Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 3

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                    -Quýdenver- 

3. Qui hồi cố thành

Một-Chín-Bốn-Chín. Sau khi Bố tôi cùng với một đứa cháu bị Tây bắn chết trong cuộc hành quân càn quét vào cuối năm, người anh thứ hai của tôi bỏ sở làm trốn về nhà để cùng tôi đưa gia đình hồi cư về Hà-nội. Gia đình tôi lúc đó gồm có 6 người: Mẹ tôi, người anh thứ hai với người vợ và đứa con gái 11 tháng, tôi và đứa em trai út. Giữa đường, anh tôi bị nhiễm thương hàn, không có thuốc chữa trị, chết đúng 10 ngày sau khi Bố tôi bị Tây bắn chết. Tôi đã tự tay bới đất vùi nông thân xác anh tại một góc ruộng mà bây giờ không nhớ thuộc nơi chốn nào. 10 ngày, 3 người thân trong gia đình bị định mệnh cướp giật đi. “Đó là cái giá chúng ta phải trả, con ạ”, Mẹ tôi nói, “trả cho những cái ngoài tầm tay mình!” Tôi không dám hỏi thêm Mẹ tôi, nhưng nếu đấy là cái gíá chúng tôi phải trả cho mấy chữ Dân chủ - Tự Do - Hạnh Phúc thì quả thật là quá đắt. Đối vớí tôi, mấy chữ mà người ta rêu rao ấy đã sớm hiện hình thành cái bánh vẽ, và tôi đang trên đường từ bỏ cái bánh vẽ ấy!

Ngày nghỉ đêm đi vì sợ bị lộ, ròng rã gần nửa tháng trời chúng tôi mới qua hết quãng đường chỉ dài hơn 70 cây số để về tới làng xưa xóm cũ bên này bờ sông Đuống.

Tình nghĩa xóm làng bao giờ cũng dễ khiến cho tôi xúc động. Tiếng lành đồn nhanh, tiếng dữ đồn nhanh. Chỉ vài giờ sau khi gia đình tôi về đến nhà, bà con lối xóm đã kéo đến chật nhà mừng mừng tủi tủi. Bác Phổ cũng đến, nhưng bác đứng từ đằng xa, yên lặng đưa mắt quan sát. Một chặp sau, như linh cảm thấy có chuyện không lành, bác nhẩy bổ tới ôm chầm lấy tôi, khóc thành tiếng: “Ông đâu? Ông đâu? Ông nhà đâu?” Tôi gục mặt vào ngực bác, khóc theo, không nói được lời nào. Mẹ tôi bước đến gỡ đầu tôi ra khỏi ngực bác Phổ, vắn tắt kể tự sự bác nghe rồi nói nhẹ như một hơi thở: “Thôi thì…, cũng là do định mệnh cả, bác ạ.” Bác Phổ đưa tay gạt nước mắt, bước về phía cây bưởi, nơi bác vẫn thường đứng nói chuyện với Bố tôi 4 năm về trước. Tựa lưng vào gốc bưởi, hướng về phía chuông ngựa cũ, bác đưa mắt nhìn sâu vào khoảng không. Tôi không biết bác Phổ đứng như thế bao lâu. Lúc ấy thời gian đã chẳng còn mang đến cho tôi một ý niệm rõ rệt nào. Trời vẫn còn trưa hay đã ngả về chiều?

Chiều hôm sau, bác Phổ vẫy tôi đến gần nhưng không kéo tôi ngồi xuống bên cạnh bức tường hoa rợp bóng mát cây sấu, nơi đầu hiên nhà bác để kể chuyện tôi nghe như ngày trước. Bác dẫn tôi đến chuồng ngựa, cúi xuống nâng và mở rộng cánh cổng chuồng ngựa làm bằng mấy cây gỗ to bằng cổ tay, ràng buộc ngang dọc lại với nhau. Bác dắt tôi đi lại nhiều lần trong chuồng ngưa. “Đã gần 4 năm, bác không mở cái cổng này”, bác Phổ nói. Tôi đưa mắt nhìn quanh: mái tranh thấp để ngựa tránh nắng mưa vẫn đấy tuy có xiêu vẹo đi một tí; máng nước cho ngựa uống vẫn đấy nhưng cạn khô với một vết nứt ngang; cây cột buôc ngựa nhẵn thín nơi góc chuồng ngựa, hơi nghiêng vế phiá nhà Bố Mẹ tôi, vẫn đấy…; mươi lăm đống phân ngựa cũng vẫn đấy nhưng đã đổi sang màu vàng nhạt, mỏng manh, ròn tan khi tôi bước dẫm lên. Hình như bác tránh, không muốn nói về ngựa nữa, nên tôi cũng không nhắc đến.

“Tuần nào chúng cũng kéo nhau về làng, khi thì vài ba đứa, khi thì dăm bảy đứa”, bác Phổ nói. “Chúng kéo về, bắt tay với lũ thanh niên nằm vùng, hoạnh họe dân làng đủ thứ, bắt dân làng phục vụ cơm nước, bắt dân làng đóng góp tiền nong, bắt dân làng xé thẻ căn cước để phản đối ‘tề’… Chúng bắt dân làng xé thẻ căn cước nhưng chúng giấu nhẹm thẻ căn cước của chúng, không xé. Ngày hôm sau, lính Tây về quây, cứ nhè người không có thẻ căn cước mà bắt nhốt, còn chúng vì còn thẻ căn cước nên chẳng thằng Tây nào nó đụng đến. Thật là khổ trăm bề. Phe người quốc gia mình kém quá!”

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe mấy tiếng ‘người quốc gia’. Tôi gượng gạo phản ứng: “Họ chống thực dân Pháp để dành độc lập mà!”.

“Chúng là cộng sản đấy. Cộng sản còn xấu xa hơn cả thực dân Pháp nữa. Trong 2 cái xấu, mình phải tạm chọn cái xấu ít chứ chẳng còn cách nào hơn…”, bác nói rồi hình như chợt nghĩ sao bác lảng sang chuyện khác. Tôi đoán, có thể bác cho là tôi còn quá trẻ để nghe những câu chuyện như thế.

Tôi đưa tay giúp bác Phổ nâng, đẩy cổng chuồng ngưa đóng lại, chào bác để trở về nhà. Bỗng bác đưa 2 tay nắm 2 vai tôi, lắc mạnh: “Bác đã nói với mẹ cháu. Cháu nên bàn lại với mẹ cháu dọn ra Hànội mà ở”. Tôi chưa kịp hỏi bác lý do vì sao thì bác đã khua tay quay lưng bước nhanh vào nhà.

Một-Chín-Năm-Không. Anh cả tôi từ bên Tàu trở về Việt Nam và Mẹ tôi quyết định dọn nhà ra Hànội. Nhân dịp, tôi hỏi Mẹ tôi bác Phổ đã nói gì với Mẹ về việc dọn nhà ra Hànội. Mẹ tôi nói: “Bác Phổ nói với mẹ rằng ở làng có nhiều chuyện xảy ra rất là khó chịu. Tính con cương trực dễ tạo nên những đụng chạm có hại cho cuộc sống và có thể cả tính mạng nữa”. Tôi cúi đầu nhủ thầm: “Thì ra như vậy, ai là người hiểu tôi hơn bác Phổ?”

Ra Hà-nội, tôi tiếp tục học được ít năm. Trong thời gian này, tôi có 3 người bạn thân, coi nhau như ruột thịt. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những ngày tháng tuyệt vời của Hànội. Tôi thực không ngờ, đó lại là những tháng ngày cuối cùng của tôi ở Hànội. Chúng tôi hẹn nhau đến Văn Miếu để ôn bài, đến bến Nghi Tàm, Rặng Ổi để dìm nhau xuống nước. Chúng tôi kéo nhau đến bờ hồ để uống nước dừa, ăn bánh tôm. Chúng tôi đèo nhau trên xe đạp về làng để thả diều, cưỡi trâu, bắt châu chấu, đuổi bướm, bắn chim, hay ngồi hóng gió dưới bóng cây đề và nghe bác Phổ kể chuyện… Cả 3 người bạn đó, những người đã mang đến cho tôi cái ý nghĩa tuyệt vời của cuộc sống, đã bỏ tôi, vĩnh viễn ra đi. Hôm nay, tôi viết tên 3 người bạn thân thương đó nơi đây như là thắp lên một nén hương tưởng nhớ: Trần Thế Thảo, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Thị Minh Thuý.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *

No comments:

Post a Comment