Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 10 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
  -Koong Sĩ & Cút Vương- 

10 - Chẳng-giống-ai

Lại hắn! Đúng là chẳng giống ai. Có người nói thế, nhiều người nói thế, vợ hắn cũng nói thế - giọng mặn chát Hải phòng (vợ hắn người Hải Phòng): “Đúng là chẳng giống ai. Nhưng nói cho mà nghe. Chẳng giống ai gái này mới đeo đuổi chứ giống ai thì gái này quơ đâu chẳng được!”

Hắn khoái. Dù đó là lời khen hay tiếng chê thì hắn cũng thấy cái chẳng-giống-ai của hắn gợi trong đầu hắn cái ý nghĩ hắn vẫn là hắn, cái tôi của hắn còn đấy, chưa mất nên hắn không phải đi tìm như một ông nhà văn nào đó. Hắn chợt nhớ đến câu chuyện hắn không nhớ đã đọc thấy ở đâu. Cái nhớ, cái không nhớ cứ đan quện vào nhau chẳng biết khi nào nhớ khi nào không nhớ. Nhớ đấy mà không nhớ đấy, không nhớ đấy mà nhớ đấy...!

Tại viện bảo tàng Luân Đôn, Anh Quốc, có tàng trữ một miếng thạch cao hơn 3,800 tuổi, ghi dấu vào thời đó đã có một cuộc đếm người mà ngày nay người ta gọi là kiểm kê nhân số. Hai đế quốc La mã và Ai cập ngày xưa cũng thực hiện những cuộc đếm người để đánh thuế, và cuộc đếm người đầu tiên được thực hiện trên đất Mỹ là vào năm 1790.

Từ những cuộc đếm người như thế, và nhờ vào khả năng điện toán vô biên ngày nay, có người đã tẩn mẩn suy tìm ra nhiều điều thích thú hướng sâu vào tương lai. Chẳng hạn, nếu mức sinh sản của con người trên thế giới tiếp tục như hiện nay thì đến năm 3530 cái khối thịt người, nén lại, sẽ to bằng trái đất, và đến năm 6826 khối thịt người này sẽ nêm chật cái vũ trụ mà các nhà bác học đã khám phá được. Còn nữa, tổng số người trên toàn thế giới vào thời Julius Caesar là 150 triệu, bây giờ 150 triệu là tổng số người gia tăng trong 2 năm, và sau khi đọc xong bài viết này, khoảng 2 phút, thì đã có 200 người chết và 480 người mới sinh ra!

Theo sự tính toán tẩn mẩn của các người nói trên thì từ ngày loài người có mặt trên trái đất đến nay đã có khoảng 60 tỷ người được sinh ra. Trong 60 tỷ đó người ta không tìm được 2 người giống nhau, và họ tin rằng trong hàng tỷ tỷ người sẽ sinh ra sau này cũng không thể tìm được người nào giống người nào.

Vậy thì… nếu không may (hay may mắn?) mình chẳng giống ai thì cũng chỉ là một điều tự nhiên thôi! Vào đầu năm 2.000, người ta nói nhiều về ngày tận thế. Cũng vào dịp này, tình cờ hắn đọc thấy một câu viết ở đâu đó: “Ngày tận thế chính là ngày mọi người đều suy nghĩ như nhau.” Nghe cũng có lý đấy chứ! Vậy thì... hãy yên tâm, thế giới chưa tận thế vì con người chưa suy nghĩ như nhau!

Sau biến cố Tết Mậu Thân hắn đưa gia đình vào cư ngụ trong căn cứ KQ Tân Sơn Nhất. Cư xá gồm những dãy nhà dài, có 8 căn phòng và một căn ở giữa là nhà vệ sinh. Theo chức vụ, cấp bậc cũng như tình trạng gia đình của hắn, hắn được cấp nửa dãy, nhưng khi ấy có nhiều người cũng muốn đưa gia đình vào căn cứ mà cư xá không đủ nhà để cung cấp nên hắn tự nguyện nhường cho một gia đình một nửa cái phần nửa của hắn.

Thế rồi, cứ 3 năm vợ hắn sanh một đứa con và sau cùng hắn phải cất thêm một căn trái ở đầu dãy. Thấy hắn tay đinh tay búa, leo trèo lên xuống vợ hắn ngậm ngùi: "Đúng là chẳng giống ai, nhường cho người ta để rồi bây giờ oằn lưng ra đóng kèo dựng cột...!"

Nói đến KQ thì không thể không nói đến mạt chược, đó là dịp để mấy chàng "hào hoa" mân mê xoa vuốt mấy quân bài, vừa đấu láo với nhau, vừa thử vận hên xui, hay kiếm tí tiền cà phê, cà pháo, trong khi chờ thi hành phi vụ hoặc sau những phi vụ trờ về. Cách vài gia đình lại có một gia đình có bàn mạt chược, bàn ghế sẵn đó, quân bài sẵn đó... Ai cũng có thể rủ nhau ghé xoa bất cứ khi nào, nhiều khi người chầu rìa đông hơn cả người xoa, tranh nhau đi "đái giải đen" cho đứa này đứa nọ.



Hắn cũng thích xoa mạt chược, mê là đằng khác. Những khi rảnh rỗi thế nào hắn cũng kiếm cách mò đến bàn mạt chược. Có lần hắn đến thì thấy tay chân đã đủ bộ, hắn vỗ vai một anh chàng đang xoa, năn nỉ: “Thèm quá, nhường cho tao vài gió, bàn nào thắng tao chia cho một nửa, bàn nào thua tao chịu hết”.

Ấy vậy mà khi đứng dậy hắn không thua! Thế là, có người gắn vào ngực hắn cái tên "Koong Sĩ"! Koong Sĩ tức cảnh sinh tình... làm thơ !

Tự Kiểm
Xuống chó lên voi cũng bởi tiền
Tối ngày xuôi nguợc chạy như điên
Ăn non ù cáy thì không chịu
Tham mủn koong khung để bị nghiền
Thân xác điêu tàn trơ củ ráy
Mặt mày trau chuốt tuởng anh hiền
Giang sơn còn đuợc hai cùi trỏ
Nếu có ai mua cũng bán liền ! 

Có một thời mấy chú ba tàu ở Chợ lớn tung ra phong trào nuôi chim cút,“người người nuôi cút, nhà nhà nuôi cút”. Các chú dụ khị người ta nuôi cút, cho người đi mua vài con với giá cắt cổ để giữ giá rồi bán ra hàng ngàn con kiếm lời. Một con cút khi vặt trụi lông chỉ bằng ngón chân cái mà có khi giá lên tới 5, 10 ngàn đồng một cặp. Hắn cũng bị lôi cuốn vào phong trào nhưng chỉ làm một cái lồng nhỏ, nuôi vài cặp cút để xem chúng… đấm đá nhau, trèo leo lên nhau và đẻ trứng.


Bất ngờ, một anh chàng phi công Air Vietnam mang đến nhà hắn 500 con cút chở lậu từ HongKong về: “Tao không có chỗ nuôi, bán rẻ cho mày”. Hắn bốc đồng, mua. Hắn tống mấy đứa con lên ngủ tại phòng khách để lấy phòng nhốt lũ cút.

Chưa kịp tính toán gì thì mấy chú ba Chợ Lớn đến gạ mua vài cặp với giá 5.000 đồng một cặp. Hắn nói với mấy chú ba nếu mua hết hắn sẽ bán với giá 2.000 đồng một cặp thôi. Tính ra, nếu bán 2.000 đồng một cặp hắn cũng lời gần nửa triệu đồng rồi. Chẳng biết mấy chú ba bị ma dẫn lối hay quỷ đưa đường sao đó, móc túi trả tiền mua hết. Hắn phải mượn xe Cadilac của một người bạn, giúp chở cút cho các chú nhiều lượt để hoàn tất việc mua bán trong nội buổi chiều vì sợ các chú đổi ý.

Chỉ 2 ngày sau, giá một cặp cút không còn đáng vài cắc mà cũng không có ai mua nữa. Người ta thi nhau vặt lông cút nướng thịt, có người đào hố chôn cút, không dám thả vì sợ chúng bay vào quấy rầy nhà hàng xóm. Thế là, bà con trong xóm gắn vào ngực hắn cái tên “Cút Vương”!

Năm 1975 Cút Vương ra nước ngoài tỵ nạn, bỏ lại đằng sau quê hương yêu dấu của mình vì nơi đó đã bị người lạ cưỡng đoạt, không còn là nơi để có thể dung thận. Nhìn vào một khía cạnh cuộc sống của những người tỵ nạn, Cút Vương tức cảnh sinh tình... làm thơ!

Tiên trên trần
In-lít (English) chữ nghĩa lơ mơ
Thì ta làm ách-săm-lơ (assembler) cho rồi
Hay là lãnh chức bết-bồi (bus boy)
Ở đời chẳng có nghề tồi dóp (job) sang
Cũng hôm (home) cũng xế đàng hoàng
Cũng tiền bô-nết (bonus) cũng nhàn như ai
Vác-kê-sân (vacation) nghỉ lai rai
Ố-vơ-tem (overtime) lãnh gần hai ngày thuờng
Quít-ken (week end) lại bát phố phuờng
Sóp-binh (shopping) mua sắm chật rương chật nhà
Tiến băng (bank) viết chéc (check) mua quà
Dạt-Linh (Darling) thân tặng nọ là thiệt hơn
Quynh-tơ (winter) thì kéo lên non
Ếch-ki (ski) lượn cũng trông ngon quá chừng
Sôm-mơ (summer) nghỉ mát trên rừng
Bạc-bờ-kiu (barbecue) đó tưng bừng một phen
Bớt lai (Bud light) quen vị môi mềm
Ba hoa tán dóc (joke) cho quên sự đời
Tan-ninh (tanning) ở biển tuyệt vời
Cho xì-kin (skin) có chút hơi nghỉ hè
Sơm-tem (sometime) ra vẻ màu mè
Đăng-xinh (dancing) lả luớt bạn bè cho vui
Phút (food) ngon lạ miệng nhớ mùi
Buốc-gơ (burger) hót-đót (hot dog) ôi thôi thiếu gì
Lễ lạc tổ chức bạt-ti (party)
Hay là bót-lót (pot luck) có đi có về
Lô-tô (lotto) xập xám đề huề
Ti-vi (TV) phim chuởng đỡ mê đỡ ghiền
Hai tuần bê-chéc (pay check) phát tiền
Cuộc đời như thế là tiên trên trần!

Hắn đã từng là "Sĩ", hắn đã từng là "Vương", danh giá quá rồi, hắn có muốn tham lam gì thêm nữa đâu!

Irvine, California, Tháng Tư 2009

* * *

No comments:

Post a Comment