Nguyễn Văn Đậu
(Gửi các em: Ngô Vệt Hồ, Nguyễn Thị Tặng, Nguyễn Thị Thúy Ban)
Cuối tháng 3-2012 vừa qua, bốn anh em chúng tôi làm một chuyến đi năm ngày về Hà Nội.
Thế là đã mười hai năm rồi tôi mới gặp lại chị, sau nhiều lần gặp chỉ qua điện thoại. Các em tôi, hai em gái thì đây là lần thứ hai gặp chị sau lần đầu hồi đất nước mới thống nhất anh chị vào Sài Gòn tìm đến nhà thăm chúng tôi, còn em rể thì đây là lần đầu.
Các em tôi định cư ở Mỹ, về Sài Gòn thăm gia đình chỉ được ba tuần, lại rất muốn gặp lại bạn bè và bà con họ hàng, nhất là về Bắc thăm mồ mả ông bà, sau bao năm xa cách. Tôi đã dẫn các em về quê, như một nỗi ngoái nhìn cái vệt dài quá khứ đã băng qua cuộc đời chúng tôi với không biết bao nỗi thăng trầm nhân tâm thế sự. Năm ngày, không là một tour du lịch. Năm ngày của một nghĩa đi về.
Chị là con gái thứ của người anh ruột mẹ tôi. Chị chỉ hơn tôi có năm tuổi, mà một thời như đã che chở cho tôi rất nhiều. Tôi với người em trai kế nay đã mất, suốt thời thơ ấu bố mẹ đi vắng xa, được gửi về quê ngoại cho bác tôi nuôi nấng. Bác tôi rất nghiêm khắc trong việc học tập của tôi cùng với người con trai của bác chỉ hơn tôi một tuổi. Những khi chúng tôi bị bác phạt, hoặc khi bị đứa nào đó trong làng bắt nạt, chị đều có cách “cứu” chúng tôi. Vì thế khi ấy chị là rất người lớn đối với tôi.
Tôi nhớ, khi bố mẹ tôi đã đem anh em chúng tôi ra sống ở Hà Nội rồi, hằng năm cứ mùng ba Tết là mẹ dẫn chúng tôi về quê ăn giỗ ông ngoại, để mùng bảy ra lại Hà Nội để chuẩn bị đi học. Cứ đều như thế cho đến khi chúng tôi di cư vào Nam. Tôi nhớ, cứ khi mẹ con chúng tôi về đến chân đê đầu làng là đã thấy chị cùng mấy người đồng trang lứa chờ sẵn để đón. Trời xuân trên con đê thanh xuân, gió đồng tươi mát làm bay bay những dải thắt lưng màu hoa lý hoa đào của các chị, đã làm say say tâm hồn trẻ dại của tôi, cho đến tận bây giờ dù đã sáu mươi mấy năm qua nó cứ còn tươi non như mới.
Rồi chị thoát ly theo kháng chiến...
Rồi đến ngày đất nước thống nhất 1975, chị và chồng vào Sài Gòn tìm chúng tôi. Khi ấy mẹ tôi không còn đã gần nửa năm. Chị ướt mắt cho cô của chị, bảo, chị tìm vì là cô cháu, vì là chị em chứ không vì chuyện thua chuyện được, và còn bảo tôi, “Hôm nào em ra Hà Nội, chị sẽ đưa em về quê”. Khi ấy tôi hỏi thăm ngay về bác tôi, chị bảo, bác bất mãn suốt thời kỳ cải cách ruộng đất, chị hiểu và nói cái mà chị làm được cho cha hay dở thế nào tùy mỗi người nhìn nhận nhưng với chị là quả có phần đã được an ủi, đấy là nhờ chị ở vị trí chính trị của mình mà cha đã được giảm thành phần trong đợt cải cách mà thoát khỏi cơn nguy. Sau đấy bác tôi mấy lần vào Sài Gòn là mấy lần tôi đưa bác đi thăm mộ mẹ tôi, cũng là những lần đầu tiên trong đời tôi thấy một ông già một mình đứng khóc.
Rồi lần này chúng tôi về Hà Nội.
Hà Nội vừa trải qua những ngày rét đậm, mấy ngày chúng tôi ở đây trời mát đẹp lạ thường. Sau khi đã về quê nội thăm họ hàng và thắp nhang trên phần mộ tổ tiên, rồi về quê ngoại, chúng tôi ra lại Hà Nôi, một buổi tối đến thăm chị. Chị trước là bác sĩ Quân y và anh là sĩ quan Phòng không - Không quân, nay sống cùng con cháu trong một ngôi nhà cũng vừa phải trong khu tập thể dành cho các sĩ quan cao cấp về hưu. Trải qua bao gian khó những ngày dài, anh chị sống trọn vẹn bên nhau ở lúc cuối đời là điều đáng mơ ước của nhiều người, còn chuyện hậu sự thôi cứ để đấy tùy duyên. Anh và chị đều có tiêu chuẩn nghĩa trang nhưng không ở cùng nơi, muốn cùng bên nhau yên nghỉ thì phải nghĩ chuyện về quê, quê chị hay quê chồng thì tôi cũng chỉ nghĩ thế.
Chị và vợ chồng người con trai lớn tiếp chúng tôi ở phòng khách được một lúc thì anh xuống. Anh tuổi đã ngót chín mươi, nằm bệnh đã mấy năm nay, đi phải có người dìu, chị bảo thường ai đến thăm thì được dẫn lên gác chỗ anh nằm. Thế mà lần này anh anh xuống với chúng tôi, chị bảo thế là anh vui đấy.
Anh tuy yếu nhưng đầu óc minh mẫn, chuyện trò thăm hỏi từng người đâu đấy, rồi quay ra nói chuyện của anh. Đấy là chuyện anh đánh Mỹ bao trận với bao chiến thuật thần kỳ. Chị bảo cứ để anh nói để anh vui. Nghĩ tội. Con người một đời binh nghiệp, cuối cùng chỉ sợ quá khứ của mình bị lãng quên. Tôi hiểu thế và cũng đã từng nghe bao chuyện như thế quanh đời, cho nên thấy là thường. Nhưng em gái tôi thì không chịu thế, khi chỉ có mấy anh em thì em tỏ khó chịu, bảo sao nói những chuyện đó làm gì, mình đến thăm chị vì là chị em. Tôi cũng hiểu em, hơn ba mươi năm trước em thân gái đi vượt biên một sống chín chết, hỏi làm sao em chịu được những lời như thế. Tôi chỉ bảo em, đừng bận tâm điều đó làm gì, nên thương hơn nên trách.
Đấy, cái tình cảnh nước ta bây giờ như thế, rất hiếm khi ta nghe được những lời người ta nói nhân danh người Việt Nam, mà chỉ những nhân danh người Việt Nam A, người Việt Nam B, người Việt Nam C v.v... mà thôi. Hy vọng rồi đấy chỉ là một hiện tượng mang tính thế hệ.
Chị nay đã bước vào tuổi tám mươi, nhiều năm nay bị chứng tiểu đường nó hành thành ra cũng không được khỏe lắm. Chị cầm tay hai em gái tôi, hỏi thăm từng người từng người ở đâu và cuộc sống thế nào. Chị và anh nay con cháu thành đạt, kể chúng từng đi học những nước Mỹ, nước Anh, như quanh đây bao nhiêu người khác nói ra không giấu vẻ tự hào.
Nhớ hồi cuối những năm 1990, tôi về lại Hà Nội lần đầu sau bốn mươi bốn năm xa cách, gặp chị ở quê chị hỏi tôi Hà Nội thế nào. Tôi khất chị câu trả lời. Sau đó về lại Sài Gòn viết được một bài, bài Hà Nội tôi về, tôi in ra gửi ra Hà Nội cho chị đọc. Chị gọi điện vào Sào Gòn cho tôi, bảo, chị photo bài đó làm nhiều bản đưa cho các con cháu đọc và rằng đấy của cậu, một giáo sư dạy Triết ở miền Nam. Tôi nói lời cảm ơn chị. Sau đó tôi nhận được một thư của anh, anh khen tôi tinh tế duy chỉ có một điều anh không đồng tình khi tôi gọi cuộc chiến tranh vừa qua là nội chiến.
Tôi lại hiểu anh, ở vào vị trí của anh, anh phải có một cái nhìn khác. Tôi rất trọng những cái nhìn khác, mỗi ai cứ nói ra những gì mình nghĩ khỏi cần phải nói những lời lấy lòng ai, đúng sai thế nào thì lịch sử sẽ kết luận.
Với anh, cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Tôi cũng thừa nhận tính giải phóng dân tộc có ở giai đoạn đầu cuộc kháng chiến, sau đó thì nó giảm dần khi mà ở cả hai phía đối nghịch có sự tác động từ bên ngoài vào cuộc chiến để phía nào cũng đóng vai tiền đồn cho ý hệ của hai phe thế giới người ta chống nhau. Cho đến khi đất nước bị chia hai, hai miền Nam-Bắc anh em bắn giết lẫn nhau, thì không thể không gọi là nội chiến. Nội chiến, không thể nói khác. Ngay khi cuộc chiến súng đạn ấy đã qua đi, tính dân tộc hồi đầu đã trở nên mơ hồ khi mà trong xã hội hình thành những cá nhân lợi ích và những nhóm lợi ích chúng càng ngày càng nhiều và đầy quyền lực, bỏ mặc đám quần chúng nghèo khổ với cuộc sống thiếu an toàn pháp lý, khuyến khích cả một lớp người trẻ đi vào cuộc hưởng thụ tiền bạc cùng các tiện nghi vật chất bằng mọi giá.
Nói một lời phê phán thì dễ lắm. Xã hội nào cũng đầy những cái để mà phê phán, nhưng nếu chỉ phê phán không thôi thì xem ra cũng vô trách nhiệm. Nghe phê phán nhiều quá, người ta đâm chán, cái mà mọi người muốn nghe là, đâu là giải pháp cho vấn đề. Một thứ giải pháp phải khả thi, phải được mọi người lắng nghe, chứ chỉ lấy cái lẽ ở một phía nào thôi hoặc quá chung chung thì cũng khó thuyết phục ai, không khéo lại đâm ra ảo tưởng. Quyền đưa ra giải pháp không thuộc riêng một ai cả.
Cái hoàn cảnh nước ta là một hoàn cảnh khó, bởi một đằng dân trí thấp, một đằng bị ngoại thuộc quá nhiều rồi, nay dân tính đâm ra xấu xa khiến có nhiều thứ đổ vỡ khó hàn gắn. Khởi đi từ đống tro tàn của một quá khứ chia rẽ và đầy hận thù, cuộc chiến tranh Việt Nam im tiếng súng vào tháng 4-1975, đã làm nên một vết cắt vào lịch sử để mở ra một cuộc chiến mới dưới một dạng khác giữa đồng bào, cho đến bây giờ dù đã mấy mươi năm qua đi vẫn chưa thấy có một dấu hiệu tích cực nào. Lịch sử bày ra thế nào thảy đều là thực thể. Không ai có thể phủ nhận thực thể được, cũng không ai lại chịu để mất mình trong một thực thể dù nó thế nào. Nó là thế, đến hay đi đều có cái lẽ của nó. Trong nó, là đấy những cảnh ngộ may hay rủi thì nhiều khi không thuộc quyền chọn lựa của một ai, là đấy những cuộc sống buồn hay vui thế nào thì lại tùy ở mỗi người. Sống thì ai cũng phải sống và phải làm việc để sống, và vấn đề không phải là anh sống ở đâu mà sống như thế nào, không phải là anh làm gì mà làm ra sao.
Lần này chị không hỏi tôi Hà Nội thế nào.
Tôi cũng muốn nói với chị về nỗi lo của tôi trước chuyến đi Hà Nội. Cứ nghe những gì người ta nói, đọc những gì báo hằng ngày viết về Hà Nội thì không thể không lo. Vé máy bay chúng tôi mua ở Sài Gòn chỉ còn chuyến bay khuya, eo ôi, từ sân bay Nội Bài đi mấy chục cây vào thành phố, rồi chỗ khách sạn trú chân, chúng tôi người lạ tránh sao khỏi bị người ta bắt nạt, dù đã nhờ người hay ra vào Hà Nội giới thiệu taxi quen, đã nhờ người cháu ngoài ấy đặt trước cho khách sạn. Chỉ đến khi đã ổn cả tôi mới hết phập phồng. Từ đấy đi lại bằng taxi hay xe buýt chúng tôi mau thạo, thế là những ngày Hà Nội trở nên nhẹ nhàng. Chắc chị cũng hiểu, giữa những gì nghe người ta nói với những gì mắt ta thấy thực không phải bao giờ cũng giống nhau, cho nên cái gì ta cũng phải nên tiếp xúc thì hơn. Ngay cả khi tiếp xúc, không phải lúc nào ta cũng thấy như lúc nào, tất cả tùy lúc, tùy nơi, tùy việc ta tiếp cận.
Tôi cũng muốn kể cho chị nghe về Hà Nội bây giờ với Văn Miếu, hồ Gươm, phố cổ, Mỹ Đình..., những nơi mà các em tôi ngó được chỉ tính bằng giờ bằng buổi. Những gì còn đọng lại trong chúng tôi là những nét không thể dời đổi của Hà Nội. Đấy là những ngôi nhà như những cái lồng chim sơn son suốt dọc Hàng Ngang, Hàng Đào. Đấy là những gánh hàng rong đung đưa trên phố. Đấy là hình ảnh một người đàn ông trọng tuổi với com-lê ca-vát, giầy tây, mũ phớt, trên tay cầm quyển sách, an nhiên đi dạo trên hè phố giữa chỗ bán chỗ mua người ta ồn ã, như một người đi lạc... Rồi bỗng cảm nhận ra Hà Nội thay đổi nhiều quá, đi quá khu phố cổ ra, đâu đâu cũng xây dựng và xây dựng với bụi với ồn mù mịt. Và bỗng nhớ lại cái băn khoăn của tôi ở lần gặp lại Hà Nội hơn mười năm trước, là cái cách người ta ghi địa chỉ nó đã làm khó cho chúng tôi khi đi tìm nhà người cháu mới mua mấy năm nay ở trong một con ngõ sâu: cái cách ghi số nhà trước, số ngõ sau, và nếu có nhiều ngách thì thật phiền; nó khác với cách ở Sài Gòn người ta ghi số hẻm trước, số nhà sau, chồng lên nhau bằng cái xuyệc, ngõ ngách bao nhiêu là bấy nhiêu cái xuyệc thật cứ là đơn giản.
Hà Nội của chị đang mở rộng ra, còn nhiều ngổn ngang lắm, và có vẻ đang có nhiều vấn đề. Tôi muốn kể với chị thế này: cứ vào ngồi ở một quán cà phê loại sành điệu một chút, nơi có nhiều nam thanh nữ tú, sẽ nghe ra khối chuyện. Nào là, “Luật thủ đô” nó làm cho Hà Nội bé bỏng và tầm thường đi. Nào là, đường trên cao người ta cấm xe máy mà xe máy cứ chạy vào, thì ô tô cứ đâm cho chết. Nào là, gì mà “Đường phạt thí điểm” nghe nó ngô nghê và bần tiện. Nào là, “chạy” công chức không dưới vài chục triệu. Vân vân... Chuyện là chuyện vỉa hè, chẳng biết đâu lửa khói thế nào?
Có kể ra những thứ ấy, chắc chị cũng chỉ cười cười. Chắc là những nụ cười, tôi nghĩ thế bởi vì tôi vẫn nhớ câu chị nói một khi trước, rằng tình gia đình luôn luôn nó tồn tại, rằng chẳng có gì làm ta phải chia lìa.
Dù sao chị cũng nói ra một điều như thế. Giữa lời được nói ra với ý còn ở trong đầu một người không phải bao giờ cũng giống nhau, nhưng khoảng cách của nó không như nhau trong hai trường hợp giao tiếp thông thường và giao tiếp lịch sử. Trong giao tiếp thông thường, khoảng cách giữa ý và lời dù có lớn đến đâu mà một khi nó tồn tại thì nó sẽ trở thành một nét riêng làm nên thực thể văn hóa; tỉ như một sự khách sáo, cái lẽ không thật của nó đều có nét dở nét hay riêng. Tôi dùng khái niệm giao tiếp lịch sử trong trường hợp có những khó khăn trong sự đồng thuận giữa cộng đồng, tỉ như một từ dùng trong sinh hoạt thường ngày hay tên gọi một biến cố lớn mà người ở hai phía nghịch nhau cứ chỉ cho cách dùng cách gọi của mình mới là đúng.
Cái bi kịch lịch sử của ta nó nằm ở chỗ đó. Ít ra tôi đồng ý với chị, rằng tình cảm phe phái phải nhường chỗ cho tình cảm gia đình. Dù gì lần này về quê được gặp chị, chúng tôi cũng không phải thất vọng. Không những thế, lần về này đối với tôi (có lẽ đối với cả các em tôi) là một hạnh phúc lớn, rất lớn, bất ngờ: được về lại làng xưa, được anh em đoàn tụ chốn quê nhà, tuổi này rồi liệu có còn được một lần nào nữa?
Tôi lại về với Sài Gòn của tôi.
Hôm rồi ngồi cà phê với bạn, tôi có khoe về chuyến đi vừa qua. Một anh bạn nhỏ hơn tôi đến chục tuổi, nhân nhắc đến sự kiện ba mươi tháng tư sắp tới của ba mươi bảy năm trước đã đọc hai câu thơ mà anh bảo không biết của ai, tôi thấy nó tuy chỉ là chuyện cảnh ngộ nhưng cũng nói lên được cả một nỗi đau bi kịch lịch sử:
Bao năm chinh chiến ta gần gũi
Giờ đã thanh bình lại biệt ly
Nhân đấy tôi đã nói với anh bạn ý nghĩ của tôi: trong một cuộc được thua, người thắng chưa chắc là đã có chính nghĩa, và người có chính nghĩa thì không bao giờ thua cả.
Mà sao ta cứ nói đến chuyện thắng thua mãi nhỉ? Ai thắng ai? Ai thua ai? Chẳng lẽ đấy là mục đích của cuộc tương tranh với đầy những chiêu bài cao cả đã từng được người ta trưng ra? Chỉ có nỗi đau của cả một dân tộc là không có gì phải hỏi.
(19-4-2012)
- Nguyễn Văn Đâu -
No comments:
Post a Comment