Thursday, March 20, 2014

Câu Đối Tết

Bá Thọ

"Anh ơi anh, dậy đi thôi."

Tôi còn đương ngái ngủ, mở hé con mắt, thấy trời đã sáng tỏ, thì lại nghe tiếp tiếng mụ vợ tôi nheo nheó: "Em đã đun sẵn nước sôi rồi, chế trong bình thủy, để chốc nữa anh pha cà phê."

Tôi biết ngay là có chuyện rắc rối , vì có mấy khi mà mụ vợ tôi lại chu đáo như vậy. Tôi tung chăn, vuôn vai, ngồi dậy ngáp một cái đến muốn vẹo cả quai hàm. Tôi làu nhàu nói: "Thứ bẩy ngày nghỉ, sao không để anh ngủ cho đã một chút, làm gì đánh thức anh dậy sớm vậy?"

Nhà tôi hai tay chống nạnh, nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói: "Tối hôm qua, em đã nói với anh, mai là hai mươi ba tháng chạp, em phải ra chợ Hôm mua mấy thứ về để cúng Ông Táo, còn về phần anh là phải lên phố hàng Đào nhờ viết mấy câu đối về treo nhà, anh quên rồi hay sao?"

Tôi vội vàng đáp cho xong chuyện: "Nhớ, nhớ rồi, khỏi phải nhắc nữa." rồi nhào ra khỏi giường, rửa mặt, đánh răng, chẳng buồn pha cà phê, mặc vội quần áo, rồi băng ra khỏi cửa để tránh khỏi nghe thấy những lời hằn học của vợ tôi: "Chồng với con, động nhờ chút việc là mặt sưng lên một đống."

Nhà tôi ở khu chợ Hôm, gần nhà thương Đau Mắt, chỉ cách có hai con đường là ra tới chợ và đường xe điện Bạch Mai/Cổ Ngư rồi. Leo được lên toa sau của xe điện là cả một sự vất vả, vì hôm nay thiên hạ đi ra ngoài mua sắm qúa đông.

Xe chạy chậm rì rì, chốc lại ngừng, qua rạp chiếu bóng Majestic, tới bờ hồ Hoàn Kiếm, dọc theo hàng cây sấu trụi lá và những rặng liễu xanh phủ xuống hồ, qua nhà Bưu Điện, vườn hoa con Cóc, Đền Ngọc Sơn, rồi quẹo cua để ngừng lại ở chỗ hai xe điện tránh nhau, trông sang bên kia đường là hiệu thuốc tây Vũ Đỗ Thìn.

Tôi xuống xe, băng ngang đường, dọc lên phố Cầu Gỗ, rồi rẽ sang phía tay mặt để vào phố Hàng Đào. Khí trời mát mẻ, gió hồ thổi nhẹ, tôi thọc hai tay vào túi quần rồi đi dạo ngắm dọc theo phố. Hai bên lề đường đầy dẫy những thày đồ, người thì lom khom mài mực, người thì hý hoáy viết, thiên hạ xúm đông xem người thì tán thưởng văn chương lưu loát, kẻ thì tấm tắc khen chữ viết như rồng bay phượng múa. Phía xa gần góc phố có một ông đồ già, ngồi bó gối, vẻ mặt buồn thiu. Tôi tiến lại gần và ngỡ ngàng thốt lên một câu: "Thày, trời ơi, là thày hả?"

Ông ta ngước mắt nhìn tôi, vẻ mặt ngạc nhiên, đăm chiêu suy nghĩ. Tôi ngồi xuống bên cạnh và nói tiếp: "Con đây này, con là thằng cu Tý, chuyên môn trốn học của thày ngày trước đó mà; Thày quên con rồi hay sao?"

Ông ta chậm rải trả lời: "Thế à, tôi nhớ ra rồi; mà bây giờ cậu ra sao? Đã lập gia đình chưa?"

Tôi đáp rằng đã có và cả nhà khoẻ cả. Theo lời vợ dặn, tôi nhờ ông viết cho một cặp câu đối để treo trong dịp tết. Ông ta hỏi tôi: "Cậu muốn viết như thế nào đây? Phúc Lộc Thọ hay là gì khác thì cho tôi biết"

Tôi trả lời là: "Tuỳ thày, con không có ý kiến."

Ông ta từ tốn lấy nghiên ra mài mực và sửa soạn giấy ra để viết. Dáng vóc gầy gò che phủ bởi chiếc áo dài thâm đã bạc mầu, chứng tỏ một cuộc sống cam khổ của ông ta làm tôi rơi lệ. Mắt nhòa, tôi thẫn thờ, rồi cả một dĩ vãng từ từ hiện ra trong trí óc tôi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
"Dậy đi con, trưa rồi, sưả soạn đi học cho kịp không kẻo trễ."

Mẹ tôi dịu dàng đánh thức tôi và người còn dúi vào tay tôi một củ khoai luộc còn nóng hổi. Tôi vội vàng ra sân rửa mặt, chạy vào trong buồng quơ vội cuốn sách Tam Tự Kinh, băng ra ngoài ngõ, vừa đi vừa ngốn củ khoai lang. Mẹ tôi còn nói với theo: "Đừng có trốn học nữa nhé, con ngoan của mẹ."

Nhà tôi người làng Khương Trung, thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông. Nếu ai từ Hànội muốn đi Hà Đông thì phải qua khu làng tôi. Mấy năm gần đây, ông Tiên Chỉ trong làng có mời một thày đồ về để giậy các con em. Quê quán và tên họ của ông ta ra sao không mấy người biết, nhưng người trong làng thường gọi ông là thày Đỗ. Tuy tên là Đỗ nhưng trong suốt mấy khóa thi Hương vừa qua, ông ta đều bị lọt sổ cả. Ông tiên chỉ đã dùng căn nhà ngang ba gian, một gian để cho ông thày trú ngụ, còn hai gian còn lại làm phòng học cho các trẻ em trong làng. Năm đó, tôi vừa đúng bẩy tuổi, mẹ tôi xin với ông tiên chỉ cho tôi theo học thày Đỗ.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi cắp sách đến trường, sao lòng tôi cảm thấy buồn rời rợi, ôi còn đâu những ngày tôi lang thang trên đê để thả diều cùng với thằng Thẹo con ông lý trưởng hoặc bắt bướm dọc theo rặng cây dăm bụt ở sau đình làng cùng với con Hĩm ở nhà bên; Thày tôi là phó lý nên công việc rất bận rộn. Cũng vì vậy mà việc học hành của tôi đều do mẹ tôi lo liệu một mình. Mới đầu tôi còn nhõng nhẽo không chịu đi học, mẹ tôi dọa mách thày tôi, tôi cũng không sợ, sau mẹ tôi phải xuống nước dỗ ngon dỗ ngọt với tôi là có cả thằng Thẹo lẫn con Hĩm theo học nên tôi mới chịu, và còn ra điều kiện nếu không có hai đứa này thì tôi không đi học đâu.

Thằng Thẹo cậy mình là con Lý Trưởng hay trốn học và rủ tôi đi theo luôn, còn con Hĩm thì học dốt, không mấy khi thuộc bài, nên cũng về hùa với bọn này, khi thì câu cá khi thì thả diều hay bắt bướm, mệt thì nằm dài dưới gốc đa trước sân đình, đợi giờ tan học thì về nhà. Thày Đỗ đã nhiều lần mách với mẹ tôi, nhưng vì thương con nên đã giấu chuyện này không cho thày tôi biết. Thày Đỗ rốt cuộc chịu thua, và tôi nổi tiếng là tên lười biếng nhất trường mà còn là vua trốn học nữa…

Mà sao quái lạ, hôm nay không thấy bóng giáng con Hĩm và thằng Thẹo đâu cả, có lẽ nào chúng nó đều bị ốm hay sao. Tôi vòng lên đê, trở ngược lại sân đình, là những nơi mà chúng tôi thường hay hẹn hò để rong chơi, nhưng sao hôm nay không gặp được đứa nào cả. Tôi thấy anh Mõ định hỏi thăm thì anh ta lên tiếng trước: "Uả cu Tý, sao còn lang thang ở đây, hôm nay là buổi học cuối cùng mà, cậu không biết à?".

Tôi mở to con mắt, há hốc mồm, mãi mới thốt được một câu: "Thế hả, anh Mõ." Rồi không kịp hỏi han đầu đuôi câu chuyện ra sao, tôi cắm đầu cắm cổ, chạy thẳng một mạch tới trường. Uả sao mà lớp học yên tĩnh thế này, không nghe thấy tiếng ê a trả bài như mọi bữa. Tôi dón dén bước vào bên trong.

Khác hẳn mọi ngày, khi trông thấy tôi, thày Đỗ dịu dàng nói: "Cu Tý đấy à, ngồi xuống đi, con đến vừa kịp lúc."

Thày Đỗ từ tốn lấy cặp kiến trên mắt, hà hơi rồi dùng vạt áo lau cho sạch. Bằng một giọng rung rung, thày nói: "Hôm nay thày cho các con hay là buổi học cuối cùng với các con. Tuần tới sẽ có cậu giáo Tú về thay thày để giậy các con học chữ Quốc Ngữ. Các con phải chăm chỉ học hành. Các con đều biết, Ngọc bất trác, bất thành khí, và thày cũng đã giậy các con là Nhân bất học, bất tri lý, Ấu bất học, Lão hà vi."...

Thày còn giảng giậy nhiều, nhưng mắt tôi mờ, tai tôi ù, tôi có nghe thấy gì đâu. Cho đến khi thày Đỗ cho các học trò về sớm mà tôi cũng không hay. Thày Đỗ lấy tay nhẹ xoa lên đầu tôi và nói: "Các trò đã về hết cả rồi, con cũng về nhà đi thôi, con đừng có buồn phiền, duyên phận thày trò tuy ngắn ngủi, nhưng thày không quên các con đâu"

Tôi cúi đầu lễ phép chào, thẫn thờ bước ra khỏi cửa...
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Một bàn tay để nhẹ lên vai tôi làm tôi bàng hoàng thức tỉnh. Với một giọng dịu dàng và từ tốn thày Đỗ nói: "Thấy cậu có vẻ mệt mỏi nên tôi không đánh thức cậu; chắc đêm qua cậu mất ngủ, có phải không".

Tôi vội vàng đáp: "Thưa thày không, con chỉ đương miên man nghĩ tới những ngày qua của tuổi ấu thơ theo học với thày mà thôi".

Thày Đỗ nói: "Thật vậy à; lâu qúa rồi mà cậu nghĩ tới làm gì cho bận tâm. Tôi đã viết xong hai bức câu đối tặng cậu để treo nhà trong dịp Tết. Mực đã khô nên tôi cuốn lại rồi. Về nhà hãy mở ra xem, nếu không hay thì cũng đừng chê trách nhé."

"Dạ cám ơn thày, con đâu dám."

Rồi tôi rút ví, móc hết tiền ra, ước chừng được mười mấy đồng, đó là nửa số lương của tôi mà tôi còn giữ lại để sắm sửa trong dịp Tết. Với hai tay, tôi trịnh trọng dâng lên lên thày: "Con có một chút qùa mọn để biếu thày trong dịp năm hết Tết đến, xin thày nhận cho."

Thày Đỗ xua tay, lắc đầu từ chối, nhưng tôi khẩn khoản nhất định buộc thày phải nhận nếu không thì tôi cũng không lấy hai bức câu đối mà thày đã viết cho tôi. Rút cuộc, thày phải nhận lấy số tiền; thày cẩn thận lấy một miếng giấy đỏ gói số tiền lại và cất kỹ lưỡng vào hầu bao. Cử chỉ đó khiến cho tôi cảm thấy xót xa dù không nói ra, tôi cũng đoán được hoàn cảnh của thày Đỗ trong lúc này. Qua cặp kính lão, tôi thấy đôi mắt thày ngấn lệ. Tôi cũng cảm thấy mắt tôi hơi cay cay và vội vàng quay ra hướng khác để tránh cho thày Đỗ biết.

Tôi thận trọng tiếp nhận đôi câu đối đỏ và từ giã thày để ra về. Bước lên toa xe điện, kiếm được một chỗ ngồi xong xuôi, tôi lại tiếp tục nhớ tới những qúa khứ xa xưa, và nhất là cái buổi học cuối cùng với thày Đỗ. Cả thằng Thẹo lẫn con Hĩm và kể cả tôi nữa là những tên nổi danh về trốn học mà cũng có mặt trong buổi hôm đó…

Xe điện tới chợ Hôm hồi nào tôi cũng không hay, khi xe chuyển bánh, tôi mới vội vàng băng ra cửa toa xe và nhẩy xuống. Tôi có biệt tài là nhẩy xe điện rất cừ, lên cũng như xuống, vì khi xưa còn là học trò, tôi cũng thường hay đi xe điện cọp. Nếu ai là khách thường xuyên đi xe điện thì đều phải biết đến tên tây lai mặt đỏ mà có biệt hiệu là Tây Coóc (dân đảo Corse). Hắn là kiểm soát viên trên xe điện và rất khắt khe với những hành khách đi xe mà không có vé. Nhẩy xe điện, lên hay xuống, là cả một nghệ thuật, và nhất là khi biểu diễn để nhẩy xuống, ôi nó đẹp làm sao, vì nếu nhẩy giỏi thì chẳng khác gì Đại Bàng hạ cánh cả. Này nhé, tay trái nắm lấy tay vịn của toa xe, chân trái bước xuống thềm dưới, rồi chân phải đưa ra phía đường, từ từ chuyển mình, đặt chân phải xuống mặt đường, xoay đầu theo chiều kim đồng hồ, buông nhẹ thân hình, trong khi đó hai tay dang ra như đôi cánh của chim Bằng, chân phải làm trụ còn chân trái giơ cao dọc với thân mình. Không dễ đâu các bạn ạ, và nếu muốn thành tựu thì ít nhất cũng phải nhiều phen rách quần rách áo, trầy đầu gối hay trẹo xương mắt cá đấy.

Lâu lắm tôi mới lại có dịp trổ tài nhẩy tầu này; hơi lúng túng, vì bỏ đã lâu tuy nhiên cũng không vì thế mà kém phần đẹp mắt, và cảm thấy hãnh diện khi thấy những người ngồi trên toa xe điện ngoái đầu lại chiêm ngưỡng.

Tôi bước lên lề hè thì chợt nhớ là trong lúc vội vàng, đã để quên đôi câu đối đỏ trên toa xe điện mất rồi. Nhìn ra đường sắt thì xe điện đã mất hút về hướng Bạch Mai, có đuổi theo cũng không kịp. Tôi đành phải nghĩ cách nói dối với mụ vợ, bị kẻ cắp móc ví lấy hết tiền, cũng may mà nó còn quăng trả các giấy tờ tùy thân, chứ không thì còn phiền phức nhiều. Tôi đương đợi chờ vợ tôi rầy la thì ngoài sức tưởng tượng cuả tôi, vợ tôi lại ngọt ngào an ủi tôi: "Anh ạ, năm tới là năm tuổi của anh, thôi thì của đi thay người, anh đừng bận tâm làm gì."
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhưng làm sao tôi không bận tâm cho được??????

Đã liên tiếp mấy năm rồi, cứ mỗi lần Xuân tới, tôi lại đảo lên phố hàng Đào để tìm lại thày Đỗ năm xưa. Tôi hỏi thăm rất nhiều thày đồ nhưng ai cũng lắc đầu trả lời không biết. Hai bức câu đối mà thày Đỗ đã viết tặng cho tôi trong dịp Tết của mấy năm trước đây, cũng là di bút cuối cùng của thày mà nỡ lòng nào tôi đã làm mất đi, không những thế, thày đã viết gì trong đó mà nào tôi có hay.

Thày Đỗ ơi, con thật có lỗi với thày, con cũng chắc chắn là thày đã dành cho con mọi điều hay điều tốt, cũng chẳng kém gì hai câu mà thiên hạ thường hay chúc tụng trong dịp đầu năm:

"Phúc Như Đông Hải
"Thọ Tỷ Nam San."

Có phải thế không thày Đỗ?????????????????

Trò Tý của thày
Bá Thọ



No comments:

Post a Comment