Nguyễn Văn Đậu
Lần này, không biết là lần thứ mấy, tôi lại về Hà Nội.
Hôm Tết dương lịch 2010, anh Hải gọi điện vào Sài Gòn cho tôi, nói lời chúc năm mới và bảo, «Ra ngoài này chơi đi, anh em gặp nhau lần nữa. Tôi bây giờ yếu lắm, không vào trong đấy được nữa đâu» .
Anh Hải với tôi là bạn học cùng lớp hai năm đầu bậc trung học, hồi trước năm năm tư, ở Hà Nội. Trọn đời anh chỉ sống xa Hà Nôi có mấy năm khi anh đi làm chuyên gia ở nước ngoài, thời chiến tranh. Chúng tôi gặp nhau, hạnh phúc. Mà không hiểu sao cũng cứ buồn buồn thế nào.
Tôi lại có những ngày rong chơi phố xá với lời dặn ân cần của bạn: hàng quán biết giá thì hẵng vào, ngoài đường ngộ có va quẹt với ai thì cứ thua đi v.v...
Lần này, không biết là lần thứ mấy, tôi lại về Hà Nội.
Hôm Tết dương lịch 2010, anh Hải gọi điện vào Sài Gòn cho tôi, nói lời chúc năm mới và bảo, «Ra ngoài này chơi đi, anh em gặp nhau lần nữa. Tôi bây giờ yếu lắm, không vào trong đấy được nữa đâu» .
Anh Hải với tôi là bạn học cùng lớp hai năm đầu bậc trung học, hồi trước năm năm tư, ở Hà Nội. Trọn đời anh chỉ sống xa Hà Nôi có mấy năm khi anh đi làm chuyên gia ở nước ngoài, thời chiến tranh. Chúng tôi gặp nhau, hạnh phúc. Mà không hiểu sao cũng cứ buồn buồn thế nào.
Tôi lại có những ngày rong chơi phố xá với lời dặn ân cần của bạn: hàng quán biết giá thì hẵng vào, ngoài đường ngộ có va quẹt với ai thì cứ thua đi v.v...
Ngồi trên ghế đá Bờ Hồ, không dưng tôi có cái cảm giác Sài Gòn. Cảm giác. Có lẽ từ cái ghế đá. Ghế đá mài, mặt ngồi hơi hơi cong một tí phía trước mà nếu nhìn từ bên trái nó tạm ra hình cái dấu ngã, mặt lưng hơi cong ở phía trên mà nếu nhìn từ bên phải nó tạm ra hình cái dấu hỏi. Kiểu ghế đá thường thấy ở Sài Gòn.
Ghế đá Bờ Hồ ngày trước thì tôi đã được nhìn qua ảnh và đã từng ngồi trên đó. Nó không bằng đá mài. Nó là những thanh xi măng chạy ngang, cả mặt ngồi, cả mặt lưng. Nó thô ráp và cũ kỹ. Nó mang dáng dấp hồ Gươm không lẫn vào đâu được. Không biết nếu được ngồi trên một cái ghế kiểu đó, ở ngay chỗ này, thì tôi có được cái cảm giác Hà Nội không ?
Ý nghĩ này làm cho tôi nhớ đến cái cảm giác Cổ Ngư đầy rung động khi xưa tôi đặt bước đi trên con đường mà một bên là hồ Tây một bên là hồ Trúc Bạch. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên Cổ Ngư phải bị xóa bỏ để thay bằng một cái tên khác? Bây giờ đi trên đó tôi thấy mọi thứ cứ như trôi tuột đi.
(Nói chuyện đổi tên đường phố, tôi lại nhớ mấy con đường ở Sài Gòn hoán đổi tên cho nhau sau năm bảy lăm, thú thật cho đến nay tôi cũng không hiểu nó cần đến mức nào: cái tên Trần Quốc Toản ở quận 10 đến thế chỗ cho tên Nguyễn Đình Chiểu ở quân 1, tên Nguyễn Đình Chiểu đến thế chỗ cho tên Phan Đình Phùng chạy xuyên quận 1 và quận 3, và tên Phan Đình Phùng đến thế chỗ xóa tên một con đường ở quận Phú Nhuận).
Ôi! Cảm giác! Có thể nào một sự thay đổi cảm giác đã là một sự mất mát gì đó chăng? Có phải vì thế mà mỗi lần tôi về quê bên Gia Lâm, tôi vẫn thích đi trên cây cầu sắt cũ kỹ đã hơn trăm năm tuổi để được hưởng cái cảm giác Long Biên? Thật lạ, cây cầu và sông Hồng lồng lộng những gió trời còn say ngất đến bao giờ? Cái cảm giác quen thuộc mới thiết tha làm sao!
Hôm mới ra, tôi hỏi anh Hải về cái lễ hội hoa vừa qua diễn ở Bờ Hồ, anh bảo không còn sức để chạy theo. Tôi bảo tôi cũng chỉ xem trên ti vi, buổi khai mạc được truyền hình trực tiếp, mở đầu bằng giai điệu của bài hát «Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau...», giọng kèn tha thiết, một ca khúc hay nhất viết về Hà Nội, theo tôi, mà tác giả không phải là người Hà Nội. Thế đấy. Hà Nội vốn rất riêng nhưng đã không còn là của riêng một ai.
Tôi kể cho anh nghe, rằng qua thư điện tử tôi vẫn hay nhận được những file pps về Hà Nội ngày tháng cũ, của bạn bè ở hải ngoại gửi cho. Là những người có nhiều kỷ niệm với nơi đối với họ chẳng bao giờ thay đổi, một nơi đầy vị ngọt và thậm chí thiêng liêng. Tôi chia sẻ điều này và cầu chúc cho các bạn tôi ở nơi xa xôi ấy cứ mãi rưng rưng. Trong đời sống nhập cư, họ có thừa nhiều cái không cần, thiếu nhiều cái cần. Tháng ngày họ rượt đuổi hiện tại để sống nhiều với quá khứ. Là tôi nghĩ thế.
Anh Hải bảo, anh cũng có nhiều bạn bè ra sống ở nước ngoài và họ cũng có nhiều tâm sự lắm, nhưng có lẽ ở một cung bậc khác hơn vì hầu hết họ là những người tha hương kinh tế. Tôi thì không muốn so sánh gì cả, chỉ biết rằng chúng tôi ở đây, được sống ở nơi mà ông cha mình đã sinh ra bao giờ cũng là hạnh phúc dù trong cuộc sống còn nhiều điều ta bất ưng. Nhưng ở trên hết cả, chúng tôi tin vào một điều rằng tất cả chúng tôi dù ở đâu, dù có chính kiến nào cũng đều có chung một giấc mơ: đất nước thoát nghèo, nhân dân tỉnh táo và đương đầu hiệu quả trước họa ngoại xâm đặc biệt từ phương Bắc lúc nào cũng chực chờ.
Cũng là những người có nhiều kỷ niệm như các bạn tôi ở ngoài, nhưng chúng tôi ở đây ít nói với nhau về chuyện Hà Nội. Có lẽ vì chúng tôi không ở chỗ xa tít mịt mù, lại hằng ngày có những điều chung quanh đủ loại tốt xấu nó tác động. Như ở trong Nam nói chuyện đất đai hay nhà cửa ở những nơi sang trọng, nhiều người vẫn bảo với nhau, «Người ngoài Hà Nội vào mua»... Quả đã có một cách gọi thế thật, cứ người nói giọng Bắc đều là người Hà Nội cả. Rõ ra không là một sự chọn lọc nào. Nghe thế, không thể không trở trăn. Như đã có một sự mất mát thế nào. Có phải vì thế mà đã có cách người ta gọi chỉ định mới là người Hà Nội gốc, để níu giữ một cái gì?
Rồi thì bao chuyện tiêu cực, bao vụ án xảy ra ở Hà Nội hơi bị nhiều mà báo chí đăng, khiến tôi giật mình nhớ lại cái tít in chữ nét đậm trên trang nhất một tờ nhật báo lớn ở Sài Gòn mấy tháng trước đây: «Lâm tặc hoành hành giữa thủ đô», nói về chuyện những tay đốn trộm những cây gỗ sưa trong thành phố. Trộm mà rất công khai đấy trong nhiều năm liền. Thế là thế nào, tôi cũng không hiểu được.
Cái tít bài báo làm cho tôi có cảm giác sợ, như đã từng sợ cái dòng chữ quái ác «Khoan cắt bê tông» hầu như ở đâu cũng có, nó có vẻ giỡn mặt đấy mà không ai làm gì được cả hơn chục năm nay. Không biết rồi đây trên con đường gốm sứ ven sông Hồng liệu có thể có những con dấu «KH CAT B TONG» với dãy số điện thoại đi kèm, có được in lên đấy không? Thì nó sẽ ra thế nào? Sợ. Sợ mà khiến tình cảm của mình trở nên nhòa nhạt, đâm ra thấy bao mỹ từ như tinh tế, hào hoa, thanh lịch v.v... dành cho Hà Nội một thủa nọ bỗng ra viển vông! Tôi đã có ý nghĩ ấy khi đi trên đường phố với cảnh người ta chạy xe lộn xộn không khác ở Sài Gòn. Không ai thanh lịch mà lại chạy xe như thế, dù cho họ chỉ là nạn nhân của việc quản lý giao thông bất nghiêm. Tôi biết có những người trong số đó từng đi ra nước ngoài và luôn luôn biết tuân thủ luật giao thông của người ta nhưng khi về đến nhà thì lại không.
Tôi cũng sợ về sự biến mất của những cái hồ ở Hà Nội. Tôi đọc trên mạng, thấy hình ảnh nhiều cái hồ bị thu hẹp lại như một sự đe dọa. Không thấy có hồ Gươm trong số này. Không biết nếu hồ Gươm ở một vị trí khác thì số phận của nó sẽ ra sao? Chao ôi! Cái cảnh đổ đất lấn hồ cho nhà cửa mọc lên nó mới đáng sợ làm sao! Liệu có thể như thế không? Nếu có, thật Hà Nội chẳng còn gì. Chẳng lẽ còn đó chỉ những phố cổ thật đã không còn ra cổ.
Tôi biết những khu phố cổ ấy. Những căn nhà ở đấy nhỏ bé chật chội, tối tăm, thiếu tiện nghi, thiếu cả chỗ đi vệ sinh...., chỉ cái giá nhà đắt là không đâu sánh được. «Phố cổ hay phố khổ?», đã từng có người đau đớn hỏi lên như thế. Mấy năm trước, một người chị họ của tôi ở nước ngoài về chơi, bảo tôi dẫn về Bắc thăm một người chị bạn dì. Ghé căn nhà ở phố Hàng Đào, hỏi người ngồi bán hàng vải vóc ở đấy, chúng tôi được chỉ ra phía Bờ Hồ. Thì cũng ra đấy, chả nghĩ là sẽ gặp được người quen, cả một vòng bờ hồ mênh mông thế kia. Thế mà gặp, chị tôi và bà chị bạn dì gặp nhau, cũng tay bắt mặt mừng nhưng không có nước mắt mấy mươi năm xa cách hay thứ chi chi đó đại loại. Hai người đàn bà đã già nói chuyện với nhau, tôi nghe câu được câu chăng, chỉ một câu rất đáng buồn tôi nghe rõ mồn một: «Ở nhà chị không có chỗ ngồi tiếp em đâu». Thật thế không? Lại đâm ra có cả hoài nghi. Tôi hoài nghi gì, người đàn bà nói thật hay không nói thật hay một điều gì khác? Rồi ngày tháng cứ trôi đi. Tôi nghe gió hồ Gươm nừng nực thế nào. Hằng ngày một bà già cứ tha thẩn quanh hồ như thể dạo chơi như thế cùng là để trốn chạy một nơi ở đến không có cả chỗ tiếp một người em ở xa về? Nếu đến cả nước ấy nữa thì thật chả sung sướng gì.
Tháp Rùa trầm mặc. Nắng hồ Gươm riu riu. Mà làm sao có cả một nỗi bâng khuâng. Hồ Gươm đep thế này mà sao quanh hồ giấy rác nhiều thế kia? Mấy người công nhân vệ sinh quét tới quét lui. Nhiều cặp nam nữ ăn mặc đẹp đẽ ngồi đâu đó ăn quà vui vẻ với nhau, lúc đứng lên vô tư bỏ lại đủ thứ vỏ cùng bao bịch hay ống hút dù gần đó có thùng rác đi nữa. Lại ra một nỗi buồn.
Ngồi đây, tôi nghĩ đến con sông Hồng chỉ ở cách nửa cây số đường chim bay, mấy hôm nay báo loan tin nước cạn có nơi chỉ còn hơn nửa mét làm giao thông thủy từ Việt Trì về bị tê liệt hẳn. Không thể không buồn. Cái bãi sông ấy là cả một thế giới rất riêng, riêng cả cái nghèo ghê khiếp. Lại cũng trên báo, một nhà nhiếp ảnh hình như là nghiệp dư, vừa mới công bố những tấm ảnh chụp nhiều góc của cảnh sống nghèo ấy. Người chụp ảnh tuyên bố có bổn phận phải chụp những ảnh này. Hình như đang có rất nhiều tâm sự về Hà Nội thì phải?
Nhưng, Hà Nội giàu. Hà Nội bây giờ giàu có thì ai cũng biết. Một số người có điều kiện thạo thông tin kinh tế, lại bản chất giỏi giang, đã thành công trên con đường làm giàu để nhanh chóng trở nên những người giàu mới. Lớp người giàu mới này ngày một nhiều. Họ giàu mà chưa kịp sang. Giàu ra giàu, bên cạnh cái nghèo cố cựu cũng rất ra nghèo, đã tạo ra một khoảng cách nhiều khi đã đến cái giới hạn bình yên của nó. Đồng tiền đã làm nên một bức tranh xã hội đầy cảm xúc.
Đối với nhiều người, đồng tiền làm cho họ mạnh lên trong nói, trong làm. Những người bà con của tôi ở quê mà nay đã là một quận của Hà Nội, là những người như thế. Nói thì một tấc đến trời. Làm thì chẳng gì không dám. Ở đấy nay là phố với những lối đi bé tí ngòng ngoèo, nhà mái bằng hay mái nhọn san sát, hết hẳn cây đa, giếng nước hay cái cổng làng. Trở thành người thủ đô đã bấy nhiêu năm nay rồi mà nhiều nếp quen, nhiều thói rượu chè cờ bạc xưa vẫn còn nguyên như cũ. Huống hồ những nơi Hà Nội mới ôm vào, ở đấy người nông dân chỉ qua một đêm trở thành thị dân, chỉ nói chuyện sống sao cho khớp nhịp đã là khó, kể chi đến những sự đổi thay để trở thành những con người hào hoa đất Tràng An? Mà nào có phải những người ấy không từng có cái phong lưu bao đời đất lề quê thói của họ đâu, có thể nào lại ra kèn cựa? Vấn đề ở chỗ là: cần thời gian bao lâu để Hà Nội (mở rộng) trở nên thuần nhất, và khi ấy cái chất Hà Nội nó sẽ như thế nào?
Chả nói gì dân, ngay những nhà quản lý thành phố, mới chỉ choèn choèn có tí quanh quanh hồ Gươm mà bao việc chưa suôn thì không biết rồi sẽ xoay xở ra sao với cả một vùng mênh mông lên đến tận Ba Vì, vào đến tận Sơn Tây như thế? Ở quê tôi, người ta gọi mấy nơi này là Hà Nội mới. Cũng hay. Tôi thì nghĩ Hà Nội nên là cái chất của nó, nhỏ cũng được chẳng cần lớn, nên là nó hơn là trở thành giống như bất cứ thành phố hoa lệ nào trên thế giới. Rồi thì, từ chuyện lợi tức bình quân phải chia ra để phải ít đi, đến chuyện nghĩ đến «Luật thủ đô» như một cách để tự vệ... ; mỗi tí mỗi tí khi thành dư luận, thấy đều là những khó khăn...
Hồ Gươm bây giờ có vẻ như đã hẹp. Một cảm giác như thế. Những khối nhà cao chung quanh làm cho bầu trời bớt thoáng. Những khối kiến trúc quanh hồ cũ mới chen nhau làm cho cái nhìn của ta không được dịu. Nghe nói hồ đã bẩn, cần phải hút bùn đi để làm sạch nó và để giữ cho nguyên màu lục của nước. Phải nhờ chuyên gia nước ngoài. Hà Nội không tự làm được việc này, trong lúc cái giấc mơ mỗi quan chức thành phố đều phải có học vị tiến sĩ đang mạnh mẽ hơn hết cả bao giờ. Là tôi đọc báo mà biết có cái giấc mơ này. Thì thấy nó cứ lấn cấn thế nào. Bảo một trường đại học cần giảng viên có học vị tiến sĩ thì ai cũng thông, còn trong việc quản lý thì không phải hễ người học thật cao ai cũng làm được.
Tôi nghĩ đến điều Hà Nội nay đã thay đổi nhiều lắm. Hay là chính ở tôi thay đổi mà nhìn ra như thế? Cứ nghiệm, so với lần cách đây mười hai năm tôi lần đầu trở lại sau bốn mươi bốn năm xa cách, với lần này, thấy khác nhau nhiều lắm. Lần ấy là hồi hộp. Lần này là e dè. Rõ ra là tôi thay đổi, nhưng cái gì đã làm ra như thế thì nhiều khi không nói được.
Nhớ ngày đất nước mới mở cửa, một người anh em chú bác của tôi vào Sài Gòn gặp chúng tôi để «dựng lại gia phả cho dòng họ». Hỏi han. Ghi ghi chép chép, lý lịch những ai ai, từng chi, từng hệ, từng đời... Thiết tha, như đã mấy mươi năm tội lỗi nay muốn chuộc lại. Tôi có bảo với người bà con của tôi rằng tôi không trông chờ gì lắm, cũng không thích lắm những chuyện lý lịch ấy, nhưng hỏi gì tôi biết thì tôi sẽ nói. Anh em cũng tâm sự với nhau cả về chuyện lớp người đi mở nước mấy trăm năm trước, trong cuộc sống đầy bất trắc trên bước đường vô định ấy người ta đã sống đời trượng nghĩa hơn là sống vin vào dòng tộc hay gia phả. Có cả những thay đổi như thế trong tôi mà tôi nhiễm từ cái thói phương Nam ấy chăng? Không phải tôi không tin vào giá trị của gia phả, và cũng không phải ai ở đất phương Nam này cũng quay lưng lại với nó, nhưng để lý giải cho được hết những điều gia phả muốn nói ra hay không muốn nói ra thì nhiều khi lại không làm được. Với lại, có lẽ cũng là qui luật cứ mỗi thế hệ qua đi là cái nhìn của người ta về từng mối quan hệ trong dòng tộc một khác, thì lại đâm ra có khi không còn sức để mà níu kéo. Nhiều năm qua đi, việc gia phả, việc nhà thờ họ của chúng tôi cho đến nay cũng cứ bùng nhùng...
Lần về này, tôi nghe ra mấy người anh em ấy của tôi đã khác. Từ cái nhà bề thế đến cách xử sự cao sang, nhìn đến đâu tôi cũng thấy chỉ những người giàu có mới nói hoặc làm như thế được. Sự giàu sang mà có thời ai cũng muốn giấu đi, nay ai cũng muốn phô ra. Phô ra thôi chưa đủ, còn cường điệu thêm lên. Đấy, ở trong Nam người ta nhìn người Hà Nội ở một cung bậc như thế.
Thỉnh thoảng trên ti vi vẫn có những đoạn phim nói về Hà Nội với mái ngói rêu phong, phố hàng dịu dàng, phố xe nhịp chậm, gánh hàng rong lẻ loi, ông già ba toong mũ phớt nhẹ bước trên hè phố, tiếng vĩ cầm réo rắt những âm xưa... Ôi! Chỉ là trong phim thôi. Là văn nghệ. Hà Nội đã sống hẳn một phần đời của nó trong văn nghệ. Cho nên, nghĩ lạ, văn nghệ đã làm cho tôi biết nhiều cái thật ra tôi không biết, như tôi không biết mặt mũi cây cơm nguội hay cây lộc vừng nó như thế nào nhưng lại biết hoa của nó vàng với đỏ. Tất cả nay còn đâu? Cho nên đã có người Hà Nội cũ ở đây cảm thấy rất buồn khi ngó cảnh những con người trẻ tuổi bề ngoài thanh lịch và sành điệu đã lao vào giành giật hoa anh đào hay xéo đạp lên hoa cỏ trong một lễ hội mà người Nhật tổ chức ở đây mấy năm trước. Có thể đã có một nguyên nhân có tính lịch sử chăng? Có hẳn một thời gian dài, cuộc sống nhân danh cái chung mà tồn tại, đẩy tất cả những cái riêng ra một bên. Nhưng cái riêng không chết. Nó ẩn vào một chỗ khuất thế nào, để khi có dịp thì bùng ra. Nó bùng ra mạnh đến nỗi không còn biết cái chung là gì, đến nỗi chỉ biết có cái tôi mà không biết có người khác. Một sự thay đổi dễ sợ. Như một thứ tai họa.
Hệ quả tất yếu của tình trạng này là ở đây nay có hẳn một lớp người tự đứng dạt sang một bên cái dòng chảy ồ ạt ấy. Đấy là những người phần nhiều tuổi đã luống, đã in hằn một nếp sống cũ, cuối cùng là một sự lặng lẽ rút vào một cái vỏ cứng của thời gian. Làm gì được khi mà làn sóng đô thị hóa cứ càng lúc như càng nhanh hơn? Cứ xem cái làng đào Nhật Tân bao đời đã là một phần diện mạo của Hà Nội, bị những ngôi nhà tầng san sát đẩy lùi đi thế kia, thì biết. Tôi đã đứng cạnh mấy cây đào ở đấy mà xưa là cả một vùng đào mênh mông, quả không còn có cái cảm giác Nhật Tân ngây ngây khó tả ngày nào nữa. Hình như, cái hào hoa thanh lịch hay tinh tế của Hà Nội mà nhiều người hay nói đến, nó nằm ở những con người đứng dạt ở bên lề này?
@
Trước hôm về lại Sài Gòn, tôi với anh Hải ngồi với nhau ở Thủy Tạ. Đấy là những giây phút cảm động mà cả một đời người chúng tôi không dễ gì có được.
Anh Hải bảo, ra ngồi đây để hít vào một ít hơi hướng mậu dịch quốc doanh một thời bao cấp gian khó. Anh vừa nói vừa cười như chẳng có gì là thật hay không thật.
Thời bao cấp như một dấu ấn trong đời, tôi đã trọn vẹn sống qua. Cơ chế bao cấp là một thực thể kinh tế của một thời kỳ. Từ ý tưởng của con người, với vô vàn điều kiện xã hội trong vòng xoay lịch sử, nó đã hiện diện như nó đã là, mà tôi từng sống trong đó. Đó là một cơ chế không giúp gì cho sự phát triển nhưng rất hữu hiệu trong việc giữ xã hội ổn định trong điều kiện của nó. Gian khó hay không gian khó không ở nó mà tùy ở mỗi người tham dự vào. Như những gợn sóng hồ kia từng lớp lăn tăn xô lại phía tôi. Từ gió ấy, từ hồ chỉ có bấy nhiêu, từ sự chuyển động không ngừng của bầu không khí bao trùm kia, nó hiện diện là sóng hồ Gươm. Và kìa, bờ nước, cỏ cây, nhà ở hay xe chạy loang loáng vòng quanh, với đủ thứ âm thanh đặc trưng, tất cả đã làm nên hồ Gươm mà tôi thấy đó và đang tham dự vào. Cảnh đẹp hay không đẹp, tùy ở mỗi người.
Trước sự, trước vật, tôi nghe tim tôi đập và hơi tôi thở, như tôi vừa là khán giả vừa là diễn viên hòa nhịp trong một vũ điệu của cái vũ trụ mênh mông kia. Vạn vật, chẳng có gì ở ngoài nhau cả.
Cái nhà hàng duy nhất có được một địa điểm như thế này, nghĩ cũng hay hay. Không biết thời Tây, nó có đăt ra cho người ta một vấn đề gì không; chứ bây giờ thì có đấy, cũng lại trên mạng người ta đang báo động việc nhà hàng xả nước thải thẳng xuống hồ, có cả hình ảnh rác nổi lều bều quanh những cây cột nhà hàng. Đây chỉ là một điểm nhỏ trong vấn đề môi trường to lớn mà bây giờ nhìn vào bất kỳ chỗ nào ta cũng thấy nó hiện diện. Cũng là một nỗi bất an thế nào.
Người ta còn bảo cái tên Thủy Tạ là không đổi đi được vì nó đã có hẳn một quá khứ gắn liền với món ngon một thời là «kem Bờ Hồ». Ngày trước tôi nghe người ta hát một câu đầy vẻ âu yếm như thế này: «Mình ơi có đi Bờ Hồ/ Cùng ta ăn kem kẹo dừa». Quá khứ trăm năm là thế, nhưng xem ra nó chẳng bì được với quá khứ nghìn năm của cái tên Cổ Ngư kia. Nhưng thôi, so sánh chi! Chỉ biết, nói đến kem ở đây thì không thể không nói đến lạc rang húng lìu của ông Tàu già ở góc hồ phía bên kia đã từng làm mê mệt bọn con nít chúng tôi suốt một thời gian dài. Ôi! Những kỷ niệm thời ấu thơ còn rõ nét đến tận bây giờ!
Cái cảm giác Thủy Tạ thật lạ. Nó vừa bồng bềnh trôi nổi, vừa quẩn quanh chìm ngập. Như cái tâm tư của chúng tôi thời đồng tiền ngự trị trong mọi mặt đời sống này, một nỗi bất an đâu đó cứ chực chờ, quanh quanh quất quất thế nào trong một xã hội mà theo tôi có phần thiếu an toàn pháp lý. Luật lệ cứ thay đổi luôn luôn, cái đúng mới đưa ra hôm nay có thể ngay ngày hôm sau đã khác. Những căng thẳng trong cuộc sống đời thường, trong từng mối quan hệ. Những khác biệt khó lấp đầy giữa người không cùng thế hệ, giữa người ở trong hay ở ngoài nước, giữa người giàu với người nghèo, giữa cách này hay cách kia để hướng đến nhiều giá trị trong cùng một lúc... Nghĩ cho cùng, thảy đều mang tính bất an cả. Nói cho ngay, bất an là một tính rất chung của thời đại hôm nay, không riêng gì Việt Nam; tùy mỗi quốc gia, mỗi thể chế xã hội với những nguyên do khác nhau mà có những nét riêng.
Anh Hải bảo anh thương hồ Gươm. Tôi bảo tôi cũng thương hồ Gươm nhưng lại thích hồ Tây hơn. Một cái hồ lớn như thế, không dễ gì ở đâu một thành phố mà có được. Nó chẳng là chỗ bắt đầu, chẳng là nơi chấm dứt. Nó là khoảng trời vượt thoát dành cho tất cả mọi người. Nó là nơi con trâu vàng cổ tích từng một thời vùng vẫy, mà biết đâu không là chỗ rồng bay lên khi vua Lý dời đô về đây? Chỉ có hồ Tây là đủ rộng để rồng vùng vẫy và lấy đó làm bệ phóng mà bay lên. Rồng bay lên, nghìn năm trước. Bây giờ hay nghìn năm sau ý nghĩa của nó vẫn là nguyên như thế. Và, tôi đọc cho bạn tôi nghe bài thơ tôi mới viết về hồ Tây, ghi lại cái cảm giác lúc ngồi trên bờ bắc một buổi chiều năm nào, mà đây là mấy câu sau cùng, tôi xin lấy để kết thúc bài viết này:
...
Ngồi vào một quán «Ông Già»
Ngó xa xa mặt nước
Thèm nghe một tiếng gọi
Tưởng cánh vỗ sâm cầm chiều mặt hồ sương khói
Chỉ ven hồ soi bóng những nhà cao áo quần phơi phất phới
Hà Nội
Nghìn năm, nghìn năm
No comments:
Post a Comment