50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
1. Một thoáng ấu thơ - 2. Bên lề khu chiến - 3. Qui hồi cố thành -
4. Quân hành lỗi nhịp - 5. Tháng tư bát nháo - 6. Lại một bắt đầu -
7. Nhớ về cuộc chiến - 8. Nghĩ về tình người
4. Quân hành lỗi nhịp - 5. Tháng tư bát nháo - 6. Lại một bắt đầu -
7. Nhớ về cuộc chiến - 8. Nghĩ về tình người
4. Quân hành lỗi nhịp
Một-Chín-Năm-Ba. Tôi thi trượt tú tài 2, bị động viên vào Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nhưng tôi đến Bộ Chỉ Huy Quân Khu 3, làm đơn xin Tướng Vận can thiệp cho tôi theo học Khóa 10 Võ Bị Đà-lạt cũng sắp khai giảng vào dịp đó. Vì tôi có bằng Tú Tài 1, không phải qua cuộc thi tuyển nên đơn xin của tôi được chấp thuận. Tôi không nhớ ông Tướng Vận họ gì, hình như họ Nguyễn, Nguyễn Văn Vận thì phải.
Mãn khóa vào tháng 6 năm sau, tôi được phép trở về Bắc để đưa gia đình vào Nam.
Tôi về làng tử giã bác Phổ. Bác dơ tay chào và gọi tôi là Thiếu úy. Tôi quỳ xuống ôm chân bác, xin bác cứ gọi tôi bằng tiếng cháu như khi xưa. “Cháu đã từng đi khu chiến, và ở khu chiến về. Bây giờ cháu vào Nam, có thể miền Nam sẽ cũng là một khu chiến khác đấy!” Câu nói của bác khiến tôi liên tưởng đến 2 chữ “trí thức”.
Đối với tôi, bác là một người trí thức tuy bác bỏ ngang việc học hành từ tấm bé. Tôi suy nghiệm thấy những người học ít không nhất thiết đều không phải là người trí thức, và những người học nhiều chưa hẳn đã là người trí thức! Bác Phổ theo tôi đến tận bến xe để tiễn tôi trở về Hànội. Tôi bước nhanh lên chiếc xe hàng đã chật người, gục mặt vào thành xe, không dám quay nhìn bác: “Bác Phổ ơi, cháu xin vĩnh biệt bác. Bố cháu đã mất, Mẹ cháu quê mùa, rồi đây ai sẽ là người hướng dẫn cháu trên bước đường thiên lý trước mặt?”.
Gia đình tôi đáp chiếc tàu há mồm chật ních ngưòi, vào Nam. Khi tình trạng gia đình tạm ổn định, tôi xin chuyển sang Không Quân và được chấp thuận. Đây là khúc quanh gắn chặt tôi với cá tính con người tôi, và cá tính con người tôi đã tạo nên định mệnh của tôi.
Ngày 7 tháng 9, 2001
Anh Ng. thân kính,
Summer is fading into fall...
Vâng, ở đây hạ đang tan nhòa vào thu, nhưng hôm nay tôi viết gửi anh thư này không phải để kể anh nghe chuyện thu mà là để đền đáp trong muôn một những ý tình gói ghém trong câu viết của anh ngày 28 tháng 8, 2001. Anh viết: “Quý ơi, không gần làm sao hiểu nhau, để kính rồi thương mến nhau. Xưa kia tôi với anh chỉ thấy nhau, biết nhau mà chẳng có dịp gần nhau để thân thương từ độ đó. Có lẽ vì ngành nghiệp cách trở, nhà không chung ngõ nên ít giao tiếp thành tôi suýt mất một bạn hiền nhiều tài ba đáng nể.”
Câu viết của anh đã khiến tôi vô cùng xúc động. Mãi đến hôm nay tôi mới lấy lại được chút bình tĩnh để nói với anh vài lời về thằng bạn mà anh suýt mất, hay là về cái “ta” của thằng tôi. Cái “ta” mà thằng Tây nó chúa ghét nhưng nếu không có nó là không xong ấy. Ôi cái “ta”, nó vĩ đại lắm, nó kinh khủng lắm, choảng nhau bể đầu biêu trán cũng vì nó đấy!
Thú thật với anh, khi nói đến cái “ta” thì cái “ta” của thằng tôi này cũng vĩ đại, cũng kinh khủng như cái “ta” của bất cứ người nào trên cõi đời này. Gần trọn đời, tôi đã cố kìm giữ nó, không cho nó bung ra, vùng lên. Nhưng hôm nay thì nó vùng lên, bung ra... Có lẽ vì cố kìm giữ nó mà tôi đã trở thành một người cô đơn ngay từ thuở mới tập tễnh bước chân vào đời chăng? Anh ít có dịp gần tôi nên “không gần làm sao hiểu nhau” là điều dĩ nhiên. Nhiều người gần tôi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mà cũng chẳng thấy có tôi nữa cơ, anh Ngọc ạ. Có thể cũng là do “ngành nghiệp cách trở” một phần.
Khúc quanh gắn chặt tôi với cá tính con người tôi, nói cách khác, tạo nên cá tính con người tôi là những chuỗi ngày đầu tiên của tôi trong KQ. Tôi được lệnh về trình diện Trung Tá Trần Văn Hổ, Phụ Tá KQ tại đường Testard, để khám sức khỏe sang Tây học lái máy bay. Một thời gian chờ đợi khá dài sau khi khám sức khỏe xong, tôi được biết là tất cả các khóa du học bên Tây đều được hủy bỏ, và tôi sẽ được gửi sang Mỹ thụ huấn nhưng không phải để học lái máy bay mà là học về bảo trì phi cơ. Đến khi nhận cái ITO để lên đường đi du học thì tôi lại đọc thấy là tôi sẽ đến Lowry AFB, Denver, Colorado để học về vũ khí.
Tôi không rõ tại sao lại có chuyện từ đi học lái máy bay chuyển sang đi học về bảo trì, rồi sau cùng là đi học về vũ khí. Đi Mỹ là mộng ước của tôi lúc đó nên tôi cũng không thắc mắc nhiều. Nhưng Papa Sai thì sì-nẹc khi nghe tôi kể lại, mặc dù ông không hề quen biết tôi trước đó. Ông tự động lên Bộ Tổng Tham Mưu để tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện xem sao và biết được rằng một áp lực nào đó đã đẩy tôi từ học lái máy bay sang học về bảo trì, rồi một áp lực thứ hai lại đẩy tôi từ học về bảo trì sang học về vũ khí. Cái áp lực thứ hai này là TDTh., anh ruột Trần Doãn Hoành, lúc bấy giờ làm Trưởng Phòng Quân Huấn tại Bộ Tổng Tham Mưu. TDTh. đã hoán đổi cương vị của tôi và Trần Doãn Hoành bởi vì trong KQ cái nghề vũ khí khó mà thăng quan tiến chức được! Papa Sai nói với tôi: “Chúng nó bắt ép em, để qua đưa em lên gặp ông Tỵ” (Papa Sai trước đó là lính Tây cùng thời và là bạn với Tướng Tỵ). Tôi không đồng ý vì tôi quen biết Trần Doãn Hoành và thấy mọi chuyện cũng đã đâu vào đấy rồi. Từ đó Papa Sai thương tôi như một đứa em.
Sau này tôi cũng nhận thấy “cái nghề vũ khí khó mà thăng quan tiến chức được” quả là một chân lý. Phan Đàm Liệu bỏ ngành vũ khí, làm Chánh Văn Phòng cho Tướng râu kẽm và chắc là có nhiều bổng lộc. Nguyễn Khoa Điềm bỏ ngành vũ khí, chạy sang chuyển vận và đã được thăng quan tiến chức. Nguyễn Tấn Thọ cũng bỏ ngành vũ khí, dọt sang yểm cứ và cũng được thăng quan tiến chức.
Năm 1956 tôi được thuyên chuyển về Căn Cứ Trơ Lực KQ Biên Hòa trong kế hoạch tiếp nhận Phi Đoàn 1 Khu Trục (Bearcat) do Tây chuyển giao. Ngoài thành phần hoa tiêu, thành phần kỹ thuật của Phi Đoàn gồm có: Quản Đức Phết, Trung úy, Sĩ quan Tiếp liệu; Bùi Hoàng Khải, Chuẩn úy, Sĩ quan Phi trang; Trần Minh Tiên, Thiếu úy, Sĩ quan Vô tuyến Điện tử; Nguyễn Văn Trung, Thiếu úy, Sĩ quan Bảo trì; Từ Văn Bê, Thiếu úy, Trưởng Ban Kỹ thuật; và tôi, Trung úy, Sĩ quan Vũ khí (sau này tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh và Nhan Văn Thành thay tôi). Hình như có cả Trần Doãn Hoành, Trung úy, và Bồ Đại Kỳ nhưng nếu có thì tôi không nhớ Hoành giữ chức vụ gì và cũng không nhớ rõ cấp bậc cũng như chức vụ của Kỳ. Cái trớ trêu ở đây là Từ Văn Bê, người được chỉ định cầm đầu ngành kỹ thuật trong Phi Đoàn, lại mang cấp bậc thấp hơn Quản Đức Phết và tôi. Để giải quyết vấn đề này, người ta đặc cách thăng cấp Trung úy nhiệm chức cho Từ Văn Bê cái rụp.
Trong đầu óc trong trắng của tôi lúc bấy giờ bất chợt nhen nhúm lên một cái gì hơi chua chát và nhận thấy cái giá trị của đôi lon Trung úy mang trên vai chẳng có nghĩa gì. Người ta có thể ban phát cho bất cứ ai nếu người ta muốn. Tôi cũng manh nha thấy rằng hình như điều kiện “cần và đủ” trong cuộc sống, trong KQ nói riêng, là phải xoay xở, chạy chọt. Không xoay xở, không chạy chọt thì không thể thành công được. Tôi bắt đầu hiểu tại sao Bố tôi lại chỉ trang bị cho tôi một gói hành trang duy nhất để bườc chân vào đời là câu căn dặn: “Tịch Bất Chính Bất Tọa” hay là “Chiếu Không Ngay Không Ngồi”. Hơn bao giờ hết, tôi đã sớm lãnh hội được cái ý nghĩa sâu xa của lời căn dặn và lời căn dặn này đã trở thành chiếc kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi. Tôi tự nguyện với mình: “Thà phải chơi một mình chứ nhất định không ngồi vào những chiếc chiếu lệch lạc, dù đó là chiếc chiếu cạp điều”.
Từ đó, tôi chỉ chú tâm vào việc hoàn thành một cách tốt đẹp những công việc nhỏ nhặt thường ngày, trong sở, ngoài đời, trong gia đình, và coi đó là một sứ mạng cao cả của mình. Con đường thăng quan tiến chức hình như chẳng có gì liên quan đến tôi và hai chữ danh vọng chẳng mảy may làm tôi bận tâm. Tôi nhớ, sau lần thăng cấp đợt một, năm 1974, ông xếp trực tiếp của tôi vỗ vai tôi ra cái chiều an ủi (!): “Kỳ tới moa sẽ ‘chạy’ cho toa”. Tôi cười thầm trong bụng khi tìm ra cái chân lý: Muốn được thăng quan tiến chức thì phải "chạy" mà tôi lại chỉ muốn "đi" chứ không muốn "chạy"!
Có lẽ vì cái quan niệm hơi tiêu cực không giống ai nói trên mà trong KQ, ngoài tình đồng đội, tôi chỉ có “bạn mã-tước, xập-xám, tứ-sắc, xì-phé...” chứ ít có “bạn hữu”. Nói đúng hơn, tôi có bạn lính chứ không có bạn quan. Người chỉ huy trực tiếp xưa kia của tôi, đã nói một câu khá chí lý: “Thằng Quý chẳng chịu chơi với ai, nó chỉ chơi với lính”. Ý ông nói tôi không chịu chơi với quan mà chỉ chơi với lính, chơi với lính nó mất tư cách đi! Thực ra, tôi cũng chơi với quan đấy chứ, ít ra là hai người, hai người ấy vừa là hai người anh vừa là hai người bạn, đó là Papa Sai và Tướng Loan. Papa Sai thì như tôi đã nói ở trên còn Tướng Loan thì xin kể anh nghe một câu chuyện như sau:
Vào khoảng giữa năm 1974, một vài thằng lính vũ khí bị Thiếu Tá Liệu, Trưởng Phòng An Ninh SĐ5KQ bắt bỏ tù vì tội đã lấy 7 cái thùng gỗ đựng đạn đem bán được hơn 100 đồng rồi chia nhau. Tôi điện thoại xin tha cho chúng, không được. Tôi nhờ xếp can thiệp, xếp ngại ngùng. Thấy gần một tuần mà chúng chưa được thả về với vợ con, tôi sốt ruột đến nhà riêng Tướng Loan để xin can thiệp.
- Xin Tướng ra lệnh thả chúng về với vợ con. Tội nghiệp, chúng đói quá làm liều, chỉ mong cho nồi cháo đặc thêm chút ít mà thôi. Nếu Tướng muốn tóm hạm thứ bự tôi xin trình lên Tướng ngay. Trong KQ chúng ta chẳng thiếu gì.
- Mày nói thế không sợ tao bỏ tù à?
- Tôi không làm gì bậy cả. Tướng không nỡ bỏ tù tôi đâu.
Tướng Loan nắm tay tôi, nói như đuổi tôi ra cửa:
- Mày là thằng hiểu tao, Quý ơi. Tao thương mày. Tao không thể bỏ tù mày được. Về bảo thằng Liệu thả chúng ra ngay, đó là lệnh của tao, nghe chưa?
Cái tình Tướng Loan dành cho tôi là như vậy. Tôi trân quý nó như trân quý cái tình mà Papa Sai đã dành cho tôi. Chưa bao giờ Tướng Loan gọi tôi bằng bất cứ tiếng gọi nào khác ngoài tiếng “mày” kể từ ngày tôi quen biết ông khi phục vụ tại Phi Đoàn 1 Khu Trục cùng với một số người khác như Huỳnh Hữu Hiền, Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Quang Tri, Huỳng Bá Tính, Khánh heo, Khánh khỉ…, và một số anh em thuộc khóa 13 hoa tiêu khu trục đầu tiên thụ huấn bên Pháp…
Các bạn lính của tôi thì vô số kể. Tôi thương chúng như thương chính mình, nhất là những thằng lính vũ khí, suốt ngày ngoài sân để chất xếp hàng chục tấn bom đạn lên phi cơ, đến nỗi có đứa về nhà tay sưng húp, bưng không nổi bát cháo. Có những cái Tết, nhà tôi và tôi kéo nhau đi chợ mua lá, mua gạo, mua thịt, mua đỗ, mua củi... rồi gọi một số lính tới nhà gói, luộc bánh chưng thâu đêm suốt sáng. Nhà tôi và tôi đã sung sướng nhìn những nét mặt đầy hân hoan khi được chia tặng mỗi đứa vài cặp bánh mang về cho lũ con nheo nhóc đang chờ quà Tết ở nhà. Có lúc sợ qua đêm không gói, luộc xong để rồi sáng hôm sau lại phải vào sở làm việc sớm, tôi đã hét lên như trong một... cuộc điều quân ngoài trận tuyến: “Nhanh tay lên. Nóng thì cởi trần ra. Nếu có vài giọt mồ hôi rơi xuống gạo xuống thịt thì bánh càng ngon, càng quý!” Có đứa không hiểu ý tôi nói, cười rộ lên khiến tôi phải giải thích mình có tự đổ mồ hôi cho miếng cơm manh áo của mình thì manh áo đó mới quý, miếng cơm ấy mới ngon. Nếu nghĩ rằng chơi với lính như thế là thiếu tư cách thì quả thật tôi không hiểu cái tư cách người ta muốn nói đến là tư cách gì!
Còn về các bạn mã-tước, xập-xám, tứ-sắc, xì-phé..? Đủ cỡ, không thể nhớ hết được. Nếu nhớ viết ra thì sẽ đầy cả trang giấy.
KQ đối với tôi là vậy. 21 năm trong KQ, hình như tôi chẳng tìm được cái gì là của mình, từ những buổi họp hành quân, những buổi họp bàn thăng cấp đến các buổi tiếp tân liên hoan... Đối với tôi, chỉ có những cánh chim tung hoành trên bầu trời, những ngôi sao sáng chói phút chốc rơi rụng vào lòng đất để rồi vĩnh viễn không trở về là đáng kể; chỉ có những bàn tay sưng húp, những bàn chân nóng bỏng trên phi đạo là đáng kể; chỉ có những con người lặng lẽ hoàn tất trách vụ của mình trong những căn phòng khiêm nhượng, những đôi mắt thiếu ngủ vẫn chăm chú canh phòng ngoài hàng rào phòng thủ là đáng kể. Và chỉ có những cái đáng kể ấy mới là chất xúc tác khơi nguồn cho những giây phút rung động trong tôi về hai chữ KQ.
Thực ra, cũng có lúc tôi tưởng KQ là của mình:
“Trong Không Quân, tôi không phải là một phần tử được ưu đãi. Ngành chuyên môn tôi phục vụ là một ngành không kém phần quan trọng, ít ra thì cũng theo ý nghĩ của tôi, nhưng lại bị xem thường coi nhẹ. Đường tiến thủ của tôi cũng chỉ là một ngõ cụt chật hẹp, chẳng sáng sủa gì. Đó là chưa kể nỗi chua cay mà, ít nhiều, Không Quân đã đóng dấu lên đầu môi cuối mắt tôi như một vết chàm khô trong những ngày chót cùng của một cuộc chiến, đau đớn thay, đã kết thúc trong thê thảm ê chề!
“Thế nhưng, cho mãi đến bây giờ (và còn đến bao giờ nữa?), cứ mỗi lần nghe ai nói đến hai chữ Không Quân là mỗi lần tôi lại cảm thấy bồi hồi xao xuyến, tưởng chừng như người ta đang nói đến chính mình. Hình như, Không Quân vẫn còn chiếm lĩnh một khoảng trời của tôi, một khoảng đất của tôi và một khoảng tâm hồn tôi, dù trong lúc tôi đang cam go phấn đấu với cuộc sống, hay trong khi tôi đang thảnh thơi nhìn ngắm rừng thu trút lá muôn mầu. Có thể đó chỉ là một ảo tưởng, nhưng lại là thứ ảo tưởng hiển hiện trước mắt. Có thể đó chỉ là một giấc mơ, nhưng lại là giấc mơ tuyệt vời!....” (Không Quân và Tôi, 1996).
Thân kính,
Nguyễn Văn Quý
Tôi đã bắt đầu những bước quân hành nhưng lại là những bước quân hành… lỗi nhịp!
Denver, Colorado, tháng Tư 2000
Mời đọc tiếp: 5 - Tháng Tư bát nháo
No comments:
Post a Comment