Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 8 

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                   -Quýdenver- 

8. Nghĩ về tình người

Anh LĐTh và tôi cùng theo học Khóa 10 Võ Bị Dalat. Trong giai đoạn thực tập tại Đồ Sơn ngoài Bắc trước khi mãn khóa, anh và tôi được thu xếp thực tập chung trong một trung đội vũ khí nặng. Lần đầu tiên tôi gặp lại anh kể từ sau ngày mãn khóa và được biết chị là tại Denver, Colorado khi anh cùng chị đến tạm định cư tại đây mươi năm về trước. Tôi nói tạm định cư vì anh chị cho biết sẽ chỉ ở đây ít năm rồi xuống Texas hay sang California. Anh chị và vợ chồng tôi trở thành những người bạn thân thiết, thường gập gỡ chuyện vãn về mọi thứ chuyện lỉnh kỉnh. Trong lúc chuyện trò như thế, tôi cảm thấy như có cái gì hơi mâu thuẫn ở anh chị: Anh chị rất mộ đạo Phật và là 2 Phật tử thuận thành. Anh chị cho biết tối nào cũng tụng kinh và cầu an cho vợ chồng tôi, nhưng đồng thời cũng thường tỏ lộ mối thù hận tột độ còn giữ trong lòng. Nhân khi chị gửi cho tôi một số thơ văn, tôi đánh liều viết một thư dài hồi âm anh chị.

Ngày 6 tháng 5, 2000
Anh chị Th. thân mến,

Tôi đã nhận được thư chị, nhận được những món quà “Một trái tim của Bích Khê Thôn”, “Gói quà năm 77”, “Chuyện ngày xưa”, “Khó quên” và nhận được cả “Vậy mà phùng mang!” Tôi nhận được những món quà trên hôm thứ ba, 2 tháng 5 năm 2000. Vì bận phải thu xếp một vài việc quá gấp, tôi mới chỉ đọc qua một lần rồi tạm cất đi, không cả kịp cho nhà tôi biết. Hôm nay đọc lại, tôi thấy món quà nào của chị cũng mang đến cho tôi nỗi xao xuyến, bồi hồi khó tả, nên muốn dành nguyện vẹn cuối tuần này để hồi âm anh chị. Nếu sự chia sẻ là một hạnh phúc hay ít ra cũng là một niềm an ủi đối với một người bạn thì đó là tất cả những gì tôi có thể làm và gửi đến anh chị.

Trước hết, tôi xin chia sẻ cùng anh chị nỗi nhục nhằn, cay đắng anh chị đã trải qua trong mấy chục năm trường. Tôi không dám cầu mong anh chị quên đi những điều không thể quên, mà cầu mong nỗi cay đắng, nhục nhằn đó sẽ chỉ còn là những kỷ niệm tô điểm cho cuộc đời thêm phong phú. Nếu không trải qua những đau khổ xa xưa đó thì làm sao có thể nhận thức được chân giá trị của hạnh phúc hôm nay?

Liền nhanh tay đổi ngược
Bỏ xuống gói áo quần
Đưa lên bao thực phẩm
Lâm râm miệng khấn thầm…

Đọc mấy câu thơ này, tôi không sao ngăn được mối thương cảm dâng lên trong lòng. Tôi hình dung thấy một người thiếu phụ đầy thương tội, mặt mày hốc hác, thân xác tiêu điều, nhìn ngang liếc dọc, chỉ sợ người khác bắt gặp mình tráo đổi món quà gửi cho người chồng đang khốn khổ trong trại tù đày. Chẳng qua cũng chỉ vì “Đói lấy gì cầm hơi” mà thôi! Bất giác, tôi nghĩ nhiều đến lòng thương yêu của con người. Hình như, khi có được lòng thương yêu thì người ta làm gì cũng được.

Chị làm thơ 5 chữ rất hay. Tôi thấy thơ 5 chữ khó làm vì số chữ bị giới hạn nên sự diễn tả cần phải cô đọng. Tôi rất thích 4 đoạn thơ chót trong bài “Vậy mà phùng mang”. Việc lập đi lập lại nhiều lần cái tên “Hồ Văn Tín” đã làm cho cái phùng mang càng phùng to lên, cái lố bịch càng lố bịch hơn, và cái bẽ bàng càng bẽ bàng thêm:

Một người tù đứng dậy:
‘Cán bộ cho tôi xem
Không phải Hồ Văn Tín
Chữ này Họ và Tên!’

Thì ra thế! Có ai đọc qua mà không cảm thấy thích thú?

Từ đó vắng anh con thiếu cha
Vai em không gánh nổi sơn hà…

Có phải đây chỉ là một lời nói khiêm nhường? Cái sơn hà chị gánh vác vẫn còn đó, vũng mạnh hơn bao giờ, tuy đã có lúc ngả nghiêng, xiêu vẹo. Cái nghị lực vô biên của người vợ Việt Nam thương chồng , một người mẹ Việt Nam thương con chẳng gì có thể so sánh được! Cho nên, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nói lên lòng ngưỡng mộ của mình đối với những người vợ, người mẹ Việt Nam mà không cho rằng lời nói mang tích chất cường điệu.

Trên tất cả vẫn là “Chuyện ngày xưa”. Vói tôi, “Chuyện ngày xưa” là một làn gió nhẹ, một thoáng mát. Cũng có thể là một buổi sớm sương mờ bâng khuâng, một buổi chiều mưa nắng ngập ngừng. Giá cuộc đời chỉ có những làn gió như thế, những thoáng mát như thế! Giá tháng năm chỉ có những buổi sớm như thế, những buổi chiều như thế! Tìm đâu, biềt tìm đâu bây giờ? Phải chăng ngày tháng đã già nua và lòng mình cũng già nua nên không còn nhận thức được, không còn tìm thấy nữa? Hay phải chăng con người đã quên mất những làn gió ấy, những thoáng mát ấy, những buổi sớm ấy, những buổi chiều ấy như đã quên mất tình mình, tình người?

Lời văn của chị trong “Một trái tim của Bích Khê Thôn” cũng thật là mượt mà, chân thật. Cái mượt mà, chân thật có sức quyến rũ người đọc, ít ra là đối với một người đọc như tôi. Kể ra thì lời nói, câu viết của ai về người mẹ mà lại không mượt mà? Chỉ một tiếng Mẹ thôi cũng đủ là một bài thơ hay, một bài văn tuyệt vời rồi. Chỉ một tiếng Mẹ thôi cũng đã là cả một bầu trời bao la thăm thẳm, môt biển rộng mênh mông rồi. Điều đáng nói thêm ở đây là cái chân thật trong lời nói, trong câu viết của chị. Thiếu chân thật thì tất cả những lời nói, những câu viết đều trở thành tẻ nhạt, ngây ngô, trống rỗng.

Đến đây, tôi bỗng nhớ đến một cái gì rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ nét, rất gần gũi mà như rất xa xôi. Tôi loay hoay chạy ra chay vô, chạy lên chạy xuống… Sau cùng, tôi chạy đến nhìn giây lát vào đôi mắt Mẹ tôi trong bức hình trên bàn thờ, rồi đến tủ sách, mở ngăn kéo lục tìm tờ điện tín. Đó là tờ điện tín của đứa em dâu có người chồng lúc đó đang bị tù đày gần biên giới Tàu-Việt, từ Việt Nam gửi sang, tuy cũ nhưng vẫn không nhầu nét: “Mẹ mất lúc 16:15 ngày 28-06 Tân Dậu. Kỳ Trân.” Mắt tôi mờ đi, nhớ về một buổi chiều 19 năm trước, một buổi chiều năm Tân Dậu, một buổi chiều 1981, một buổi chiều không giống bất cứ buổi chiều nào trong suốt cuộc đời tôi:

“Lạy Mẹ, 17 ngày đã trôi qua kể từ ngày Mẹ nằm xuống. Hôm nay, 7 đứa con cháu của Mẹ xin cùng nhau quỳ lạy Mẹ……”

Mẹ tôi có 4 người con trai nhưng không có người nào có mặt bên cạnh để vuốt mắt Người. Mẹ tôi chết cũng không được yên. Mồ mả ở Vĩnh Long được lệnh phải rời đi nơi khác, mấy năm mà không thu xếp xong. Vừa tìm mua được đất, định rời đến thì lại có lệnh không được dùng khu đất ấy nữa. Mãi tới tháng Tư năm 1998 mới đưa được hài cốt Người về nghĩa trang liên xã Gò Dưa ở Thủ Đức. Tháng Tư, vâng, tháng Tư vẫn là tháng có nhiều duyên nợ đối với tôi. Tôi sinh ra trong tháng Tư, tháng Tư đen, tháng Tư trắng, tháng Tư hạnh phúc, tháng Tư chia lìa…

Sau cùng, tôi xin chia sẻ cùng anh chị mối hận thù anh chị không thể quên đối với những người đã mang tai họa đến anh chị. Người ta mang tai họa đến mình thì mình phải hận thù. Đó là một thái độ bình thường, chẳng có gì lạ. Tuy nhiên, tôi đã suýt mất một người em ruột thương yêu cũng vì vấn đề này, nên chỉ xin được chia sẻ cùng anh chị thôi. Nhân nói đến hai chữ hận thù, tôi xin kể anh chị nghe câu chuyện tôi đã đọc thấy ở đâu đó. Thú thực với anh chị, cứ mỗi lần bắt gặp một câu chuyện tương tự, dù xuất phát từ đâu, từ phía nào, tôi lại không cầm được nỗi xúc động trong lòng:

"Ông Richard Luttrell, 51 tuổi, nhân viên Sở Cựu chiến binh Tiểu bang Illinois, đã bị dằn vặt suốt 33 năm trời vì một tấm hình. Đó là tấm hình chụp một em gái đứng cạnh người cha, một lính Bắc Việt, mà ông đã bắn chết năm 1967 trong cuộc tuần tiễu tại một vùng rừng núi Việt Nam. Lúc đó, ông Luttrell chỉ là một binh nhì Lục quân Mỹ, 18 tuổi. Ông nghĩ, khi một người cha mang theo ra trận tấm hình đứa con, ắt hẳn người cha đó phải thương yêu đứa con của mình nhiều lắm. Bây giờ người cha đã bị ông bắn chết, ai là người sẽ chăm nom nuôi nấng đứa con?

Ông Luttrell giữ tấm hình suốt 22 năm cho đến năm 1989, ông để tấm hình trong khe một tảng đá tại Đài Kỷ niệm Cựu chiến binh Mỹ trong trận chiến Việt Nam tại Washington DC, với lời xin lỗi người lính đã bị ông bắn chết. Năm 1996, một người bạn là Dân biểu Tiểu bang, Ron Stephens, bất ngờ thấy tấm hình trong một tập sách liệt kê những vật dụng bỏ ở Đài Kỷ niệm và nói cho ông Luttrell hay. Ông Luttrell lấy lại tấm hình, định bụng sẽ tìm kiếm đứa em gái trong tấm hình để đích thân xin lỗi.

Tin tức được loan truyền đến Việt Nam và người ta đã tìm ra đứa em gái đó, bây giờ là người đàn bà 42 tuổi tên Nguyễn Thị Lan. Bà Lan đã có 2 người con. Ngày 4 tháng 3 năm 2000, ông Luttrell đã cùng vợ mang tấm hình sang Việt Nam để gặp bà Nguyễn Thị Lan. Trong cuộc gặp gỡ, bà Lan cho biết bà đã đau khổ biết bao khi cha bà bị bắn chết, bà đã trải qua những ngày tháng nhục nhằn biết chừng nào vì thiếu người chăm sóc, nhưng bà không hề thù hận ông Luttrell, người đã bắn chết cha bà. Tất cả cũng chỉ là do định mệnh. Tất cả cũng chỉ là do những cái ngoài tầm tay mình."

Trước đây vài ba năm, ngay tại Colorado này, tôi bị một số người, từng có lúc coi nhau là bạn, chụp mũ là định ăn cắp máy bay trốn ra Bắc và được Công trường 7 công sản gài sang Mỹ để phá rối cộng đồng. Tôi ghê tởm họ, thương hại họ, xa lánh họ nhưng tuyệt nhiên không thù hận họ. Từ lâu, ngay cả từ khi còn nhỏ, điều tôi sợ nhất là sự hận thù. Thù thì phải trả và khi trả thù người ta có thể làm bất cứ cái gì kể cả những cái không thuộc về con người. Còn nếu không trả thù thì lại sợ mang tiếng hèn nhát. Rút cục, vì cái mặc cảm sợ mang tiếng hèn nhát mà người ta cứ nhìn quanh xem ai có chút sơ hở là chụp mũ, dẫu cho người đó có lúc là bạn mình. Dám chụp mũ mới là người có khí phách, mới là người anh hùng, mới là người không hèn nhát, mới là người… quốc gia chân chính! Nghĩ cho cùng, nếu không làm cái trò chụp mũ vừa dễ dãi, vừa rẻ tiền đó thì những người này còn biết làm cái gì nữa!

Đáng lý, tôi không nên làm bận tâm anh chị với những điều vừa kể bởi vì anh chị có thể mắng tôi là đã trốn chạy sớm, có bị tù đày nhục nhằn đâu mà hiểu được mối hận thù của anh chị. Rất có thể, trước mắt anh chị tôi còn là một tên “giao lưu văn hóa”, “hòa hợp hòa giải”, và rơi vào “vòng tay nới rộng” nữa cũng nên. Nhiều lúc, tôi cứ thắc mắc tại sao những từ ngữ đẹp đẽ lại chỉ phát xuất từ phía bên kia? Tại sao phía mình lại phải tránh né và chỉ dùng toàn những từ ngữ đầy hận thù sắt máu? Tại sao phía mình lại không có cái đảm nói thẳng rằng giao lưu văn hóa, tốt lắm; hòa hợp hòa giải, tốt lắm; nới vòng tay rộng, tốt lắm, nhưng giao lưu văn hóa như thế nào, hòa hợp hòa giải như thế nào, nới vòng tay rộng như thế nào mới được chứ! Phải chăng cũng lại chỉ vì cái mặc cảm thua kém, không dám đối đầu?

Riêng tôi, tôi có một niềm tin sắt đá là sớm muộn gì công sản cũng sẽ tiêu tan, dưới một hình thức nào đó, chứ nhất định không phải tiêu tan vì sự hận thù của những người bên này.

Đã là người thì ai cũng có lúc đau khổ, khác chăng là mỗi người có cái đau khổ riêng mà không thể nói cái đau khổ nào đau khổ hơn cái đau khổ nào. Dẫu sao, nỗi đau khổ của chúng ta cũng đã qua, vơi nhẹ nhiều rồi. Ngay bây giờ, hôm nay, bên cạnh chúng ta, ở Colorado này, vẫn có những ngưòi đang đau khổ chẳng kém gì cái đau khổ trước kia của chúng ta. Trước sự quay lưng ngoảnh mặt của người đời, trước nỗi đau khổ vô cùng tận, có người đã muốn buông xuôi, tuyệt vọng. Trong cái nhỏ bé của mình, trong cái bất lực của mình, trong nỗi cô đơn của mình, tôi có thể làm được gì cho họ đây? Thôi thì, chỉ còn biết dành ít thì giờ chia sẻ với họ, an ủi vỗ về họ mà không màng đến lời dị nghị của những người chung quanh. Tất cả cũng chỉ do mấy con ngáo ộp, trợn mắt phùng mang; những con ngáo ộp trong nước mà chị đã nghe, những con ngáo ộp hải ngoại mà tôi đã thấy, trong bản chất, nào khác gì nhau đâu!

Thư đã dài. 25 năm nay tôi chưa hề viềt cho một người nào lá thư dài như thế này. Mai đây anh chị đi xa, ít nhiều cũng “xa mặt cách lòng”, không biết tình mình, ý mính còn có đậm đà? Như anh đã nói: “hãy nói với nhau khi còn nói được, nghe được” nên tôi dành trọn cuối tuần viết thư này gửi anh chị. Tôi có tật xấu là khi nói hay nói dai, nhất là đối với những người đáng nói tôi hằng qúy mến. Với người đáng nói mà không nói là bỏ mất người. Với người không đáng nói mà nói là phí lời. Tôi sợ mất anh chị nên tôi nói, nhưng liệu tôi nói thì cũng có giữ được anh chị không?

Sau khi bỏ nước ra đi, cuộc sống của tôi chỉ còn thu gọn vào 2 chữ tình nghĩa. Tình cha mẹ con cái, tình anh em chị em, tình vợ chồng, tình bằng hữu, tình giữa người với người… Tôi nghĩ, bây giờ chỉ có cái tình đối với nhau là cứu rỗi được chúng ta mà thôi.

Kể từ ngày gặp lại anh và quen biết chị, tôi ngưỡng mộ cái tình cái nghĩa trong cuộc sống lứa đôi của anh chị, lúc nào cũng như đôi chim bồ câu. Nhà tôi thì chất phác hiền hòa, chỉ biết lo cho chồng con miếng cơm manh áo. Đó là cái diễm phúc tôi có. Mỗi khi thay bộ quần áo mới thấy thơm tho, tôi hiểu mùi thơm đó là do nhà tôi chắt chiu gìn giữ cho tôi. Mỗi khi ăn miếng cơm thấy ngon, tôi biết trong miếng ngon đó có cả một tấm lòng ân cần, vun quén của nhà tôi.

Anh chị Th. thân mến,

Qua những sự việc xảy ra hàng ngày, trước mắt, sau lưng, bên phải, bên trái, phía trên, phía dưới, tôi đâm ra nghi ngờ đủ thứ. Tôi nghi ngờ không biết anh chị có đủ kiên nhẫn đọc hết thư này? không biết anh chị có đọc thư này với một tấm lòng rộng lượng? Có người cho là ly nước nửa vơi, có người cho là ly nước nửa đầy, nhưng cũng có người cho là chẳng phải vơi hay đầy mà là cái ly quá lớn. Nếu anh chị đọc thư này trong cái ý nghĩa đó thì tôi sẽ an tâm và sung sướng vô vàn. Bằng không, xin anh chị thứ lỗi cho.

Tôi tạm dấu, không cho nhà tôi biết nội dung thư này, bởi tôi biết có nhiều đoạn trong thư nhà tôi không muốn tôi viết. Còn tôi, tôi lại không thể dối lòng đối với những người tôi coi là bạn. Nói hay không nói chứ không muốn thốt ra những lời chỉ có tính cách vuốt ve, khách sáo. Thực tình, tôi thấy có bổn phận phải đáp lại mối chân tình anh chị đã dành cho chúng tôi qua những thư từ liên lạc mới đây. Tôi vốn là người lười viết thư vì không biết viết gì, thế mà khi viết cho anh chị thì ý tưởng cứ theo nhau tuôn trào.

Cả đời, tôi không dấu nhà tôi bất cứ chuyện gì. Vài tuần sau tôi cũng sẽ nói cho nhà tôi biết về những điều tôi viết gửi anh chị hôm nay để rồi nghe nhà tôi nói một câu vừa như trách móc vừa như thông cảm: “Thế mà anh không cho em hay!”

Sau hết, xin cám ơn anh chị đã mang đến cho tôi một cơ hội để tưởng nhớ về người Mẹ yếu dấu của tôi.

Với tất cả lòng thương quý của tôi và nhà tôi.
Nguyễn Văn Quý

Đã 30 năm, không, đã 50 năm và nhiều hơn nữa! 

Việt Nam tuy đã thống nhất nhưng nhân dân vẫn lầm than do những sai lầm trầm trọng trong việc trị nước của những người chỉ biết “làm tình với thây ma chiến thắng” (ngôn từ Dương Thu Hương) để vơ vét cho đầy túi tham. Trong khi ấy, những người Việt tại hải ngoại thì lại kèn cựa chống đối nhau hơn là ngồi lại với nhau để tìm phương cách cứu dân cứu nước.

Lòng người vẫn trai đá, đầu óc vẫn đóng sạn, tư duy vẫn quánh đặc, hận thù vẫn triền miên. Biết bao giờ, biết đến bao giờ?...

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *

No comments:

Post a Comment