Thursday, September 3, 2020

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 7

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
                    -Quýdenver- 

7. Nhớ về cuộc chiến

Khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường tại Hà nội, tôi có 3 người bạn thân cùng lớp tuy có một người khác trường: Nguyễn Tất Đạt, Trần Thế Thảo(*) và Nguyễn Thị Minh Thúy(*). Năm 53, Đạt vào Không Quân, được gửi sang Pháp học vô tuyến, sau biệt phái làm giáo sư tại trường trung học Quốc gia Nghĩa tử; tôi gia nhập trường Võ Bị Đalạt, thuyên chuyển sang Không Quân sau khi ra trường một thời gian. Năm 54, đất nước chia đôi, tôi và Đạt vào Nam theo nghề nghiệp mình đã lựa chọn; Thảo và Thúy ở lại Hà nội bởi vì “dẫu sao thì mình cũng là người Hà nội, Hà nội là của mình nên không thể bỏ”.

Hơn 20 năm sống trong Nam, gia đình tôi và gia đình Đạt đều cư ngụ tại Saigon, đi lại gập gỡ nhau hàng tuần, còn Thảo và Thúy thì tuyệt nhiên không có tin tức gì. Tháng 4/75, tôi bỏ nước sang Mỹ, Đạt kẹt lại Saigon và chúng tôi mất liên lạc với nhau.

Đầu năm 89, tôi bất ngờ nhận được một thư từ Saigon và vô cùng sửng sốt khi đọc thấy tên người gửi là Thảo và Thúy. Tôi bối rối không dám mở ngay vì không biết Thảo và Thúy nói gì trong thư. Tôi và Đạt hơn 20 năm quốc gia, Thảo và Thúy hơn 20 năm cộng sản, liệu chúng tôi còn đồng điệu là những người bạn thân thương như xưa? Nhưng rồi tôi cũng mở thư, để lại vô cùng sửng sốt, nhưng lần này thì pha lẫn một niềm vui với một nỗi xúc động. “Chẳng có chủ nghĩa nào, chẳng có chế độ nào có thể làm phai mờ được tình bạn giữa chúng ta”. Đó là lời Thảo và Thúy viết trong thư. Thư viết thêm “…ban ngày làm nghĩa vụ nhưng đêm nào tụi này cũng mở radio nghe ca sĩ Lệ Thu và Khánh Ly hát.” Lá thư do Thảo và Thúy viết chung, thay nhau viết mỗi người một đoạn, dài gần 5 trang giấy học trò.

Thảo và Thúy cho biết hai người đã trở thành vợ chồng cuối nam 57. Ở lại miền bắc, Thảo trở thành một cán bộ cao cấp với quân hàm Thượng tá. Cuối năm 75, Thảo được gửi vào Nam tiếp thu Saigon, mang theo vợ và đứa con gái 15 tuổi: Trần Thị Minh Thư. Ngòai những kể lể buồn vui lẫn lộn, trong thư của Thảo và Thúy có những đọan nguyên văn như sau:

“Một ngày cuối đông năm ngoái, trong lúc xuống xe vào một tiệm tạp hóa gần nhà thờ Tân Định, đường Hai Bà Trưng, Thảo tình cờ trông thấy Đạt. Mặc dầu xa cách đã hơn 20 năm nhưng khi trông thấy Đạt, Thảo vẫn nhận ra ngay. Thảo mừng rỡ, chạy đến định ôm lấy Đạt nhưng Đạt chỉ đưa mắt nhìn ngơ ngác như không hề quen biết rồi lẩn vào một đám đông. Thảo chợt nghĩ đến bộ quân phục và đôi lon Thượng tá của mình, cho rằng có lẽ vì vậy mà Đạt e ngại nên lẩn tránh. Tương kế tựu kế, Thảo chạy xông tới trước mặt Đạt, ra lệnh: ‘Anh tên gì, ở đâu? Đưa giấy tờ tôi xem!’ Đạt sợ hãi, móc túi đưa giấy tờ, không dám ngước mắt nhìn Thảo…”

“Quý có biết không? Ngay tối hôm đó, tụi này kéo nhau đến nhà Đạt. Thảo mặc áo trắng cũ màu cháo lòng, quần màu cứt ngựa. Thúy mặc áo cánh trắng, quần đen. Không cần nói chắc Quý cũng rõ đó là những y phục thân quen của chúng mình khi trước. Sau vài phút ngỡ ngàng, tụi này và Đạt lấy lại được sự tự nhiên và mối thân tình còn thắm đậm hơn xưa nữa. Vợ Đạt là người mừng vui nhất trong đám. Ngân, đứa con gái thứ hai của Đạt, cũng vui không kém. ‘Nếu không có cuộc chiến thắng tháng tư của các ông thì nó là đứa con dâu của ông bà Trung tá Không Quân Nguyễn Văn Quý đấy!’ Vợ Đạt chỉ Ngân và nói với tụi này như vậy….”

“Vợ Đạt và mấy đứa con nhất định giữ tụi này ở lại ăn cơm. Tội nghiệp, gia đình ông giáo sư Đạt của chúng ta nghèo quá. Bữa cơm tối đó chỉ có một đĩa rau xào mỡ, mươi cái đầu tôm rang mặn và bát canh cà chua loãng, nhưng mọi người đều thấy ngon miệng….”

“Bây giờ, sau hơn một năm, nhờ chút quyền lực trong tay, tụi này đã giúp mua cho Đạt một tiệm tạp hóa nhỏ tạm đủ cho gia đình Đạt kiếm sống qua ngày, và tụi này cũng lấy đó làm một niềm vui.... Thư sau sẽ cho biết làm cách nào tụi này có được địa chỉ của Quý ở Mỹ…”

Kể từ ngày đó, bốn đứa chúng tôi liên lạc với nhau rất thường xuyên, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Chúng tôi nói với nhau về những ngày cuối tuần xa xưa khi còn ở Hà nội: rủ nhau đến Văn Miếu để ôn bài, đến bến Nghi Tàm, Rặng Ổi để dìm nhau xuống nước; kéo nhau đến bờ hồ ăn bánh tôm, uống nước dừa; đèo nhau trên xe đạp về làng để thả diều, cưỡi trâu, bắt châu chấu, đuổi bướm, bắn chim, hay ngồi hóng gió dưới bóng cây đề và nghe một ông bác kể chuyện… Chúng tôi diễu nhau về chủ nghĩa này chủ nghĩa khác, chế độ nọ chế độ kia. Chúng tôi gọi nhau là Thượng tá, Trung tá mà thấy thích thú, chẳng sợ đứa nào buồn đứa nào. Đối với chúng tôi, chủ nghĩa gì, chế độ gì cũng chỉ là cái lăng nhăng; Thượng tá, Trung tá chỉ là đồ vứt bỏ. Chúng tôi hãnh diện, tự hào trong niềm hãnh diện, tự hào đơn sơ mộc mạc là thằng Quý thằng Đạt quốc gia, là thằng Thảo con Thúy cộng sản!

Nhưng, hình như trong gập gỡ vốn đã có sẵn mầm mống cũa chia phôi, và chia phôi đã đến. Giữa năm 93, Thảo và Thúy báo tin vợ Đạt bị tai nạn xe chết giữa đường lên Đalạt. Coi mấy tấm hình chôn cất vợ Đạt, vợ tôi và tôi đã bật khóc thành tiếng, nức nở. Chưa đầy một năm sau, Thảo và Thúy lại báo tin Đạt chết ngày 21 tháng 4, 94 vì bệnh tim, đồng thời cho biết sẽ trở về Hà nội và có thể ở lại Hà nội, không vào Nam nữa.

Thế rồi, Thảo và Thúy bặt tin, không liên lạc gì với tôi, và thư tôi gửi đi thì không thấy hồi âm. Cả thế giới như sụp đổ trước mặt tôi. Tôi đi tìm bạn mới trong cái thế giới tỵ nạn quanh tôi, nhưng ai là bạn mà tìm, tìm được ai là bạn? Tôi làm thơ, tôi sọan nhạc, nhưng thơ thì dở dang, nhạc thì lỗi nhịp .

Cho mãi đến ngày 24 tháng 4, 97, ngày sinh nhật của tôi, tôi nhận được bức điện tín của hãng Western Union chuyển tiếp tin đánh đi từ Hà nội với nội dung như sau: “Kính thưa bác Quý - stop - Ba cháu mất ngày 20/4/96 sau gần một năm bán thân bất tọai - stop - Mẹ cháu mất ngày 25/4/97 - stop - Ngày 25 tại VN tức 24 tại Mỹ đúng ngày sinh nhật của bác - stop - Mẹ cháu nói vậy trước khi người nhắm mắt ra đi - stop & Fin.”

Sau khi đọc bức điện tín trên, tôi thấy lòng bình thản một cách kỳ lạ, nhưng có những đêm khi thức dậy thấy gối ướt dầm dề để rồi sau đó nghe vợ tôi an ủi: “Thấy anh trằn trọc, em biết anh nghĩ gì.” Đạt đã ra đi, Thảo và Thúy đã ra đi, không điếu văn, không phủ cờ. Một ngày nào đó, rồi cũng sẽ đến lượt tôi. Tôi cũng đã viết chúc thư: không điếu văn, không phủ cờ, chỉ có những giọt thầm trong tâm, giản dị tự nhiên như ngày tôi ra đời.

Một điều thật kỳ lạ là cả 3 người bạn thân thương của tôi đều hẹn nhau bỏ tôi vĩnh viễn ra đi vào những ngày kế cận sinh nhật của tôi. Kể từ năm 97 ấy, đã nhiều năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, tôi lại không thể không nghĩ đến 3 người bạn thân thương suốt chiều dài một đời người đó. Tôi nẩy ra một ý nghĩ, tôi sẽ cố tìm cho đươc một câu chuyện đẹp, kể cho vài người bạn thân nghe và cũng là để tưởng niệm đến 3 người bạn thân thương của tôi.

Lại một tháng tư nữa…

Không phải đợi đến ngày Tướng Nguyễn Cao Kỳ về thăm Việt Nam, tôi mới nghĩ tới cuộc chiến cách nay 30 năm để nhận thấy rằng đúng ra cuộc chiến đã không nên có. Cuộc chiến thần thánh chống thực dân Pháp trước đó đã được những tên phù thủy chính trị phù phép biến hóa thành một cuộc nội chiến phi dân tộc, kéo dài mấy chục năm, mà cả hai bên đều trông nhờ vào thế lực, tiền tài, súng ống của ngoại bang. Một cuộc chiến như thế thì sự kết thúc của nó cũng chẳng có gì gọi là vinh cho kẻ thắng và nhục cho người thua. Có chăng, người thua cũng như kẻ thắng nên ý thức rõ thân phận nhược tiểu của mình mà quên đi những sai lầm trong quá khứ, tìm cách nắm tay nhau, làm những việc khác hơn là tiếp tục say sưa trong men chiến thắng hoặc khư khư ôm lấy mối hận thua cuộc. Bài học thực tế và đau đớn của nước Mỹ - nhận thức sự sai lầm của cuộc chiến - đã khiến cho những ai còn lưu tâm đến vấn đề đất nước phải suy nghĩ không ít. Trong bối cảnh đó, nếu có người nói "cuộc chiến bẩn thỉu" thì cũng chỉ là điều khiến sự suy nghĩ của mình càng thêm thấm thía mà thôi.

Tôi liên tưởng đến cuộc tiếp xúc giữa bà Oriana Fallaci, một tên tuổi lớn trong làng báo chí thế giới, với Tướng Nguyễn Ngọc Loan, một ông tướng đã làm nhiều ông tướng khác run sợ, tại bệnh viện Grall, nơi tướng Loan nằm điều trị vết thương bị đạn gẫy chân. Trong cuộc tiếp xúc này, Tướng Loan đã nhắc lại lời nói của ông với bà Oriana Fallaci ("Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi…" do Lê Minh Đức dịch, Hồng Lĩnh xuất bản):

“- Hôm đó, tôi đã nói với bà, chắc bà còn nhớ: Tôi sinh ra không phải để làm lính, làm cảnh sát, tôi không thích chiến tranh. Đúng vậy. Một số người thấy được kích thích trong chiến tranh, họ thấy thích đánh nhau, nhưng tôi thì không. Trong chiến đấu tôi chỉ thấy sợ hãi, sợ trước trận đánh, sợ sau trận đánh… Tôi chán ghét nghề của tôi, tôi luôn chán ghét nó, thật kinh khủng khi phải làm cái nghề mình không thich, cứ mơ ước được mặc quần áo dân thường, xa cái nghề này hàng ngàn cây số… Tôi căm ghét những bộ quân phục. Tôi căm ghét cả tấm chăn đắp này! (tấm chăn quân sự).”

“- Tôi vào quân đội ngòai ý muốn: tôi là một người yếu đuối, tôi không dám từ chối với bạn bè. Đã nhiều lần tôi muốn chốn đi. Đi xa… Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, bất kỳ đâu người ta chịu tiếp nhận tôi cư trú. Nhưng sau đó thì tôi tự bảo không, tôi không thể làm như vậy, tôi không được làm như vậy. Tôi đã dính líu quá nhiều vào cuộc chiến này. Tôi đã bắt buộc ở lại đây, bằng mọi giá. Tôi không bao giờ còn có thể trốn đến một nơi yên tĩnh, với âm nhạc, với thơ, với hoa hồng của tôi nữa rồi… Tôi bây giờ không còn đáng kể gì nữa rồi, tôi không còn quyền lực gì nữa, nhưng tôi muốn nói với tướng Giáp, tôi muốn nói với ông Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau đi.”

Cuộc chiến nào thì cũng dễ khiến cho con người trở nên độc ác. Đã có bao nhiêu người trong chúng ta muốn nói như tướng Loan? Đã có bao nhiêu người trong chúng ta bị xô đẩy vào một cuộc chiến mà đúng ra không nên để xảy ra?

“...Con người đang nằm trước mặt tôi hôm nay”, bà Oriana Fallaci viết thêm về Tướng Loan, “là một con người khác, khác đến nỗi tôi không còn thấy xấu xí nữa. Và có lúc, tôi còn thấy đẹp là khác.”

Tôi không có khiếu thẩm mỹ, tôi cũng không phải là người có khả năng nhận xét sự việc một cách sâu sắc nên không dám khen đẹp chê xấu. Tôi chỉ thấy lòng mình dâng lên một nỗi xúc động thật mãnh liệt khi viết lại những dòng chữ này.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000

* * *

No comments:

Post a Comment