Saturday, July 4, 2015

Trước biển

Cao Mỵ Nhân

Chị cứ sụt sịt mũi mỗi lần nhìn ra biển phía Tây. Chị bảo có lẽ chị bị dị ứng hay là nhậy cảm, tôi ậm ừ cho qua chuyện, để nụ cười chị không tắt trên môi. Chị đang khóc thầm mà cứ giả vờ nói lăng nhăng, để chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhung của bầy chim vỡ tổ đang dạt dào nước mắt, sẵn sàng nhỏ lệ nếu ai chạm đến vết thương âm ỉ của mình.

Cuối tuần, chúng tôi tuy không nói ra, nhưng ai cũng muốn tìm một chút kỷ niệm xưa, nó không còn giá trị với những người đã bỏ xa dĩ vãng, trái lại, rất quý giá đối với chúng tôi, mấy anh chị em bị bộ lạc bỏ rơi, cảm nghĩ lênh đênh đã khiến chúng tôi như đang đứng trên một chiếc bè trôi ngược... về nguồn.

Chị vẫn nói vu vơ và cười hồn nhiên, chị chỉ cho thấy một đàn chim đớp cá, nhiều vô kể, bảo anh chụp cho chị những tấm hình ghi nhận được cả bóng chim mịt mù, xao xác đó. Suốt chuyến đi dọc theo bờ biển xuống phía nam, anh chỉ nói một câu, hay nhiều câu chứa đựng một ý, đó là: “Tới đây để nhớ Hải Vân”. Cả ba chúng tôi đều đã thuộc lòng từng khúc đèo lên, xuống Hải vân như đi trong vườn nhà mình, nên mỗi người trong chúng tôi bị ký ức kéo lui tâm hồn và cuộc sống về một điểm khởi hành đã quá chậm, để không thể tiến tới nhanh chóng cái đích cuộc đua cô đơn của chính mỗi người lâu nay.

Anh chị thay phiên nhau cầm máy ảnh, còn tôi thỉnh thỏng đứng chung với chị hay đứng một mình, để kỷ niệm vì tôi quan niệm: có khi tiện dịp thì mới trở lại con đường này, còn có khi cả chục năm sau nữa, chưa chắc đã đi qua. Trong đời người ta, có nhiều đoạn đường chỉ duy nhất một lần đi, rồi thôi. Tất nhiên có những đoạn đường xem ra chẳng đẹp đẽ gì, thế mà cứ phải hàng ngày qua nó, như tuyến đường đi làm chẳng hạn, nên tôi nghĩ rằng đôi khi tôi dẫm lên chính những vết chân của tôi đi trước mà vẫn bị lạc... Thật là khó chịu khi “mình không vượt nổi mình”. Anh vừa mỉm cười với thiên nhiên, vừa thốt ra lời với ngàn xanh cây lá...

- Chim biển là chim biển thôi, đừng rứt khoát nó phải là Hải Âu – chị nói.

- Dạ.

- Không biết nó có bay tới được bờ bên kia không nhỉ?

Tiếng cười khô gọn của anh đồng bộ với cánh chim vừa đập trên sóng nước. Bầu trời hôm ấy chưa xanh lắm vì thiếu nắng, nên vắng hẳn một sắc mây quen thuộc vẫn thấy ở quê hương, tận cuối biển kia.

- Sợi chỉ màu xanh rêu rất mơ hồ đó là quê hương đấy.

Đã bảo rồi, lòng đang mang tâm sự, chớ nên đi biển, mà sao chúng tôi cứ luôn luôn tìm hướng biển để rong chơi hoài nhỉ?

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Cụ Nguyễn Du mang tâm sự bậc sư tổ tâm sự của chúng tôi còn phải ngán ngẫm nhìn ra cửa biển, huống hồ nhà văn mang hình ảnh Dũng của Nhất Linh này, lại không biết cửa biển tác động vào tâm tư tình cảm thiên hạ đến thế nào sao. Có lẽ anh nghĩ phải đi tìm một chút ngoại cảnh cho cuốn “Gia Đình Tôi II”, nên mới hướng về bờ biển phía tây để nhuận thêm sắc thái tiểu thuyết.

Nhưng, đã bước đến đây..., đây là mặt biển, phải chấp nhận niềm suy nghĩ mênh mông đó.

Có phải đứng trước biển để thưong, để phục sự cố gắng vô cùng của những loài sinh vật đang cố bơi qua mặt nước bao la kia không? Và trong đó, phải kể trước nhất là con người. Thế thì, con người đã từ bờ bên đó vượt qua bên đây, và một ngày nào, lại từ bên đây, băng về bên đó, thật lẩn quẩn...

Như vậy, nỗi buồn khi đứng trước biển này, có phải tại cái mặt nước bát ngát kia, một mặt nước rộng rãi tưởng đến vô bờ, hay còn tại một lý do nào khác nữa? Riêng tôi nghĩ là tại cái sợi chỉ màu xanh rêu rất mơ hồ trong tâm tưởng, tức quê hương đấy mà thôi.

Tại sao nhắc tới quê hương lại nghĩ ngay đến một giải đất màu xanh nhỉ? Và, người quốc gia nào cũng thường nghĩ thế. Chưa hế ai nói màu đỏ hay màu tím... quê hương bao giờ. Ngay cả những người đi trên vùng băng tuyết, sa mạc cát... cũng vẫn tưởng tượng màu xanh quê hương ở cuối tầm mắt, để hy vọng sống sót trở về...

Con đường bỗng bị cắt bởi một thành phố trước mặt, anh tần ngần chưa định rẽ hướng nào, chị thản nhiên đề nghị:

- Anh xuống thêm một đoạn đường dưới kia, cứ sát bờ biển mà đi.

- Nhưng cũng phải vòng vào đây một chút mới có lối ra lại chứ, dưới kia chỉ là đường cho xe đạp thể thao.

- Anh cứ đi đi, thế nào cũng có đường song song với bờ biển, ở đâu cũng vậy.
 - Biết rồi, nhưng đôi chỗ bị lấp bởi nhà làm lố ra, miễn là ven theo biển được thôi, ở biển đã quá nhiều năm mà vẫn thích đi biển.

Chị cười thay cho câu trả lời, chị nói nhỏ với tôi:

- Nghe tiếng sóng vỗ có vẻ vui, nhưng dù sao đứng trước biển cũng mung lung chi lạ, lòng dạ như rộng rãi hẳn ra, tâm hồn thư thái và khoáng đãng hơn ở phố xá.

- Vâng đúng thế.

- Thôi bây giờ không làm được gì, lâu lâu mình cứ ra biển chơi vậy.

Câu nói lưng chừng của chị gợi ra biết bao nhiêu ý nghĩ. Những suy nghĩ chưa kịp rõ rệt thì chị tiếp theo:

- Thế mà còn biết bao nhiêu người đang còn bị mắc kẹt ở đảo.

- Đôi khi biển xui khiến nên nhiều hoàn cảnh không thư thái, nhàn tản được chị ạ. Chị có biết một cô bị rớt thanh lọc đã rất thản nhiên đi lừng lững ra biển thật xa..

Chị chỉ nhìn tôi lặng lẽ, không nói và cũng không cười nữa. Tôi tiếp theo:

- Mặt biển đã trở nên lãnh đạm, băng giá và đại vô tình. Em sợ biển lắm. Một lần ở Tuy Hoà, mây đen kín trời, sóng biển áo ạt sau lưng, em cắm đầu chạy như bay về thành phố, cứ sợ nước dâng lên bất tử cuốn mình ra xa...

Bây giờ chị mới bật cười.

- Thì cũng như hôm nay, cũng hai người rủ em đi chơi, nhưng giông gió nổi lên, em bỏ họ lại đằng sau, chạy miết vào thành phố Tuy Hoà em mới dừng lại. Chị Hoài Hương Trang và người bạn trai cứ cười em mãi.

- Nếu một mình có đi biển không?

- Không, một trăm lần không. Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi đẻ mồ côi một mình. Em đã áp dụng đúng câu này, đi đẻ một mình, và đi biển ít nhất hai hay ba người dù là đi chơi, không phải đi đánh cá. Vậy mà chị ơi, bạn em vượt biển những năm trước đây, toàn đi một mình, hay thả con lênh đênh trên mặt biển một mình đấy, tội ghê.

- Biển với dân tộc Việt Nam vừa là ân nhân, vừa là kẻ thù.

- Theo cách nói và cách nhìn của mỗi sự việc.

Chắc anh đang nghĩ về biển như một dữ kiện lịch sử, và biển chịu trách nhiệm về phần chứng tích quan trọng đối với vệt mây màu xanh mờ ảo đã biến hẳn khi mặt trời chiếu thứ ánh sang lạnh trên một đoạn vòng quanh núi, anh dừng xe lại, nói: mỗi người chọn cho mình một phông hậu cảnh để chụp hình... kỷ niệm chuyến đi Palos Verdes Dr. nhé.

Anh đứng nhô ra trên ghềnh đá nhô hẳn ra vực nước sâu...

Chị đứng trước phong cảnh hữu tình của một nửa núi ngất ngưởng, một nửa biển bao la...

Tôi đứng sát cạnh tấm bảng ghi hàng chữ “Do not enter, wrong way”... dựng nơi trạm nghỉ bên đường thiên lý, mắt nhìn ra tít mù xa, để tìm một màu xanh quê hương thật sự...

Lawndale, 25.10.1992


No comments:

Post a Comment