Thursday, May 15, 2014

Cà phê chờ

Nguyễn Văn Đậu

Chiều muộn, tối chưa kịp về mà lạnh đã thấm sâu. Anh Kha đưa chân tôi qua miếng sân rộng, ra đến cổng đã thấy chị Kha đứng đó chờ mở cửa tiễn khách. Chị hơi cúi đầu chào tôi, “Anh về”, rồi nói với chúng tôi nhưng thật là để nói với chồng, “Sáng mai hai anh ngồi cà phê, chỗ đó, chờ em”.

Lại là chỗ đó. Lại là Tùng. Tùng ở trên phố, chỗ gần đoạn cong của con đường dẫn quanh một phía của khu Hòa Bình, nhìn sang chỗ những bậc cấp bên kia đường dẫn đi xuống chợ.

Ngồi ở sát vách kính, nhìn thấy đủ bề ngang vỉa hè với những bước chân đi như ai dẫn ai đi về tận những đâu đâu, không dưng tôi cảm ra một nỗi buồn rất vu vơ nhẩm ra năm mươi năm trời đã trôi đi từ lần đầu tiên tôi đến đây, tận những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, tôi sinh viên, đến chỗ này với ai và đã cảm ra thế nào thì thật không nhớ, chỉ biết từ đó là một thứ rung động thế nào mỗi khi nhắc đến Cà phê Tùng. Tuổi chưa ba mươi khi ấy như tuổi mon men từ một thế giới này sang một thế giới khác. Bạn bè, nếu không có những đứa bỏ hẳn học văn để đi vào binh nghiệp khi ấy, thì có lẽ tôi chưa có cái duyên mon men kia. Bạn tôi, nhiều đứa vừa xong Tú tài là thi vào trường Võ Bị Đà Lạt, để trở thành một hình ảnh vừa hiên ngang vừa lãng mạn trôi bềnh bồng trong tâm trí những chàng trai cô gái đô thị vừa biết cảm nhận ra cái mong manh sống chết trong một hoàn cảnh đất nước đã có những dấu hiệu của một cuộc chiến tranh. Rồi thì từng năm nhích đi, giã từ đời sinh viên, bạn tôi có nhiều người lên đấy dạy học, một số dạy ở mấy trường công hay tư, một số dạy trong Võ Bị. Thế là Đà Lạt đã trở nên thân quen với tôi, và lãng mạn hay hiên ngang đều rất đáng yêu.

Tôi đã đến đấy lần đầu với một người bạn mà tên tuổi và nét dáng giờ không còn để lại một chút gì trong trí nhớ của tôi. Xin tạ lỗi, tạ lỗi người bạn kể là đã rất thân ấy, anh còn hay đã không còn, hãy nhận lấy cho tôi một lạy khi tôi nhớ như thế về anh! Chúng ta đã từng rất thân nhau, đã từng có lúc như những con người đứng hẳn ra ngoài cuộc áo cơm thông thường, đã dìu nhau đi vào một cõi nào mơ mộng mịt mờ. Như một nơi rất văn nghệ, hình như mình cũng đến đấy để được nhìn một ai đó không quen, để mong được ai đó xa lạ nhìn ra mình…

Rồi thì chiến tranh nổ ra làm cho ai nấy trái tim tan nát. Và hình ảnh các chàng trai Võ Bị bỗng càng trở nên quyến rũ.Tôi đi lại nhiều lần Đà Lạt, vẫn hay cùng bạn đến đó ngồi, mấy tiếng “Cà phê Tùng” vẫn cứ làm nên xôn xao nhiều khi không cắt nghĩa được. Thế rồi đất nước thống nhất lại và lòng người chia tán ra, nhiều người rời bỏ Đà Lạt mà đi. Sau ngày đó do cơ duyên nghề nghiệp, tôi lại có dịp đi lại Đà Lạt nhiều hơn, lần nào cũng ghé Tùng để thấy ra hụt hẫng thế nào bạn bè không còn một ai ở đó nữa cả.

Anh Kha dừng xe máy ngay cửa quán. Tôi bước ra. Chị Kha đứng xuống, gật đầu chào tôi, nán lại chuyện trò giây lát rồi nhẹ nhàng băng qua đường. Tôi nhìn theo cho đến khi chị khuất hẳn chỗ mấy bậc cấp đi xuống chợ.

Hai chúng tôi ngồi bên nhau một lúc lâu không ai nói một lời nào. Hình như thế cũng đủ. Chả cần nói. Chỉ cần nghe hơi thở nhau. Bạn bè lâu lâu gặp lại, là chỉ mỗi khi tôi có dịp lên đây. “Chúng tôi chẳng đi đâu được, nhà tôi không chịu đựng được ngồi xe đường dài”, anh có nói với tôi như thế để lý giải chuyện anh chị không thể đi thăm ai ở xa.

Cách đây sáu năm, anh chị rời bỏ đất Mỹ sau khi đã sống ở đấy được hơn bảy năm, để “tuổi già về sống nơi quê nhà”, anh chị nói thế khi cảm ra một nỗi cô đơn khủng khiếp khi bảo là đi đoàn tụ mà cuộc sống tháng ngày ít khi gặp mặt con cháu. Anh chị tính thế cũng hay, về bán đi căn nhà ở Sài Gòn vẫn đứng tên anh chị mà khi đi đoàn tụ thì đứa con gái cùng hộ khẩu lưu cư nhưng nay mai lại được con gái của nó bảo lãnh ra đi, chia cho con cái xong còn một số tiền đem mua đất xây nhà để ở. Tính toán mãi, bảo nhau về Đà Lạt. Không ngờ chị ngã bệnh nhanh quá. Trải qua những ngày dài ra vào bệnh viện, anh chị lại thấy nếu sang lại được bên Mỹ thì hay hơn, vì ở đấy có con cái và có điều kiện y tế tốt hơn, nhưng e cũng khó. Chị bệnh thuộc loại ngặt, hằng tuần anh đều phải đưa chị vào bệnh viện chạy thận. Hằng tuần như thế, hai vợ chồng già săn sóc nhau trong trời giá rét. Tôi chợt nhớ hai câu cổ thi không biết của ai, nay tôi ghi lại một câu sau khi đã sửa đi hai chữ nhật thành hai chữ dạ, là do thích thếvậy thôi, “Nhất dạ phu thê bách dạ ân”. Câu dễ hiểu mà khó dịch.

Tôi nhìn quanh, trong quán cũng có những người đàn ông ngồi ngóng qua vách kính.“Cũng dân chờ vợ đi chợ cả”, anh Kha cười, nói với tôi như muốn bảo “Tôi biết anh đang nghĩ gì rồi”. Chờ. Có bao giờ tình nhân chờ nhau như thế đâu. Chỉ có vợ chồng chờ nhau như thế, có chữ “Tùng” trên vách kính chứng kiến, bỗng như một sứ mệnh thế nào, chờ, chờ nhau trong một thoáng hay trong cả trăm năm tình nghĩa ân thâm. Rồi anh nói như tự giải thích cho chính mình, “Mấy bà không bao giờlàm hỏng cuộc cà phê của quý ông đâu”. Dễ thương đến vậy.

Kể cũng lạ, một cái quán mà vương vấn kỷ niệm nhiều đến thế. Hẳn là người mở ra quán phải có cái đầu văn nghệ lắm thì mới tạo nên được một thứ bầu không khí có cái ma lực bám rễ được vào cuộc đời bao con người trong hay ngoài giới văn nghệ như thế. Khoảng trời trên kia không mấy cao, con đường ngoài kia không mấy rộng, mà nó mở ra hun hút cả một quá khứ. Bây giờ ngồi đây, ngó cái quầy gỗ ở phía bên trong, chỗ chân cầu thang, với bức tranh cũ trên tường cứ nằm im như thế, tôi lại cảm ra một nỗi buồn vu vơ. Tất cả như lắng đọng. Nhưng trong cái không khí không sáng không tối hẳn ấy, đôi khi thấp thoáng một người già đi rađi vào hoặc lặng lẽ ngồi bên vách tường, như để làm nên cái duyên đưa đẩy giữa hai thế hệ và có vẻ như nó cũng làm dịu đi được phần nào cái tất bật của cuộc sống trẻ vội hôm nay. Đấy không là chỗ yêu thích của mấy tay ồn ào.

Tuổi già rồi, tôi ngồi đây như mong được cứ như thế mãi.

Vẫn là Tùng, vẫn là chờ, nhưng cái chờ lúc này có vẻ nó khác. Xưa, một cái chờ vu vơ. Bây giờ, một cái chờ ai với ai một kiếp. Xưa, bầu không khí nó dìu dịu trầm lắng khẽ khàng cơ. Giờ, với người tứ xứ những dáng ngồi hơi góc cạnh, khói thuốc lá hoang loạn hơn, tiếng cười nói cũng vô tư đôi khi phô ra cái ta hơi nhiều nhiều, nó làm như đã mất mát đi một cái gì.

Đà Lạt vẫn khói, vẫn sương, vẫn hoa, vẫn nắng, trước sau dù có khác cũng cứ vẫn là chờ.

9 tháng 2- 2013

No comments:

Post a Comment