Sunday, May 12, 2013

Trái tim Bích Khê Thôn

Đoàn-Bạch-Yến
(Ngày của Mẹ, 12 tháng 5 - 2013)


Sau cơn lũ-lụt, hôm nay trời quang mây tạnh hơn, nhưng nước sông vẫn còn dâng cao. Vài chục người đi buôn đã bỏ lại hàng-hóa của họ trên những chiếc xe chở hàng miền Trung, cùng xuống một con đò để qua bên kia bờ hầu tiếp tục đi về bằng nhiều phương-tiện khác, chờ khi nước rút, đường xá hết ngập lụt, hàng-hóa của khách đều được các chủ xe chở về đến thành phố cho họ.

Chiếc đò vừa xô ra khỏi bến, hai thanh niên lực-lưỡng cầm vững tay chèo, cố hết sức chèo băng ngang qua con sông rộng. Khi đến giữa dòng sông, bỗng trời nổi cơn gió lớn, nước sông chảy xiết hơn đã làm cho con đò bị cuốn theo dòng nước lũ.

Một cột buồm thật cao, thật rắn chắc đã dựng sẵn giữa con đò, tuy buồm không giăng mà con đò như bay trên mặt nước. Mọi người trên đò đều la thất thanh khi thấy đằng xa có một cây cầu bắc ngang sông đã gãy, hết thảy cùng lo-sợ bảo nhau rằng: “Đò chúng ta sẽ bị nhận chìm khi cột buồm gạt vào chiếc cầu kia.” Con đò trôi nhanh quá, không còn thời-gian để phá bỏ chiếc cột buồm được nữa. Người niệm Phật, kẻ cầu Chúa rân vang lên cả con đò. Nàng, một thiếu-phụ trên đò có đôi mắt thật buồn, miệng niệm Phật nho nhỏ, bình tĩnh mở ví lấy tấm căn cước tùy thân cột vào chéo vạt áo dài của mình thật kỹ. Nàng thầm nghĩ chốc nữa đây nếu không may nhỡ bị chết khi thuyền đắm, người ta còn biết nàng là ai và để cho con nàng nhận diện. Trí nàng lướt nhanh qua hình ảnh thân yêu của các con nàng. Nàng định thần và cố hình-dung ra khuôn mặt của từng đứa một. Hai hàng nước mắt nóng hổi lăn dài trên đôi má.

Con đò cuốn theo dòng nước càng lúc càng nhanh. Khi cột buồm sắp chạm vào thân cầu, mọi người ôm chặt lấy nhau, nhắm mắt, đợi chờ, miệng không ngớt những câu kinh. Bỗng một tiếng rắc thật lớn, khô-khan vang lên, con đò tròng-trành, nghiêng hẳn về một bên, gần như muốn trút cả đám người xuống dòng sông đục ngầu. Cột buồm gãy và con đò chui qua được gầm cầu. Tất cả đều thở phào ra nhẹ-nhõm. Không ai bảo ai, mắt ngước nhìn Trời và những câu kinh lại vang rền thêm lần nữa giữa không gian mênh-mông. Vài người mừng quá đã òa lên khóc khi thấy mình vừa thóat nạn. Sau đó gió nước lặng êm dần, cuối cùng con đò vẫn tấp qua được bên kia bờ, nhưng đã cách xa bến định đỗ vài dặm.

Đây là một trong nhiều chuyện thương tâm của người thiếu-phụ nói trên và đó cũng chính là Mẹ tôi trong suốt những năm dài đã lặn lội tảo-tần để đem lại sự sống cho chị em chúng tôi, nơi quê hương miền Trung nước Việt.

* * *
Lạy Mẹ, hôm nay con xin phép được viết vài nét về Mẹ, người đàn bà kỳ-diệu, không những của chỉ riêng con, của đại gia-đình hay bà con thân-thích, bạn bè của Mẹ, mà còn là của tất cả những ai đã biết đến Mẹ.

Con chưa từng viết bao giờ, nhưng điều mong-ước duy-nhất của con vẫn là được viết về Mẹ đôi điều.

Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia-đình quyền-quý, Mẹ tôi đã sống hòa mình với những nông-dân chân lấm tay bùn nên bà đã biết tất cả công-việc đồng áng như người dân quê.

Theo chồng khi vừa mười sáu trăng tròn, Mẹ tôi về làm dâu được bà nội tôi yêu quý. Bà nội tôi thương Mẹ tôi không khác gì thương các cháu nội nhỏ của bà. Nhất nhất có chút gì nội tôi cũng cất lại dành cho Mẹ tôi cả. Cha tôi đi làm xa nên nội tôi càng cưng quý Mẹ tôi hơn.

Tôi còn nhớ năm tôi lên mười ba, ngày đưa đám nội tôi ra nghĩa trang, Mẹ tôi đã chết ngất cạnh nấm mộ bà. Các cô bác tôi đã đổ nước lạnh vào đầu, vào người Mẹ tôi giữa trưa hè nắng gắt. Chị em tôi lại một phen khiếp sợ. Hôm đó chị tôi đội nón rơm, chống gậy vông thay cha tôi để đưa đám bà nội. Cha tôi lúc bấy giờ đang ở Liên-khu V, vùng Việt-Minh chiếm đóng, không về được.

Mẹ tôi rất thông minh. Bà học quốc-ngữ và về sau còn học thêm Pháp văn do cha tôi dạy để dùng trong lúc đi buôn-bán. Đôi khi bà cũng đấu cờ tướng và chơi bóng bàn với cha tôi. Bà còn biết đàn nguyệt và đi ngựa giỏi nữa. Có một dạo Mẹ tôi phải thường xuyên dùng ngựa để đi thăm cha tôi khi ông làm tại bệnh viện Trà-Kê, một vùng rừng núi hiểm trở, hẻo lánh.

Ngoại tôi kể lúc Mẹ tôi lên mười bốn, một hôm trong xóm có hỏa họan, Mẹ tôi hai tay xách hai thùng nước, phóng nhanh lên mái nhà bằng một cái thang tre thật là phi thường, và cứ tiếp tục xách lên nhiều bận như thế cho đến khi bà dập tắt được ngọn lửa đang phủ lên gian nhà lá của người láng giềng nghèo.

Có lần Mẹ tôi cùng vài người làm công đi cắt rau, lúc gánh ra khỏi vườn, Mẹ tôi thấy một đòan người đói rách dắt nhau đi, động lòng bà đã đem cho họ hết, rồi trở lại vườn cắt thêm nhiều gánh nữa để cho những đám người khác đang lang thang trên đường đất, mãi cho đến khi trời tối mịt không còn người nào trên con lộ nữa.

Chứng kiến vô số cảnh đói nghèo, Mẹ tôi càng quan tâm đến những người cùng cực. Nhiều lần bà đã làm ngơ khi bắt gặp những người làm công cho ngoại tôi cất dấu những túi gạo, túi đậu dưới hàng rào dâm bụt, để chiều tối lén mang về cho gia đình. Về sau họ hiểu được và tìm đến gặp riêng Mẹ tôi để xin lỗi và hứa sẽ không tham-lam nữa.

Cũng theo lời ngoại tôi, một hôm Mẹ tôi đi xem hội Tây có rất nhiều trò chơi, nhưng trò chơi làm cho Mẹ tôi bất mãn nhất là trò leo cột mỡ. Người ta dựng lên những cột cao, bôi mỡ thật trơn và treo tiền trên chóp cột. Ai trèo lên được thì lấy. Vài người nông dân nghèo cố trèo lên may ra lấy được tiền, nhưng trèo lên được nửa cột thì bị tuột dài xuống. Mấy ông Tây bà đầm ngồi xem vỗ tay, reo cười, la ó thích thú. Mẹ tôi thấy tội nghiệp cho dân nghèo mình và cảm thấy nhục chung cho dân Việt nữa. Giữa cuộc chơi, Mẹ tôi đã bỏ ra về. Ngoại tôi kể tiếp lần đó Mẹ tôi khóc ức lên và thề không bao giờ đi xem những ngày hội như thế nữa. Lớn lên Mẹ tôi càng ghét mấy người Pháp mật thám, quan thuế, khi thấy họ lục sóat, bắt bớ dân Việt và tinh thần chống thực-dân Pháp được hun đúc từ đó.

Nghe tin quân Pháp đổ bộ vào thành phố Huế, tỉnh Thừa-Thiên, Mẹ tôi quyết định đem chúng tôi đi tản cư để tránh những tai-họa có thể xẩy đến, nhất là cho đàn bà, con gái. Cùng đi với chúng tôi, có dì em Mẹ tôi, suýt soát tuổi tôi, có anh chị con bác tôi và các cháu nhỏ.

Ra đến Gio-linh rồi đến Vĩnh-linh, cuối cùng gia-đình tôi dừng chân tại làng Nhĩ-trung, phủ Vĩnh-linh. Sau đó, Mẹ tôi tìm cách liên lạc với Ủy- Ban Kháng Chiến để nhờ họ giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Có gia-đình tốt bụng nhường hẳn cho chúng tôi một căn nhà rộng-rãi. Lúc đi, Mẹ tôi mang theo đầy đủ dung-cụ của một xưởng thuốc lá nhỏ. Tất cả đều làm bằng tay. Và Mẹ tôi nhận cung-cấp thuốc lá cho bộ-đội Việt-Minh qua Ủy Ban Kháng Chiến.

Vào tuần lễ thứ hai, chúng tôi bắt đầu làm việc. Người lớn lăn, cắt, tẩm và sao thuốc lá. Chúng tôi vấn thuốc, cắt những sợi thuốc thừa ở hai đầu điếu, đóng gói.

Tôi còn nhớ như in bao thuốc lá mang nhãn hiệu “Quyết Thắng”, ngoài bao có hình anh Vệ-quốc-quân ôm súng nhắm vào địch; phía bên kia, hình một điếu thuốc cháy dở với khói bay lên. Tất cả đều do sáng kiến của Mẹ tôi.

Chúng tôi làm việc bốn giờ một ngày, thời gian còn lại dành để tắm, giặt, chợ búa, cơm nước. Mỗi chủ-nhật, Ủy Ban Kháng Chiến mang tiền đến nhận thuốc. Và hàng tuần chúng tôi đi chơi ngoài trời trọn ngày thứ năm.

Nhĩ-trung đẹp làm sao! Cát trắng xóa. Nhiều con lạch nước trong veo chảy bất tận. Có những đồi cát trắng như bông. Chúng tôi leo lên đỉnh đồi, rồi đua nhau lăn xuống chân đồi, ai đến đích trước thì thắng cuộc. Lần nào dì tôi và tôi cũng là kẻ thắng. Thế là cát vào đầy tóc, đầy miệng, đầy tai, vui quá nên quên hẳn chuyện chạy giặc.

Ở đây người ta không cần đèn; vừa tắt nắng đã lên giường ngủ. Mọi người đều ăn cơm tối vào lúc nửa chiều. Có những bữa cơm chiều, gia-đình tôi quây quần quanh một cái nốn đại (nia lớn) đặt giữa sân, vừa ăn vừa kể chuyện vui như Tết.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Có tin quân Pháp sẽ đổ bộ lên cửa Tùng trong vài ngày tới. Ủy Ban Kháng Chiến đến hỏi chúng tôi muốn tiếp tục di-tản hoặc muốn hồi cư, họ sẽ giúp đỡ phương-tiện. Mẹ tôi quyết-định trở về.

Trong thời-gian lánh nạn, Mẹ tôi vẫn tạo cho chúng tôi công-việc hàng ngày, sinh-họat bình thường, sống vui và còn khỏi tiêu thâm vào túi tiền mang theo. Nhờ óc tổ-chức, tính năng-động, Mẹ tôi đã cho chúng tôi những tháng ngày tản-cư đầy lý thú. Đó là một trong muôn vàn chuyện về Mẹ tôi mà suốt đời tôi hằng khâm phục.

Vào năm 1947, Mẹ tôi cùng gia-đình trở về thánh-phố Quảng-trị sau một cuộc tản-cư dài nhiều tháng. Bà mở một quán rượu bán cho quân-nhân Pháp lấy tên là “Bar Majestic” để làm nơi họat-động bí mật cho tình báo Việt-Minh. Bí-danh của bà là Lệ-Hoa. Các cậu và chị tôi đều có bí-danh cả. Ngoài ra, còn có thêm công-tác chiêu-dụ một tóan Lê-dương (người Đức đi lính cho Pháp) đào ngũ quay về với Việt-Minh. Ngay đêm đó, trước khi toán Lê-dương đến điểm hẹn tại Ái-tử để được bộ-đội Việt-Minh đón đi, bất ngờ một tên Lê-dương phản trắc, nên cuộc địch vận bị bại lộ. Mẹ tôi, các cậu và chị tôi bị Phòng Nhì Pháp còng tay giữa thành-phố và tống giam tại nhà lao Vườn Bông Quang-trị, rồi chuyển vào nhà lao Thừa-phủ Huế. Hai cậu tôi bị đưa ra tòa án quân-sự Tourane (Đà-nẵng ngày nay), mỗi người lãnh án ba năm tù ở. Gia-tài bị tịch thu. Cơ-nghiệp của Mẹ tôi gầy dựng trong mấy chục năm qua bỗng chốc tan thành mây khói. Ra tù với hai bàn tay trắng, Mẹ tôi còn nuôi mẹ già, con dại và thăm nuôi hai em trong tù. Trong thời gian này cha tôi đang phục-vụ cho Việt-Minh tại Liên-khu V.

Đọc đến đây, những ai họat động cho Việt-Minh trong khu-vực Quảng-trị thời đó, chắc hẳn còn nhớ đến tổ tình-báo của Lệ-Hoa.

Cuộc kháng chiến vẫn tiếp diễn, nhưng ngày lại ngày tin Việt-Minh Cộng-sản chém giết đồng-bào vô tội dồn dập về thị-xã. Hãi-hùng nhất là một đêm ở Chợ Sải, Cổ-thành. Đêm đó, Việt-Minh về chém giết dân lành thật dã-man. Già trẻ lớn bé đều bị chém loạn xạ. Có những em bé thơ đang ngủ trong nôi họ cũng chém nốt. Họ còn cắt đầu thường dân đem cắm giữa ngã ba đường. Đúng là một lũ quỷ đỏ đang khát máu người.

Mẹ tôi hãi quá và giã biệt Việt-Minh Cộng-sản từ đó. Mẹ tôi nói: “Mẹ chỉ cộng-tác với Việt-Minh để chống Pháp cứu nước chứ Mẹ không thể theo một chủ-thuyết ngoại lai nào để tàn-sát đồng bào ruột thịt như thế được.”

Và Mẹ tôi đã đi vào thiên thu cuối mùa đông năm 1973, sau hai tuần vì bị bệnh tim mạch. Mẹ tôi là người đàn bà năng-động, đầy lòng nhân, can-đảm, yêu nước và giàu nghị-lực.

Trước chiến tranh, mặc dầu là vợ công-chức nhưng bà chẳng chịu ngồi yên để thụ-hưởng. Bà buôn bán không ngừng nghỉ, nên chị em chúng tôi có được một đời sống khá đầy dủ, sung-túc. Cá tính của bà là cho, tặng. Ruột thịt cũng cho, không ruột thịt cũng cho. Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, không có để cho thì đón về nhà cùng chia cơm xẻ áo. Khi cho, bà không phân biệt đối tượng.

Mẹ tôi thường dạy chúng tôi: “Đối với những người bất hạnh, an-ủi tinh-thần thôi vẫn chưa đủ mà cần giúp đỡ về vật chất nữa. Hãy mang lại niềm vui cho kẻ khác cho dù là niềm vui rất nhỏ.” Đó là những gì Mẹ tôi muốn chúng tôi kế-thừa.

Mùa xuân năm 1972, trong chuyến về thăm quê-hương Quảng-trị, Mẹ tôi đã để lại nhiều kỷ-niệm đầy ân-tình nơi đó. Bây giờ bà con nội ngoại tôi vẫn nhắc đến Mẹ tôi mỗi khi gặp chúng tôi.

Mẹ tôi cũng lắm phen làm ăn thất bại vì cả tin tha nhân. Vào cuối thập niên 50, thỉnh thoảng tôi mang con về thăm gia-đình. Lần đó, tôi thấy Mẹ tôi phiền-muộn và bực-bội không ít do sự bê-trễ tiền bạc của khách hàng. Tôi nói: “Hằng năm về thăm Mẹ, con đều thấy Mẹ khổ sở vì bà khách hàng nầy. Nếu họ không đứng-đắn trong giao-ước tiền bạc thì Mẹ đừng bán hàng cho họ nữa có hơn không. Con thấy Mẹ khổ quá, một toa hàng văn-phòng-phẩm lời được bao nhiêu mà tội-nghiệp Mẹ quá vậy.” Mẹ tôi đáp: “Ở Qui-nhơn nầy không còn một ai bán thiếu cho bà ta nữa, nếu mẹ cũng không bán thì mười ba đứa con của bà ta chết đói.” Nghe vậy, tôi thấy hổ-thẹn với Mẹ tôi. Sao Mẹ mình sợ thiên-hạ chết đói mà mình lại không, và cũng nhờ đó tôi càng thấy rõ lòng vị-tha của Mẹ tôi hơn. Về sau, bà ấy thành-công lớn ở thành-phố nầy. Ngày Mẹ tôi mất, bà ta đến phúng viếng và đã khóc nức nở.

Lạy Mẹ, nếu viết về Mẹ thì con vẫn mang một tội thật lớn với Mẹ là viết thiếu sót rất nhiều. Trên đây, con chỉ góp nhặt vài mẩu chuyện từ ngoại, các cậu, Mẹ và những gì con đã biết từ khi thơ ấu cho đến lúc lớn khôn được sống cạnh Mẹ để thỏa-mãn phần nào lòng con mà thôi.

Các cậu mợ, các dì của con và các bạn nối khố của Mẹ thường nói Mẹ là con người siêu-phàm.

Mẹ ơi, con xin nhắc thầm với Mẹ một kỷ-niệm nhỏ của con Mẹ nghe. Lúc Đệ-nhị Thế-chiến chưa chấm dứt, Mẹ đem chúng con về sống với bà nội tại Đâu-kênh, Quảng-trị, để tránh bom đạn. Con còn nhớ một hôm con đã hét ré lên và chạy ngược lại gian nhà ngang đến úp mặt vào hai đùi trần mát rượi của Mẹ, lúc Mẹ đang ngồi nghỉ tay khi vừa giã xong cối gạo. Mẹ phải xắn gọn quần lên để làm việc. Hai tay Mẹ ôm đầu con, mặt Mẹ cúi thấp xuống trấn an con: “Hú ba hồn chín vía con tôi! Cái gì thế? Cái gì làm cho con khiếp vậy?” Mẹ nhớ không? Hôm đó con đi lấy cho Mẹ bát nước chè đằng cuối gian nhà tối om, con thấy hai chấm thật sáng chiếu thẳng vào con trong đêm tối, khiếp quá con đã vứt cái bát mà chạy lại ôm chầm lấy Mẹ. Sau đó, Mẹ mang cây đèn dầu đến rọi thì ra một chú mèo đen đang ngồi trong góc nhìn ra. Từ đó, con sợ mèo và không còn thích chơi với mèo nữa.

Mẹ ơi, lòng Mẹ bao la quá, dạt-dào quá. Mẹ đã cho chúng con hình hài và còn cho chúng con chiêm-ngưỡng một kỳ-quan tuyệt-diệu của nhân-lọai. Đó là trái tim của Mẹ. Trái tim của Mẹ cũng là bức thành kiên-cố nhất đã bảo-vệ đời sống chúng con từ khi mới lọt lòng.

Chúng con thật diễm phúc được làm con của Mẹ.

Kính dâng Mẹ.
Con của Mẹ: Đoàn-Bạch-Yến


Ghi chú:
Mẹ tôi là bà Hoàng-Thị Bích-Hà, chủ hiệu buôn Bích-Phong, Qui-nhơn. Quê: Thôn Bích-Khê, Triệu-phong, Quảng-trị. Ái nữ của Cụ Thái-Thường Tự-Khanh Hoàng-Hữu-Bỉnh, dưới triều vua Đồng-Khánh. Chánh thất của ông Đoàn-Từ, quê thôn Đâu-Kênh, Triệu-Phong, Quảng-trị.


No comments:

Post a Comment