Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 11 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenver- 

11 - Tuổi sồn sồn của hắn

Từ một gã học sinh thích đánh đáo, bắn bi, thả diều, đuổi bướm… hơn là thích sách vở, hắn trở thành ông quan để rồi vượt biên sang Mỹ, khệ nệ mang theo hai chữ tỵ nạn to tướng trên vai. Trong cuộc hành trình dọc theo chiều dài của cuộc đời đầy những cái thích cái không thích ấy, hắn cũng có cả đống chuyện để kể lể. Moi móc, lôi kéo ra, viết thành sách này sách nọ, sách dày cả ngàn trang là cái chắc. Nếu khéo léo pha chế chút mắm muối sách có thể khiến người đọc không … xanh mày thì cũng … đỏ mặt !

Có người nói với hắn ông ca sĩ ấy hát bài “Mộng Dưới Hoa” hay nhất, có người nói ông hát bài “Áo Lụa Hà Đông” hay nhất, nhưng hắn lại thích bài ông hát là “Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Hắn làm một Video Clip, upload lên Youtube. Vài tháng sau, một “fan” trên Youtube gửi cho hắn câu chuyện “Tuổi Già Của Tôi”. Thì ra đó là cái “Tuổi già của…” ông ca sĩ.

Hắn không đọc. Hắn không thích đọc những bài viết tương tự bởi trước sau thế nào cũng ít nhiều gặp phải cái mùi hắn kỵ. Mẹ hắn đã chẳng nói hắn tuổi khỉ đấy ư: “Tôi đẻ ra nó mà lại không nhớ sao?”, nhưng chị hắn (con bà cả) thì lại nói hắn tuổi gà: “Tôi đón tay nó mà lại không nhớ sao?”. Ai cũng nhớ nên bây giờ nói hắn tuổi khỉ hay tuổi gà thì cũng đúng thôi.

Thế rồi, khi nhận được câu chuyện này lần thứ hai do một chị bạn thân ở Houston, Texas gửi thì hắn phải đọc, đọc mà lòng cứ dửng dưng mù mờ, chả nhớ tác giả đã nói những gì. Cho mãi đến khi nhận được đôi điều bàn ra tán vào của một người bạn thân khác ở Aurora, Colorado thì hắn mới đọc kỹ và thích thú biết bao khi thấy những điều bàn ra tán vào của người bạn thân đã giúp hắn khám phá ra cái lý do của sự dửng dưng mù mờ trước đó mà hắn chỉ linh cảm thấy chứ không lý giải được.

Dẫu sao thì câu chuyện “Tuổi Già Của Tôi” của ông ca sĩ và những lời bàn đi tán lại của hai anh chị bạn thân nói trên cũng mang đến cho hắn một hứng khởi để kể lể đôi điều, không phải vể cái tuổi già của hắn bây giờ mà về cái “Tuổi sồn sồn của hắn” trước kia.

Hôm đó là ngày cuối tháng 4/1975, sau khi “ra tù” (Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời – 5 - Tháng tư bát nháo) hắn thất thểu lên Bộ Tư Lệnh KQ để nghe ngóng. Diệm mộc tồn ngăn hắn lại: “Mày vừa bị tù ra, lên gặp chúng nó làm gì!” Hắn không nghe, lên Bộ Tư Lệnh thấy các tướng có mặt đầy đủ (Kỳ, Minh, Lành, Loan, Linh, Dinh, Tần…) và có cả hai ông tướng bên Lục Quân cùng nhiều quan to khác. Thấy hắn, xếp chạy lại nói nhỏ ra cái điều vỗ về, an ủi: “Toa yên tâm, 10 chiếc C130 đã sẵn sàng chờ lệnh nếu có chuyện gì xảy ra…”. Hắn cười, nghĩ thầm: “Nếu có chuyện gì xảy ra thì họ cất cánh với vợ con chứ sức mấy mà chờ lệnh.”

Hắn thu mình trong chiếc ghế bành cũ góc phòng vừa ngủ gà ngủ gật, vừa nghe ngóng. Vợ con hắn đi rồi, giờ này đang trên đảo Guam. Hắn nghe tin như thế, chả biết có đúng không nhưng cũng thấy yên tâm một phần. Hắn nghĩ đến cái hôm đưa vợ con sang DAO đi Mỹ, bà người Mỹ được chỉ đinh lo cho vợ con hắn đã chỉ vào 2 bông mai trắng trên vai hắn, nói nhỏ: “Gỡ bỏ cái này đi rồi cùng sang Mỹ mà lo cho vợ con”. Hắn không nghe, nhỏ nước mắt từ biệt vợ con, quay về sở để sau đó vào ngồi tù, chút nữa bị tước lon đưa ra sân cờ xử bắn và giờ này thu mình ngồi đây nghe ngóng.

Hắn đưa tay sờ khẩu súng P38 ngắn nòng đeo bên hông. Gần 22 năm đời lính hắn chưa bắn chết một tên giặc nào. Khi Ngô Đình Diêm quyết đinh đánh Bình Xuyên, hắn được chỉ định mang một trung đội (tăng cường bởi một bộ phận súng nặng không giật 57 ly) vượt cầu chữ Y tiến chiếm tư dinh Bẩy Viễn. Từ bờ sông bên này, hắn quyết định sẽ tự tay bắn một phát súng không giật 57 ly vào tư dinh Bẩy Viễn như là một cú phủ đầu. Hắn loay hoay nạp đạn, điều chỉnh ống nhắm, bóp cò. Sau tiếng nổ inh tai nhức óc, hắn thấy viên đạn hùng dũng vụt thoát ra khỏi nòng súng, rơi nổ giữa… lòng sông! Anh Trung Sĩ Nhất truyền tin cười tình với hắn: “Trung Úy không có tay sát người, suốt đời binh nghiệp Trung Úy không thể lên tướng được đâu!”.Rồi hắn ngâm nga: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”

Khi tiến sang bên kia đầu cầu chữ Y, hắn dẫn trung đội xông vào tư dinh Bẩy Viễn thì Bẩy Viễn đã đi khỏi từ hồi nào. Anh Trung Sĩ Nhất truyền tin nói không sai, quả là hắn không có tay sát người. Sau đó hắn đựơc lệnh mang trung đội đến trấn giữ cầu Nhị Thiên Đường, nhường tư dinh Bẩy Viễn cho một đơn vị khác chiếm đóng mà chả phải bắn thêm một viên đạn nào. Nghe đâu, đơn vị này đã khám phá ra một căn nhà chứa đầy bạc của Bảy Viên rồi lấy chia nhau. Hắn chép miệng tiếc hùi hụi.Hắn ngồi đấy miên man suy nghĩ, bây giờ nếu phải hành động hắn sẽ nhất định không nương tay và viên đạn cuối cùng sẽ dành cho hắn. Nghĩ thì nghĩ vậy, chả biết đến lúc đó hắn có đủ can đảm không!

Gần trưa, hắn bừng tỉnh khi nghe Tướng Kỳ nói: “Mấy C130 đã cất cánh hết rồi, mình phải đi, nếu chậm sẽ không còn phương tiện”. Ông ra xe jeep. Lên xe cùng ông có 2 người nữa trong đó có ông tướng lục quân. Hắn nhảy lên pickup bám sát sau xe tướng Kỳ. Khi xe ông vào khỏi cổng tư dinh (trong BTL cũ) thì cổng đóng lại, không ai vào theo được.

Hắn chợt nhớ đến “chương trình ra đi” của một số anh em trực thăng, lập tức quay xe. Chưa biết hướng về ngõ ngách nào thì Triệu (An Ninh) ngừng xe hỏi hắn: “Anh biết cách nào để đi không?” Thấy xe jeep của Triệu trang bị súng trung liên và còi hụ, hắn bỏ xe pickup nhảy lên xe của Triệu, bảo Triệu đưa cho hắn khẩu M16 gài bên cạnh ghế. Hắn lên đạn, nói với Triệu: “Tôi có chương trình đi, từ đây anh phải nghe theo tôi nếu không sẽ hỏng việc.” Triệu phản ứng: “Anh có chương trình đi thì tôi theo anh, làm gì mà dữ dằn thế.”

Hắn bảo Trịệu chạy sang SD5KQ mà không biết sau đó chuyện gì đã xảy ra đối với những người đang kẹt lại tại đây. Sau này Phong híp cho hắn biết hầu hết mọi người quay sang DAO với nhiều chuyện dở cười dở khóc. Khi đến cổng SD5KQ thì gặp Dinh (có võ) dơ tay ngoắc. Hắn nghĩ, nếu có thêm ngôi sao trên vai của ông này thì việc chạy đi chạy lại sẽ dễ dàng hơn nên bảo Triệu ngưng lại. Hắn nhường Dinh ngồi ghế trước, nhảy xuống ngồi phía sau để dễ hành động khi cần.

Trong thời gian nghiên cứu thực hiện giá súng để trang bị Minigun lên UH1, hắn đã làm việc rất gần gũi với trực thăng, nhiều lần bay trực thăng để trắc nghiệm đồng thời huấn luyện các xạ thủ phi hành nên quen nhiều xạ thủ trực thăng và một số hoa tiêu trực thăng cấp nhỏ. Trong những ngày giữa tháng 4, hắn được anh em tiết lộ cho biết có một “chương trình ra đi” của một số anh em trực thăng nếu có chuyện gì xảy ra, đồng thời họ còn cho hắn một ám hiệu để nhận nhau. Nói là có chương trình nhưng thực ra cũng rất mơ hồ, nhưng trong giây phút sinh tử lúc đó hắn đành coi như một hy vọng cuối cùng để bám víu.

Sang đến SD5KQ, chạy quanh một chút hắn thấy một chiếc Chinook với 2 cánh quạt đang quay, một bánh bị bẹp và cửa sau vẫn hạ mở. Nhìn vào trực thăng thấy chật ních người, ngổn ngang xe đạp và có cả một chiếc vespa. Hắn bảo Triệu ngưng lại, đưa tay ra ám hiệu thì nhận được trả lời. Hắn nhảy xuống xe, leo lên trực thăng, quay lại nói với Dinh và Triệu: “Đây là chương trình đi của tôi, các ông muốn đi hay không tuỳ ý.” Triệu và Dinh cũng theo hắn trèo lên vừa kịp lúc trực thăng cất cánh. Hắn nhìn qua cửa sổ thấy Liêm (chữ bát) và Khải (hoàng hủi) không kịp leo lên, bị rớt xuống. Hắn nghĩ Liêm và Khải bị kẹt lại nhưng sau này hắn thấy cả hai ngừời cũng thoát đi được và đến Mỹ trước hắn.

Hắn chen lấn tới gặp một xạ thủ minigun trực thăng quen biết đang dơ tay vẫy hắn. Hắn hỏi anh ta chương trình đi sẽ như thế nào thì thấy tim như đứng lại khi nghe anh ta nói: “Em thấy trực thăng thì nhảy lên và thấy Tr/t ra ám hiệu thì trả lời chứ em cũng không rõ đây có phải là chương trình đi của mình không.” Hắn chỉ còn biết tự an ủi: “sống chết đành uỷ thác cho số mệnh thôi”.

Chiếc Chinook ì ạch cất cánh, có lúc hắn tưởng như bị rớt xuống, không cất cánh nổi. Bay qua Nhà Bè thấy trực thăng của Tướng Kỳ đang đổ xăng. Qua khỏi Nhà Bè chừng 15 phút, chiếc Chinook hạ cánh giữa một cánh đồng mà ở đấy hắn thấy khoảng hơn chục chiếc UH1 đậu theo một hàng dài với cánh quat đang quay. Hắn tức tốc nhảy lên một chiếc UH1, quay nhìn xuống đám người khá đông còn đứng nhốn nháo phía dưới, thấy Dinh dơ tay múa võ: “Tôi ra lệnh các anh bay ra Côn Sơn.” Một người trên trực thăng nói vọng xuống: “Bây giờ không còn lệnh lạc gì nữa, muốn đi thì lên!”. Ít phút sau, chiếc máy bay trên đó có hắn và vài cái khác cất cánh. Lại một lần nữa, hắn nghĩ Dinh và nhiều người bị kẹt lại nhưng rồi Dinh cũng thoát đi được.

Anh em trên trực thăng quyết định bay ra Hạm Đội 7, bàn với nhau không biết có nên đến SD4KQ đổ xăng hay không. Sau cùng anh em quyết định ghé Đồng Tâm. Trong dịp này hắn được anh em giao cho nhiệm vụ điều khiển một số anh em khác tháo gỡ Minigun trên các trực thăng cho nhẹ. Thấy mấy anh lính phụ trách đổ xăng trố mắt nhìn mấy chàng KQ tháo súng bỏ đống trên đất, hắn thương quá , móc túi moi hết mấy tập vé xăng trao cho họ (!), rồi đưa mắt nhìn sang khu kế cận thấy một số quân nhân vẫn còn đang thao tập căn bản quân sự bình thường.

Khi trực thăng bay ra biển, mở tín hiệu SOS thì nhân được trả lời của Hạm Đôi 7. Họ cho “cap” để bay tới một chiến hạm mà hắn nghĩ là gần nhất bởi chỉ khoảng hơn một giờ sau thì nhìn thấy chiến hạm. Khi tới gần chiếm hạm, mọi người mừng rỡ thoát nạn nhưng xin đáp mấy lần đều không được phép nên cứ bay vòng mà không biết tại sao. Giữa lúc mọi người nhốn nháo thì nhận được câu hỏi từ chiến hạm yêu cầu cho biết còn bay được bao lâu nữa và qua câu hỏi này anh em suy ra là họ bẳt bay cho cạn xăng mới cho đáp vì vấn đề an toàn.

Rồi trực thăng cũng đáp xuống chiến hạm. Một số quân nhân Mỹ áp tới, ra lệnh cho mọi người dơ tay và nói lớn: “You’re now safe. You no longer need gun.” Họ tước vũ khí và đưa mọi người xuống hm tầu ở đấy hắn thấy có hai ông tướng Biên Hòa: Tính và Bê. Còn chiếc trực thăng thì được họ đẩy xuống biển.

Vài ngày sau, mọi người được chuyển sang một tàu buôn chật đầy người Việt và rất may hắn gập Phong híp để đấu láo qua ngày. Tàu chạy được hơn một ngày thì thấy đất liền hiện ra ở chân trời. Hắn giật mình hỏi Phong híp: “Mới đi có hơn một ngày đã thấy đất liền. Đảo nào vậy hay là… họ đưa mình trở lại VN?”. Nhưng rồi được tin là tàu nhận lệnh quay trở lại để cứu vớt thêm một số người đang lênh đênh trên biển.

Hắn không nhớ là tàu đã chạy mấy ngày đêm để rồi mọi người được đẩy xuống đảo Wake. Trước đó, vợ con hắn được đưa đến đảo Guam, bây giờ hắn cập đảo Wake vì vậy mới có câu thơ tức cảnh sinh tình: “Bây giờ chồng Wake vợ Guam / Nơi này chốn ấy biết làm sao đây?” Được chuyển đến trại tỵ nạn Pendelton, hắn gặp Diệm mộc tồn và nhớ mãi câu phát ngôn bất hủ của Diệm: “Trong đời tao chưa bao giờ thấy sảng khoái như những ngày trong trại tỵ nạn này”

Hắn nhớ đến một chuyện…. trên tàu, nghe cũng rất là sảng khoái.

Ăn thì phải ị…, đó là 2 trong 4 cái khoái của con người. Để thoả mãn cái khoái thứ tư này người ta làm hàng chục cầu tiêu tạm chênh vênh trên thành tàu để bà con trút… xuống biển. “Thứ nhất là ị… ngoài đồng”. Ngày xưa khi còn nhỏ ở nhà quê hắn nghe người ta ví von như vậy, hắn đã thực hành và thấy sảng khoái vô cùng. Nhưng bấy giờ, nhìn dãy cầu tiêu dọc trên thành tàu hắn thấy phải sửa lại câu ví von trên: “Thứ nhất là ị… trên tàu!”. Đúng vậy, chẳng ị… ở đâu khoái bằng i… trên tàu. Vừa mát vì lúc nào gió cũng thổi ào ào, vừa có cái cảm giác mạo hiểm là có thể rơi tọt xuống biển hay nhẹ hơn thì bay mất cái quần cái áo. Gay nhất là giai đọan lau chùi mà chẳng mấy khi… sạch. Khi ấy thì một tay núm chặt thành cầu, một tay lau lau chùi chùi chứ tay đâu mà ôm quần ôm áo.

Thế rồi, có những buổi sáng buổi chiều, hắn và Phong híp rủ nhau ra thành tàu để hưởng gió… mát và xếp hàng chờ đến lượt mình giải quyết cái khoái thứ tư. Một lần, hắn bất chợt nghe thấy tiếng la thất thanh của một bà: “Ối giời ơi, bay mất hết rồi!”. Hắn giật tay Phong híp: “Nghe thấy gì không? Chắc là bà nào để bay mất áo mất quần rồi, biết lấy gì mà che đây!” Nhưng Phong híp đã nhận thấy chuyện gì xảy ra, đưa tay chỉ những tờ giấy nhỏ đang bay trong gió và nổi lênh đênh trên biển, hét to: “Đừng can ngăn tao, mày đừng can ngăn tao! Tao sẽ bay theo gió, tao sẽ lao xuống biển. Ôi, đô la, mi hãy chờ ta.” Hắn phải hết sức kìm Phong híp lại, chỉ sợ Phong híp lao xuống biển hay bay theo gió thì lấy ai để đấu láo!

Một tháng tư bồng bềnh.

Garden Grove, California Thánh Tư 2010

* * *

No comments:

Post a Comment