50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...
1. Một thoáng ấu thơ - 2. Bên lề khu chiến - 3. Qui hồi cố thành
4. Quân hành lỗi nhịp - 5. Tháng tư bát nháo - 6. Lại một bắt đầu
7. Nhớ về cuộc chiến - 8. Nghĩ về tình người
4. Quân hành lỗi nhịp - 5. Tháng tư bát nháo - 6. Lại một bắt đầu
7. Nhớ về cuộc chiến - 8. Nghĩ về tình người
5. Tháng tư bát nháo
Một-Chín-Bảy-Lăm. Trong cái bát nháo của tuần đầu tháng tư năm đó, tôi nghe tin KQ có một chương trình đưa vợ con hoa tiêu F-5 đến một nơi an toàn, nếu có chuyện gì xảy ra, để các hoa tiêu này yên tâm chiến đấu (sic). Vài ngày sau, tôi lại nghe tin KQ có một chương trình tương tự cho các Sĩ quan giữ chức vụ quan trọng. Tôi không biết chức vụ của tôi khi ấy có được người ta coi là quan trọng không. Thực tình, tôi chẳng bao giờ thắc mắc về điều này, nhưng hình như đã có lần tôi văng tục: “Nếu không có vũ khí thì KQ chỉ là KQ giấy!”. (Trách vụ của tôi là lo về vũ khí, bom đạn cho KQ).Nghe nói có chương trình này chương trình nọ, tôi cũng hơi chao đảo. Tôi hỏi mấy ông mà tôi nghĩ đang phụ trách chương trình trong phần sở tôi phục vụ là NKĐ, ĐKQ, NKTh, NT, NVL thì có ông nói mập mờ rằng không rõ, có ông đoan chắc chức vụ của tôi quan trọng chứ sao lại không! Do vậy, tôi có phần hơi yên tâm.
Một ngày đầu tuần thứ hai, Tướng Tư Lệnh KQ Trần Văn Minh gọi tôi lên văn phòng, bảo tôi lau chùi và chỉ cho ông cách xử dụng khẩu súng cổ do Đức chế tạo một người quen mới tặng ông. Có tiếng điện thoại reo, ông nhắc điện thọai, nói mấy câu rồi quay lại cho tôi biết ông có chuyện phải đi. Ông chỉ một ngăn kéo và bảo tôi bỏ khẩu súng vào đó sau khi lau chùi xong. Một bất ngờ: Trong ngăn kéo tôi thấy một danh sách dài hơn 2 trang, ghi những người giữ chức vụ quan trọng, trong đó có đầy đủ mấy ông tôi nói trên, nhưng không có tên tôi! Tôi không ngạc nhiên, bởi vì tôi đã hiểu một cách tường tận cái chân lý là làm gì thì cũng phải “chạy”, chịu khó “chạy” thì không quan trọng cũng trở thành quan trọng, mà không “chạy” thì dù có quan trọng đến mấy cũng thành không quan trọng! Dẫu sao, cái danh sách những người giữ “chức vụ quan trọng” nói trên cũng cho tôi thêm một bài học nữa mà tôi phải chiêm nghiệm: Có nhiều việc ngoài tầm tay mình nhưng chẳng lẽ cứ “nằm há miệng chờ sung rụng!...”
Vâng, chẳng lẽ tôi lại không dự một phần nhỏ nào trong việc định đoạt số phận của chính tôi, của vợ con tôi? Chiều hôm sau, tôi ghé nhà Trung tá NVTh, người có một thời làm phó cho tôi. Tôi nói mà như không nói với vợ chồng NVTh: “Chúng nó chỉ lo cho vợ con chúng nó, chúng nó bỏ rơi anh em mình rồi!” Chị NVTh hiểu ý, trấn an tôi: “Anh yên tâm, trong trường hợp phải đi, tôi đoan chắc với anh nếu gia đình tôi đi được thì gia đình anh cũng đi được. Đây là lúc tôi trả ơn công lao anh đã dành cho nhà tôi.” Tôi xúc động, ôm NVTh. NVTh là người từng bị cả cái KQ “hào hoa-phong nhã” coi rẻ, ghen ghét. Nhưng tôi thì nhận thấy cái KQ tự cho mình là “hào hoa-phong nhã” ấy bất công đối với anh. Tôi nhớ đã có lúc mang cả danh dự cá nhân của mình ra bảo đảm cho anh. Cám ơn Trời Phật, cám ơn vợ chồng NVTh, tôi đã không lầm, tôi đã nhận được một sự đền bù thật xứng đáng.
Hai ngày sau, chị NVTh giới thiệu tôi với một Đại tá người Mỹ bên DAO mà tôi tạm gọi là Đại tá X. Ông đưa tôi một tờ giấy, cho phép tôi được ghi 21 người để đưa sang Mỹ trong chuyến máy bay dự trù vào cuối tuấn. Ông còn đưa tôi số điện thọai riêng và căn dặn nếu cần gì cứ điện thọai cho ông. Tôi điền tên chị của chị NVTh, tên chị NVTh và 5 đứa con, tên vợ tôi và 5 đứa con, tất cà là 13 người. Có lúc tôi định điền tên Mẹ tôi vào nhưng rồi lại thôi vì tôi đã chót nói với Đại tá X là chỉ lo cho vợ và con. Sau này, tôi hối hận về quyết định ấy. Mẹ tôi ở lại Việt Nam và khi nhắm mắt ra đi không có một người con nào bên cạnh vuốt mắt cho Bà.
Một ngày cuối tuần thứ ba, một chiếc xe của DAO vào phi trường TSN đón gia đình tôi và gia đình NVTh sang DAO để đi Mỹ. Khi xe đi ngang qua nhà Thiếu tá NVĐ, NVĐ chạy ra hỏi tôi đi đâu, tôi nói thẳng với NVĐ là sang DAO để đi Mỹ. NVĐ hỏi tôi có cách nào cho vợ con anh ta đi với không? Môt ý nghĩ bất chợt nẩy ra trong đầu: tôi cần một món tiền để trả ơn vợ chồng NVTh. Gia tài của tôi lúc ấy chỉ có 2 lượng vàng, vợ chồng tôi chia nhau mỗi người giữ một lượng. Tôi nói với NVĐ: “Tao nói thật, tao cần một món tiền. Mày lo được bao nhiêu?”. “10 lượng được không?”, NVĐ trả lời không suy nghĩ. Tôi đưa mắt nhìn NVTh, NVTh không nói gì nhưng tôi đồng ý. Tôi điền thêm vào danh sách tên vợ NVĐ và 3 đứa con. Trong đời, đây là lần đầu tiên tôi làm cái việc mà người ta thường gọi là làm áp-phe! Vâng, tôi đã làm áp-phe để kiếm món tiền nhỏ trả ơn ân nhân của gia đình tôi. Tôi mong anh NVĐ đang ở góc biển chân trời nào đó sẽ thông cảm cho tôi khi phải kể ra sự thật này.
Khi sang DAO, 2 bà Mỹ mang nước đến chào đón 3 gia đình chúng tôi. Một bà ghé tai tôi nói nhỏ: “Why don’t you take your badge off and join them?” Tôi lắc đầu, cám ơn bởi chúng tôi đã đồng ý với nhau là chỉ đưa vợ con đi còn chúng tôi sẽ ở lại tiếp tục… chiến đấu. Đây cũng là một quyết định mà suýt nữa tôi phải trả giá bằng chính mạng sống của tôi!
Tôi trở về phòng làm việc, nói với nhân viên thuộc quyền là Mỹ sẽ bỏ Việt Nam trong vài ngày tới, quân ta sẽ tan rã, ai muốn đi Mỹ thì lo thu xếp mà đi, vợ con tôi đã đi rồi. Tôi cũng nói rõ với anh em rằng ai muốn báo cáo với an ninh KQ về những lời tôi nói với anh em hôm nay thì xin cứ tự nhiên. Phần tôi, tôi không thể bỏ anh em mà không nói với anh em đôi lời. Chắc tôi khỏi cần viết ra đây những chuyện gì đã xảy ra sau đó: Mọi người nhìn nhau mắt đỏ hoe và chẳng có ai đi báo cáo với an ninh cả. Có lẽ, nhờ mấy câu nói của tôi, Trung tá LVS, người cùng làm với tôi đã thoát được sang Mỹ và anh đã dành cho tôi sự tiếp đón thật nồng hậu khi tôi gặp lại anh trên đất Mỹ.
Khi được Đại tá X cho biết vợ con tôi đã đến Guam bình an, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, nghĩ rằng tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với những người quanh tôi. Còn trách nhiệm to lớn khác? Tôi cũng đã cố gắng, nhưng đó là vấn đề nằm ngoài tầm tay của tôi.
Một ngày đầu tuần thứ tư, nói đúng ra là trưa ngày 26, Đại tá X điện thoại bảo tôi nên tìm cách rời khỏi Việt Nam ngay. Rời Việt Nam bằng cách nào bây giờ? Tôi đã có dịp rời Việt Nam một cách thật dễ dàng khi đưa vợ con sang DAO trước đây mấy hôm, mà tôi không làm. Liệu tôi còn cơ hội nữa không? Đang lúc phân vân thì tôi lại nhân được điện thoại của Đại tá X. Lần này ông cho biết đêm nay sẽ có 2 chiếc C-130 của 2 ông Tướng KQ, cất cánh sang Thái Lan để trốn sang Mỹ. Ông còn cho biết số đuôi của 2 chiếc máy bay và hiện máy bay đang nằm ở ụ nào. “Cố mà tìm cách theo mấy ông Tướng ấy. Ngày mai, khi hay tin người ta sẽ tranh nhau lấy máy bay để đi, ông không phải là nhân viên phi hành nên khó lòng đi thoát được”, ông góp ý rồi cúp điện thoại.
Tôi mượn xe của xếp, viện cớ sang SĐ5KQ để kiểm sóat phân tán máy bay vì có tin đêm nay địch sẽ pháo kích. Tôi kiểm chứng, thấy những chi tiết Đại tá X nói với tôi đều đúng cả. Tôi ghé qua phòng kiểm soát bảo trì thì ngạc nhiên thấy 2 chiếc máy bay ấy được ghi là “bất khả dụng”. Tôi điện thoại cho Đại tá X. Ông cười, cho tôi là thằng ngớ ngẩn và nói như thét: “Đó chỉ là tình trạng trên bảng kiểm soát!” Tôi thật sự cảm thấy lo sợ và điện thoại báo tin này cho NVTh và NVĐ. NVĐ đồng ý sẽ cùng tôi liều theo mấy ông Tướng và hẹn gập tôi ở Câu lạc bộ Mây Bốn Phương để theo dõi và tuỳ nghi định liệu, còn NVTh thì không dám. Tôi nhớ đến câu nói của Mẹ tôi với bác Phổ ngày xưa: “Thôi thì…, cũng là do số mệnh cả!”
Trời tối đã lâu, tôi loay hoay, chạy đi chạy lại như gà mắc đẻ. Ngó trước ngó sau, thấy Trung tá LNS và Trung tá NQD đang ba hoa tán phét, tôi bèn nẩy ra ý nghĩ rủ LNS và NQD xuống Mây Bốn Phương uống cà phê. Vợ con LNS và NQD cũng đã đến Mỹ an toàn, nếu LNS và NQD gặp cơ hội theo 2 ông Tướng thì cũng là chuyện tốt thôi. LNS và NQD bằng lòng. Tôi mừng vì không phải đi một mình.
Xuống đến Mây Bốn Phương thì trời đã khá khuya. Tôi không thấy NVĐ và nghĩ chắc NVĐ cũng đang ở đâu đó. Trong lúc LNS và NQD chuyện trò trong Câu lạc bộ thì tôi lẻn ra cửa Câu lạc bộ để nghe ngóng. Thình lình, một chiếc pick-up chạy qua và khựng lại trước mặt tôi. Tôi thấy trên pick-up có nhiếu chiếc va-li lớn, trong khoang ghế ngồi có Đại tá ĐVĐ và một người nữa tôi không nhìn rõ. ĐVĐ hỏi nhanh tôi: “Toa đi máy bay nào?” Tôi đoán, ĐVĐ ngừng xe hỏi tôi vì tưởng tôi là người cùng nhóm đi trốn vì thấy tôi có mặt vào giờ ấy, ngoài ra, ĐVĐ cũng thường thấy tôi xoa mạt chược và đánh tennis với ông Tướng. Còn tôi, tôi nghĩ tôi không phải là người cùng nhóm đi trốn, rất có thể sẽ bị ăn đạn nếu họ thấy tôi bén mảng quanh đấy, nhưng tôi đã kịp lanh trí, tương kế tựu kế, làm như người trong nhóm đi trốn, trả lời ĐVĐ thật mạnh bạo: “Toa đi đi, moa đi máy bay của ông Tướng!”.
Xe ĐVĐ chạy được chừng mươi thước thì bị một quân cảnh chặn lại. Tôi thấy người ngồi trên xe với ĐVĐ ban nãy, nhảy xuống quật ngã anh quân cảnh khiến chiếc Motorola của anh quân cảnh văng xa chừng 5 thước. Anh nhoài người tới, cướp lấy chiếc Motorola, đưa lên miệng rồi la lớn báo động. Tiếp theo là những tiếng còi hụ inh ỏi. Thế là chương trình ra đi của 2 ông Tướng bị bại lộ, tôi quay vào Câu lạc bộ rủ LNS và NQD trở về sở. Bỗng như có cái gì lành lạnh sau gáy. Tôi ngoảnh cổ, thấy ông Đại tá Tư Lệnh Phó SĐ5KQ Đinh Thạch On, chĩa súng vào gáy tôi, ra lệnh: “Đưa súng đây. Tôi được lệnh tước vũ khí anh. Nếu anh chống cự, tôi bắn!” Ông giao tôi cho Đại úy Đông (tôi không nhớ họ là gì), người mà sau này tôi được biết là nội tuyến của cộng sản. Đông đẩy tôi vào một nhà giam trước đó dùng để giam những quân nhân phạm quân kỷ. Tôi thấy có 4 người cùng bị giam chung với tôi: LNS, NQD, NVĐ và một người nữa tôi không quen và không biết tên.
Ngày hôm sau, tôi nghe tin đến sáng ngày 28 người ta sẽ mang tôi ra trước sân cờ để tước lon và xử bắn vì đã bắt được tôi đang ngồi trên cóc-pít C-130 ngoài đầu phi đạo, định cất cánh bay trốn sang Mỹ! Mặc dù trước mạng sống mong manh như sợi tóc, tôi vẫn không thể nhịn được cười một cách thích thú: một người như tôi, chưa học qua một phút lái máy bay C-130 thế mà nay ngồi trên cóc-pít C-130, định cất cánh bay trốn sang Mỹ! Tôi cũng là "something" đấy chứ! Một hiện tượng không thể giải thích được là nói như vậy mà người ta vẫn tin. Nhưng nghĩ cho cùng, không tin cũng không được!
Tôi chờ… Sáng ngày 28 không thấy ai đến mang tôi ra trước sân cờ để tước lon và xử bắn. Đến chiều lại có người xuống mở nhà giam thả tôi ra. Tôi ngơ ngẩn chưa kịp hiểu sao thì có người nói với tôi rằng ông Tướng Kỳ “ra lệnh” thả. Tướng Kỳ nói: “Đại Tướng đi rồi, thả chúng nó ra. Nếu chúng nó có tội thì chỉ là tội đi sớm hơn ông Đại tướng vài ngày!” Sau này, gặp Tướng Kỳ trên đất Mỹ, tôi ngỏ lời cám ơn ông, ông cười và nói khi ấy ông đâu có quyền hành gì mà “ra lệnh”, vả lại nếu có “ra lệnh” như vậy thì ông cũng không nhớ.
Đầu năm 1977, nhân cái Tết lưu vong thứ hai, Cựu Tưóng Tư Lệnh KQ Trần Văn Minh điện thọai hỏi thăm tôi: “Quý ơi, thấy toa tới được Mỹ bình an moa mừng lắm. Bây giờ anh em mình đều đã thóat nạn, moa mong toa quên những chuyện cũ đi.” Tôi đã xúc động nói với ông: “Tướng nói thế thì từ nay Tướng vẫn là vị Cựu Tư lệnh của tôi.” Tôi thông cảm tâm trạng của ông cũng như hoàn cảnh khi xưa của ông và hứa sẽ quên chuyện này. Nhưng, đầu tháng tư 1997, một nhóm người ở đây, nơi có người đã khôi hài gọi là Cò-Ló-Ra-Đó (Colorado), đưa chuyện này ra, rồi bịa đặt, mập mờ đánh lận con đen, chụp cái mũ to tướng lên đầu tôi là tôi đánh cắp máy bay trốn ra Bắc, và nay được công trưòng 7 cộng sản gài sang Mỹ để phá rối cộng đồng! Do vậy, tôi đã muốn quên mà không xong, lại phải điện thọai phiền ông lên tiêng, và ông đã lên tiếng. Khi viết những dòng này, tôi mong hương hồn Tướng Minh nếu linh thiêng xin hiểu cho lòng tôi. Đã 30 năm rồi, tôi chỉ muốn nói lên vài ba sự thật.
Còn người Mỹ ân nhân của gia đình tôi, Đại tá X? Lần sau cùng tôi được tiếp chuyện với ông là từ trong trại tỵ nạn Fort Chaffee. Vợ chồng tôi cùng vợ chồng NVTh rủ nhau đến một điện thoại công cộng để gọi cám ơn ông. Ông cho biết rất mừng đã hoàn tất việc cứu giúp 2 gia đình chúng tôi và chúc 2 gia đình chúng tôi gập nhiều may mắn trên đất Mỹ. Sau bữa đó, chúng tôi bặt tin ông, không còn liên lạc được với ông nữa.
Tháng Tư hình như có nhiều duyên nợ đối với tôi. Tôi sinh ra trong tháng Tư, tháng Tư đen, tháng Tư trắng, tháng Tư hạnh phúc, tháng Tư chia lìa!....
Denver, Colorado, tháng Tư 2000
Mời dọc tiếp: 6 - Lại một bắt đầu
No comments:
Post a Comment