Saturday, April 20, 2013

Nghĩ về một cuộc chiến, nhớ lại những chặng đời - 2

Quýdenver - 2005

50 năm xa Hànội
30 năm mất Saigon
Bao nhiêu năm đất khách
Cho tròn nỗi cô đơn!?...


1. Một thoáng ấu thơ - 2. Bên lề khu chiến - 3. Qui hồi cố thành
4. Quân hành lỗi nhịp - 5. Tháng tư bát nháo - 6. Lại một bắt đầu
7. Nhớ về cuộc chiến - 8. Nghĩ về tình người

2. Bên lề khu chiến

Một-Chín-Bốn-Sáu. Cách mạng bùng lên rồi Thủ Đô kháng chiến. Gia đình tôi rời Hà nội về làng để thu xếp đáp chuyến tàu hỏa chót di cư lên mạn ngược, nhưng bác Phổ - một người hàng xóm thích nuôi ngựa - lại thích nói là chúng tôi lên khu chiến (Liên Khu 10). Bác đi theo chúng tôi trên quãng đường gần 3 cây số, đến tận ga Yên Viên để tiễn đưa và chúc chúng tôi lên khu chiến bình an. Bác bế tôi đặt lên bậc thang toa tàu, y như thể bác bế tôi đặt lên lưng ngựa khi trước.

Bác nói nhanh như sợ con tàu chuyển bánh, không nói kịp: “Chốc nữa, trên đường về, bác sẽ tạt qua dốc phố cầu Đuống, tìm gập ông chủ xe ngựa để giạm bán con ngựa của bác. Thầy mẹ cháu đi rồi, cháu đi rồi, còn ai để nói chuyện với bác về ngựa nữa. Nó là con chiến mã, cháu ạ. Tiếc rằng bác cháu mình không phải là những vị tướng tài để cưỡi nó, xông pha trận mac. Tội nghiệp cho con ngựa. Rốt cục rồi nó cũng chỉ là một con vật kéo xe!”

Bỗng con tàu như giận dữ hét lên một tiếng còi dài, rung mạnh rồi sình sịch chuyển bánh. Tôi chới với đưa tay nắm chặt cây cột sắt nơi cửa toa tàu, nhìn bác Phổ bị bỏ lại đằng sau, nhỏ dần, mờ dần, khuất lấp vào hàng cây soan tây hoa đỏ trước sân ga mà không biết nước mắt đã chan hòa trên môi trên má từ lúc nào.

Cuộc đời vốn là một chuỗi dài những cái bắt đầu không đứt quãng. Bắt đầu biết khóc biết cười, bắt đầu biết thương biết ghét… Tôi cũng có những cái bắt đầu: bắt đầu quen bác Phổ, bắt đầu xa bác Phổ, bắt đầu rời Hànội lên khu chiến, và ngày tháng trôi qua, bắt đầu say mê những bài ca mở đầu bằng những câu “Hướng về Thủ Đô nơi vang tiếng súng…, hoặc “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau...” .

Tôi bắt đầu tập làm thơ trong những giờ luận văn trong lớp:

Mẹ lạc bước bao ngày con đợi Mẹ
Mắt thơ ngây theo dõi lối xa xăm
Bụng oán cừu uất hận giống xâm lăng
Khóc thổn thức trong lòng, ngoài khóe mắt

Con lạc Mẹ mặt trời như muốn tắt
Tháng ngày trôi năng chĩu nỗi căm hờn
Sống âm thầm trong sông núi cô đơn
Nói nghẹn tiếng và cười ra nửa miệng…

Tôi bắt đầu làm quen với những bản tin chiến thắng qua những buổi phát thanh bằng loa hoặc viết bằng đủ các thứ màu trên những tờ bích báo dán treo nơi công cộng. Hình như, trận đánh nào quân ta cũng thắng, và tôi bắt đầu ngờ vực khi nghe quân ta chiến thắng liên miên. Tôi chợt nghĩ đến câu “Xích tử chi tâm” của cổ nhân, có lần bác Phổ kể tôi nghe mà thấy thương cho những trẻ ở lứa tuổi tôi. Tuy vậy, sự ngờ vực chỉ thoáng nhẹ trong khoảng khắc như làn mây mỏng chợt xuất hiện rồi tan nhanh theo gió chiều.

Tôi nghiệm thấy có nhiều điều thực dụng qua những câu kể chuyện của bác Phổ. Tôi không biết bác đã hấp thụ được những điều thực dụng đó ở đâu. Bố tôi nói bác bỏ ngang việc học hành từ khi còn tấm bé, không rõ lý do vì sao. Bác không bao giờ nói vói tôi về chuyện học hành của bác, nhưng nhìn vào cái kệ sách màu gỗ cũ kỹ nơi cuối gian giữa, trong căn nhà của bác tôi chắc bác đọc sách nhiều. Điều thực dụng bác kể tôi thích nhất là cách thức tránh máy bay địch bắn phá và tôi đã triệt để áp dụng trong suốt thời gian ở trên khu chiến. Dạo đó, tuần nào máy bay địch cũng kéo đến bắn phá ít ra là một lần. Mỗi lần 3 chiếc, chia nhau lộn lên nhào xuống bắn phá và kéo dài chừng nửa tiếng xong nhập chung thành một đoàn, bay mất hút về hướng nam. Dân chúng thường tránh máy bay bắn phá bằng cách chạy tủa ra đồng ruộng, tìm nấp sau những mô đất hoặc dưới lòng mương rãnh.

Bác kể rằng máy bay địch ít khi thả bom nơi đồng không mông quạnh, ít người tập trung mà thường chỉbắn súng liên thanh. Muốn bắn, máy bay phải chúi mũi xuống. Nếu thấy máy bay bay ngang bình thường thì không sợ. Khi bay như vậy người lái máy bay không nhìn thấy gì trên mặt đất phía dưới. Nếu thấy máy bay nghiêng cánh lượn thì phải coi chừng vì có thể đó là lúc máy bay kiếm mục tiêu để bắn. Nơi tránh máy bay bắn tốt nhất là bờ ruộng cao, chỗ 4 góc ruộng châu vào nhau. Hễ thấy máy bay chúi xuống từ hướng mặt trời mọc thì nhảy sang nằm góc bờ ruộng phía mặt trời lặn; hễ thấy máy bay chúi xuống từ hướng phải thì nhảy sang nằm góc bờ ruộng phía trái; và ngược lại. Khi nằm nên nằm ngửa để có thể theo dõi máy bay. Tôi nhớ, trong những lúc chạy máy bay như thế, người ta khám phá ra một thứ rau, ăn thử thấy được liền đặt tên là rau tàu bay. Lọai rau này về sau trở thành một loại thực phẩm khá thông dụng đối với những người dân quê nghèo đói miền bắc.

Mẹ tôi là vợ thứ của Bố tôi. Bà có 4 người con trai và tôi là người con thứ ba.

Anh cả tôi bỏ nhà, vừa bơi vừa lội gần 15 cây số trong trận lụt khiến cả triệu người chết đói, đến đồn điền Tam Lộng của ông Đỗ Đình Đạo thuộc tỉnh Vĩnh Yên, bí mật tìm bắt liên lạc với Vũ Hồng Khanh để được gửi sang Trung Quốc theo học Khóa 22 tại Lục Quân Quân Quản Học Hiệu, tức trường Hoàng Phố. Trong Khóa này có 20 khóa sinh Việt Nam (19 người Việt Nam, 1 người Tàu mang quốc tịch Việt Nam) và anh tôi là người học giỏi nhất đám. Trường Hoàng Phố khi ấy thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Tứ Xuyên xưa kia là Kinh Đô đất Thục, nơi lập nghiệp của Lưu Bị tức Lưu Huyền Đức.

Anh thứ hai tôi có khiếu về văn nghệ và hội họa. Anh chiếm nhiều giải nhất trong các cuộc thi viết bích báo nên được Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Tỉnh mời làm Trưởng Ban Thông Tin Tuyên Truyền khi anh mới 18 tuổi. Tôi rất hãnh diện nhìn anh trong bộ quần áo màu nâu, chân đi dép cao su màu trắng, trong túi áo bên trái có cái túi nhỏ màu đen đựng bút máy. Miệng túi đựng bút máy được kéo thắt lại bằng sợi giây nhỏ rồi cài vào một nút áo trước ngực. Sau lưng, anh đeo ba-lô bằng loại vải dày, cũng màu nâu, do bác phó may bên xóm Đoài may tặng. Một năm sau, anh được khuyến cáo phải gia nhập Đảng Cộng Sản, anh không chịu nên bị người ta để ý theo dõi. Linh cảm thấy có điều không lành, anh ngầm bảo tôi thu xếp hồi cư về Hà-nội càng sớm càng tốt.

Cùng khi ấy, tôi đậu bằng thành chung và làm đơn xin sang Tàu học lái máy bay nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi. Tôi không biết chương trình gửi thanh niên sang Tàu học lái máy bay khi ấy là một chương trình có thật hay chỉ là một cách tuyên truyền, cổ võ tinh thần “yêu nước” của những người trẻ tuổi như tôi. Nhưng tôi vẫn cứ nộp đơn. Tôi xin sang Tàu học lái máy bay vì sở thích cũng có nhưng đúng hơn vì cái ý nghĩ trẻ con ngây thơ là tìm gập ông anh cả lúc bấy giờ nghe tinđang lẩn quất trong đám tàn quân Quốc Dân Đảng của Quân Đoàn Lư Hán dọc biên giới Bắc Việt (cứ tưởng nước Tàu bằng nửa mảnh đất Việt Nam!)

Với Khu chiến, trước sau tôi vẫn chỉ là một kẻ bên lề.

Denver, Colorado, tháng Tư 2000


Mời đọc tiếp: 3 - Qui hồi cố thành


No comments:

Post a Comment