kính. Giá có được 3 cặp kính như cái anh chàng kể trên thì chắc là bớt loạng quạng. Ước ao vậy, hắn định cười nhưng lại thôi.

Thấm thoắt đã được đúng một năm kể từ mùa hạ năm ngoái, khi vợ chồng hắn rời bỏ cái xứ “Mù cơn gió núi lùa ngang phố / Lu ngọn đèn đường lẩn dưới mây” đề di chuyển sang Cali xa lạ này. Với hắn, Cali luôn luôn là một nơi chốn xa lạ, chẳng bao giờ có thể trở thành thân quen:

Ôi, những buổi chiều Cali cuối hạ
Ngần ngật hơi người sao thấy bơ vơ
Giữa tiếng nói cười mà lòng cứ ngẩn ngơ
Lúc đến lúc đi vẫn quên đường lạc phố…

Sau vài tháng tá túc tại nhà vợ chồng một người cháu, vợ chồng hắn lang thang đi kiếm nhà để mướn. Ghé chỗ nào cũng chỉ là để ghi tên vào waiting list. Những nơi có thể mướn được ngay thì lại quá cái túi tiền của vợ chồng hắn.

- Sorry, chúng tôi không còn căn nào trống, waiting list chúng tôi hiện đang có là 480 người.

- Xin cho tôi được là ngươi thứ 481 trong waiting list.

Hắn mở bút ghi tên, lòng dửng dưng, không buồn không vui.

Một hôm, đúng ra là ngày thứ năm, 31 tháng 5, hắn tình cờ thấy một building mới cất, có cái bảng đề là Senior Center với 4 quả bóng hơi xanh đỏ bay trên đầu những sợi giây gắn trước cổng. Vợ hắn thúc hắn vào coi xem sao, may ra…, “nếu hết chỗ thì người ta treo bong bóng làm gì...”

Hắn tìm chỗ đậu xe, bước vào văn phòng. Một bà Mỹ vừa giải thích vừa chuyển giấy tờ cho một cặp vợ chồng người Á Đông để ký, vui vẻ chào hắn‎.

- “Chào buổi chiều !”. Ông muốn mướn nhà? Xin ông chờ vài phút.

- Vâng, cám ơn bà.

Hắn trả lời rồi kéo vợ ngồi xuống. Ngước mắt nhìn lên tấm bảng đen thấy ghi hàng chữ only 3 available, hắn bấm tay vợ thì thầm: “may quá, em ạ.”.

Vợ chồng người Á Đông đã ký‎ xong giấy tờ, bà Mỹ đứng lên, với chùm thìa khóa:

- Mời ông bà theo tôi lên coi nhà. Chúng tôi chỉ còn 3 căn trống. Một căn đã có người đặt cọc, hôm nay họ phải đến nhưng chưa thấy họ đến. Chúng tôi tạm dành cho họ tới ngày mai. Như vậy là chỉ còn 2 căn. Nếu ông bà muốn thì phải mướn ngay ngày hôm nay. Ngày mai chắc là không còn.

Vợ chồng hắn líu ríu theo bà Mỹ, mừng quá, không biết nói gì.

Ngôi building có 4 tầng, 2 căn còn trống đều ở trên tầng 4. Hắn bàn với vợ xem chọn căn nào. Vợ hắn chọn căn góc vì có tới 3 cửa sổ cho nó thoáng. Ít ra thì vợ chồng hắn cũng vẫn còn có được một sự lựa chon.

- Ông bà muốn căn nào?

- Căn ở góc building.

- Tiền đặt cọc là $700.00, tiền mướn nhà là $974.00 mỗi tháng. Tiền đặt cọc có thể trả bằng ngân phiếu cá nhân, nhưng tiền mướn nhà tháng đầu phải trả bằng money order. Nếu ông bà trả tiền mướn nhà ngày hôm nay thì được bớt $300.00 cho tháng đầu, tức là chỉ phải trả $674.00. Ngày mai sang tháng mới trả thì không được bớt nữa.

Bớt $300.00, dễ gì kiếm được $300.00! Hắn nhìn vợ mừng rỡ, nhưng vợ chồng hắn chỉ mang theo ít tiền mặt và ngân phiếu cá nhân mà không có đủ tiền mặt để mua money order. Hắn bàn với vợ:

- $300.00 cũng to đấy nhưng chỉ còn hơn nửa giờ là hết giờ làm việc, làm sao mà đến nhà băng mua money order cho kịp. Hôm nay mình đành ký‎ ngân phiếu đặt cọc, mai mua money order đến trả tiền nhà vậy. Mướn được căn nhà này là phúc lắm rồi.

- Anh thử điện thoại cho anh chị Thung xem anh chị ấy có giúp được gì không. Nhà anh chị ấy ở gần đây mà.

Hắn thò túi móc cái điện thoại cầm tay và không ngạc nhiên khi được vợ chồng người bạn giúp giải quyết mọi chuyện kịp thời và xuông xả.

Đêm hôm ấy hắn không ngủ được. Hắn nhớ đến mấy câu thơ tiễn đưa vợ chồng người bạn chuyển đổi sang Cali, bỏ vợ chồng hắn ở lại Denver khoảng mươi năm trước:

Thung Yến đi rồi, đi thật rồi
Denver còn lại một mình tôi
Ngày lên không thấy vàng trong nắng
Chiều xuống loanh quanh đứng lại ngồi

Bây giờ vợ chồng hắn cũng sang Cali và trong cái đến cái đi... hắn cảm thấy hạnh phúc vẫn có được một con đường không lạc, một căn phố không quên.

Với căn nhà mới mướn này, chặng đường “xế-nhờ” của vợ chồng hắn mới thực sự bắt đầu và đúng nghĩa. Hắn nhớ, ngày xưa khi còn là một học sinh ở Hànội, có một thời hắn ở chung với một người bạn trên một căn gác nhỏ chênh vênh ở phố Hàng Đường xế chợ Đồng Xuân mà hắn thường gọi đùa là cái chuồng chim. Căn nhà vợ chồng hắn mướn hiện nay ở mãi góc trên cùng phía tây bắc của một cái building cao ngất, và theo một cách nghĩ, cũng chênh vênh như cái chuồng chim. Nghĩ thế, hắn khoái, định cười nhưng rồi lại thôi.

Ngôi building Senior Center này có gần một trăm gia đình. Nói là gia đình nhưng hầu hết mỗi gia đình thường chỉ có một hoặc 2 người. Có khoảng một nửa gia đình là người Việt, nửa còn lại là gia đình người Hàn, người Mỹ và người các nước linh tinh khác. Hầu hết những gia đình cư ngụ trong building đều có voucher housing nên chi phải trả một số tiền mướn nhà rất nhỏ. Còn hắn thì phải trả full price. Đó là chưa muốn nói đến cái notice hắn mới nhận, thông báo cho hắn biết tiền mướn nhà sẽ tăng lên tới $1,046.00 kể từ tháng tới.

Vợ chồng hắn mới đến ở có hơn một tháng mà building đã có 3 lần báo động hỏa hoạn. Mọi người tua tủa chạy ra khỏi building. Hắn cũng kéo vợ tuột ba bốn chục bậc thang, chạy ra khỏi building bởi những lúc như thế thì “for your safety” xin dùng đường thang bộ và chớ dùng thang máy. Xe cảnh sát, xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi chạy tới. Giữa đám người “di tản” khỏi building với đủ các sắc da màu tóc, hắn chỉ nghe thấy những tiếng “cái gì thế” chứ tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng “what” nào cả. Hắn chợt nghiệm ra một chân lý: người Mỹ to con nhưng mồm nhỏ, người Việt nhỏ con nhưng mồm to, còn người Hàn thì hắn không nghe thấy nói gì, và nếu họ có nói thì hắn cũng cóc hiểu.

Hắn nhận thấy người Mỹ rất tế nhị. Họ chỉ cho biết lý do mấy cái smoke detector dở chứng mà không cho biết ai đã làm cho chúng dở chứng. Cáí l‎ý do khiến mấy cái smoke detector dở chứng là khói bốc lên vì nấu nướng, nói đúng ra là do rán cá chiên tôm với chút ít mắm muối cho đậm đà. Theo sự suy luận của hắn thì người Mỹ nhất định không chiên tôm rán cá ở nhà. Vậy chuyện rán cá chiên tôm là do ai, chẳng nói thì ai cũng biết.

Hắn nhớ, lần báo động hỏa hoạn thứ 3 hắn không rảo bước, cứ thùng thà thủng thỉnh dắt tay vợ như chẳng có sự gì xảy ra, nhưng bà manager lưu ý hắn là dù với lý do gì chăng nữa thì cũng phải rời khỏi building càng nhanh càng tốt, just in case.

Những tháng sau này hắn không thấy mấy cái smoke detector dở chứng nữa. Chắc cũng là do cái thông cáo dán ở mọi nơi mọi nẻo trong building: “Nếu ai làm cho mấy cái smoke detector dở chứng vì sự bất cẩn trong việc nấu nướng thì sẽ bị phạt $250.00”.

Những lúc rảnh rỗi hắn thường ngồi bên cửa sồ quan sát và nghiệm ra rằng khi gặp người nào mà thấy lơ đi hay quay đi phía khác thì hắn biết đó là người Việt, gặp người nào thấy nói Hello thì hắn biết đó là người Mỹ, găp người nào cúi đầu thì hắn biết đó là người Hàn. Lẽ dĩ nhiên, hắn cũng biết nhập gia thì phải tùy tục. Ai lơ đi, quay đi thì hắn cũng lơ đi, quay đi, ai nói Hello thì hắn cũng nói Hello và ai cúi đầu thì hắn cũng cúi đầu.

Một lần, đọc quảng cáo thấy chợ Value Plus cách nhà hai quãng phố có cam rất ngon ngọt và giảm giá, (10 lb mà chỉ có 99 xu), vợ hắn bắt hắn lái xe đến để mua. “Mua cam để ăn trừ cơm cũng được”, vợ hắn giải thích. Vợ chồng hắn xách 4 túi nylon đầy cam ra quầy hàng trả tiền thấy tổng số tiền trả là $5.16 thì hắn biết ngay là 4 cái túi cam đó nặng hơn 50 lb. Về đến nhà, hắn mở cóp xe sau, san sẻ 4 túi cam thành 2 túi nặng, 2 túi nhẹ. Hắn đưa 2 túi nhẹ cho vợ xách và hắn xách 2 túi nặng. Vừa đi hết nửa sân đậu xe, sắp tới cửa building hắn bỗng gặp một người cúi thấp đầu chào rất lịch sự, hắn cũng cúi thấp đầu rất lịch sự nhưng khi đứng người lên để đi thì thấy vợ hắn chạy đến đỡ giùm hắn 2 túi cam và mặt hắn tái mét. Thì ra cái cúi đầu của hắn đã khiến cho 2 túi cam như nặng thêm đến cả chục lb. Nghĩ đến cái cúi đầu nhiều khi hắn cũng định cười nhưng rồi lại thôi.

Một lần khác, từ trên cửa sổ nhìn xuống thiên hạ phía dưới, hắn thấy một ông già người Á Đông, chạc tuổi hắn, lau đi chùi lại chiếc xe cũng màu đen như xe của hắn, mà chẳng để tâm đến dáng trời đổi màu với những dấu hiệu báo trời sắp mưa. Lau chùi xong, ông quay bước đi rồi ngoảnh lại, quay đi rồi ngỏanh lại nhiều lần như thế, và sau cùng, chừng như có điều gì chưa vừa‎ ý, ông quay lại mở cóp xe sau, lấy rẻ ra lau chùi nữa. Hắn gọi vợ tới ngồi bên cạnh để cùng quan sát thì vợ hắn mỉm cười, vỗ nhẹ vào vai hắn:

- Đó là hình ảnh của anh đấy. Đừng cười, anh ơi. Khi rảnh rỗi thì người ta moi chuyện ra để làm dù cho những chuyện làm đó đôi lúc chẳng ăn nhập vào đâu, huống hồ việc lau xe cũng là một việc thể thao, giải trí chứ đâu phải một chuyện chẳng ăn nhập vào đâu.

- Anh cũng nghĩ đó có thể là hình ảnh của anh nên gọi em lại cùng coi chứ anh đâu dám cười.

Hắn ở Mỹ đã khá lâu, hơn 30 năm chứ nào có ít. Ấy vậy mà hắn vẫn chưa quen với thang máy. Thực tình thì hắn không thích dùng thang máy. Tuy có nhanh hơn, tiện hơn, và đỡ mỏi chân hơn nhưng bước vào hộp thang máy với 4 bức tường kín mít, chẳng biết đi đâu vẫn thường mang đến trong đầu óc hắn cái ý nghĩa mơ hồ, mù mịt. Bấm vào cái nút rồi chờ, chẳng biết nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Không may, nó dở chứng giữa đường, không thèm leo lên hay tụt xuống thì tình thế lại càng mù mịt hơn.

Ở đời, có những cái mình không thích nhưng rồi có ngày cũng phải thích. Việc không thích nhưng vẫn phải thích dùng thang máy của hắn là một thí dụ.

Trong những ngày đầu hắn không dùng thang máy mà chỉ dùng đường thang bộ. Mỗi tầng có 16 bậc thang, như vậy là hắn phải bước 48 bậc thang để lên đến tầng 4. Vợ hắn thì lại thích dùng thang máy và mỗi lần đi đâu về vợ hắn thường vào nhà trước. Hắn không quan tâm đến chuyện trước sau này. Mỗi lần như thế hắn có vẻ khoái trí, nói với vợ:

- Anh thấy cũng như là jogging mà thôi. Bác sĩ đã chẳng khuyên mình nên jogging đấy sao!

- Cũng tốt thôi. Anh cố gắng đi. Chỉ sợ không được một tháng.

Khoảng một tháng sau, sau khi ra phố trở về nhà, thấy hắn bước vào thang máy chứ không đi bằng đường thang bộ, vợ hắn khúc khích cười nhưng không nói gi. Hắn cũng không nói gì. Thang máy vừa chuyển dịch được một tý thì ngưng, cửa mở, một người bườc vào và hắn bước ra. Vợ hắn chạy ra kéo hắn lại nhưng không kịp, thang máy đã đóng cửa và tiếp tục di chuyển.

- Anh ơi, đây mới là tầng 2, mình ở trên tầng 4 cơ mà.

- Thế à, lôi thôi nhỉ.

Vợ hắn quay lại bấm số gọi thang máy. Chờ mãi không thấy cửa thang máy mở, hắn sốt ruột:

- Sao lâu thế?

- Nó đang trên đường lên tầng 4 rồi mới trở xuống, nên hơi lâu đấy mà.

Thì ra thế! Kể từ đó, hắn bắt đầu thích dùng thang máy.

Cứ thế, một chặng đường “xế-nhờ” của hắn theo ngày tháng trôi qua, thản nhiên, không vui không buồn. Mọi chuyện lâu rồi cũng quen. Những chuyện không thích rồi cũng có ngày biến thành thích. Cũng như trường hợp của hắn: bây giờ thì hắn bắt đầu thích dùng thang máy.

Vùng đất lạ, cận tháng tư 2008

* * *

No comments:

Post a Comment